TP.HCM: Lại đề nghị tăng giá nước

08/09/2009 17:05 GMT+7

(TNO) Hiện nay, tỉ lệ thất thoát, thất thu nước của TP.HCM đã lên đến 40,46%. Đó là con số mà Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) báo cáo trước HĐND TP.HCM trong Hội nghị chuyên đề về Giao thông - Đô thị và cung cấp nước sạch được tổ chức vào sáng nay (8.9). Trong nhiều phương án để kéo giảm con số thất thoát, thất thu nước thì việc tăng giá nước một lần nữa được đề cập đến.

90% nước thất thoát do rò rỉ đường ống

Theo báo cáo của ông Trần Đình Phú, Tổng giám đốc Sawaco thì 90% lượng nước thất thoát, thất thu tại TP.HCM là do rò rỉ đường ống nước.

Tổng sản lượng nước bình quân của Sawaco hiện nay là 1.253.000 m3/ngày. Tổng chiều dài đường ống là 3.800km, trong đó có trên 700km đường ống cũ, mục. Ông Trần Đình Phú cũng giải thích thêm nguyên nhân chính dẫn đến việc rò rỉ nước là do các đường ống cũ mục ngày càng gia tăng, tải trọng động của các phương tiện lưu thông trên đường tác động lên đường ống và việc thi công các công trình ngầm trên địa bàn TP.HCM gây ra nhiều sự cố hư hỏng, xì bể đường ống nước. Theo thống kê của Sawaco, từ đầu năm 2008 đến tháng 5.2009 đã có 461 vụ hư hỏng đường ống cấp nước do các đơn vị thi công công trình ngầm gây ra.

Từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6.2009, Sawaco đã chính thức tiếp nhận và tiêu thụ 100.000 m3 nước/ngày từ nguồn nước của nhà máy nước Thủ Đức. Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, lượng nước tiếp nhận và tiêu thụ dự kiến sẽ lên đến 300.000 m3 nước/ngày.

Việc đầu tư đưa các nhà máy nước mới vào hoạt động đang làm tăng áp lực lên các đường ống nước cũng làm gia tăng lượng nước thất thoát, thất thu.

Theo ông Roland Liemberger, Giám đốc Vùng châu Á của Công ty Miya về Quản lý nước thất thoát, thất thu ở châu Á thì: “Chỉ cần tăng áp lực 10% lên đường ống thì tỉ lệ nước thất thoát, thất thu cũng tăng với tỉ lệ tương tự. Càng xây dựng nhiều nhà máy nước mới thì tỉ lệ nước thất thoát, thất thu ngày càng tăng”. Vì thế, ông Liemberger nhận định cần tăng cường đầu tư cải tạo hệ thống đường ống nước, chống thất thoát nước thay vì chỉ đổ tiền vào đầu tư nhà máy nước để nâng sản lượng.

 
Một đường ống cấp nước trên đường Cách Mạng Tháng 8 bị vỡ, nước tràn lan trên đường - Ảnh: Ngọc Hậu

Ông Roland Liemberger nhận xét thêm về tình hình tại TP.HCM hiện nay: “Chúng ta chưa chú trọng đến chất lượng thi công các đường ống mới. Những sơ sót của chúng ta ngày hôm nay ở những đường ống đang xây dựng sẽ là vấn đề chúng ta sẽ phải đối mặt giải quyết trong tương lai”.

Nhiều đại biểu đồng thuận tăng giá nước

Trong "Chương trình thực hiện giảm nước không doanh thu giai đoạn từ năm 2008 - 2025", Sawaco đã đề ra mức kinh phí là 5.700 tỉ đồng để đến năm 2025 giảm tỷ lệ nước thất thoát, thất thu xuống mức còn 25%.

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, với mức kinh phí mà Sawaco đề ra như thế cần làm rõ nếu kéo giảm việc thất thu nước xuống còn 25% thì thành phố sẽ thu về được bao nhiêu. Chứ không thể bỏ ra 5.700 tỉ đồng chỉ để thu về vài trăm tỉ.

Chỉ tiêu của Sawaco: sáu tháng cuối năm 2009 sản xuất 472.854 ngàn m3 nước và 83,75% người dân sử dụng nước sạch.

Trong năm 2010, nâng công suất nước lên 1,8 triệu m3/ngày (tăng 30% so với năm 2009), 93% hộ dân sử dụng nước sạch.

Bên cạnh đó, việc tăng giá nước cũng được Sawaco đề cập đến như là một giải pháp tạo thêm nguồn vốn cho các chương trình giảm thất thoát, thất thu nước. Theo Sawaco, trong sáu tháng đầu năm 2009, Sawaco thật sự căng thẳng về vốn đầu tư khi giá nước chưa được điều chỉnh cũng như nguồn vốn ngân sách chưa được thành phố cấp đủ theo đăng ký cho các dự án trọng điểm. Công ty này cho rằng với giá nước hiện tại, công ty không thể thực hiện các dự án đầu tư để có thể đạt được các mục tiêu của chương trình nước sạch cũng như thực hiện theo quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM, tỉ lệ thất thoát nước và các biện pháp kéo giảm tỉ lệ này ở thành phố đã được bàn từ năm 1999. Qua 10 năm thực hiện tỉ lệ thất thoát nước vẫn tăng nhanh và đang ở mức báo động, trên 40% hiện nay so với từ 34% (năm 1999).

Đa phần các đại biểu trong buổi làm việc của HĐND TP.HCM đồng tình với việc tăng giá nước để giảm áp lực đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn quan ngại về việc tăng giá nước như thế nào là hợp lý, lộ trình ra sao và thực hiện với phương án như thế nào? Vì đây là vấn đề thiết yếu, tác động lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân nghèo.

Bên cạnh đó, để hạn chế việc người dân sử dụng nước ngầm thì Sawaco phải cung cấp đầy đủ nước máy. Hiện nay có 4% dân sinh sống tại quận 12 có nước sạch còn lại phải sử sụng nước giếng khoan xung quanh vùng đất bị ô nhiễm.

Đại biểu Lê Văn Trung có ý kiến rằng việc cứ lấy giá của quốc tế để làm căn cứ đề nghị tăng giá nước hay các mức giá của các sản phẩm thiết yếu khác là không hợp lý vì thu nhập của người dân các nước rất khác nhau.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM kết luận ủng hộ lộ trình để cung cấp nước nhiều hơn và giảm thất thu, thất thoát nước, trong đó có phương án tăng giá nước để giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.