Đi “xe buýt trên không”

12/10/2009 12:25 GMT+7

Ở VN, hàng không giá rẻ được biết đến với sự hiện diện của Hãng Jetstar Pacific, nhưng những gì chúng tôi đã trải nghiệm qua các chuyến bay giá rẻ ở châu u đem lại không ít bất ngờ thú vị.

Phải thừa nhận sự xuất hiện của hàng không giá rẻ đã giúp nhiều người thêm cơ hội di chuyển tiết kiệm thời gian với giá cả vừa túi tiền. Tám chuyến bay giá rẻ của chúng tôi trong thời gian ở châu u hầu hết chẳng còn ghế trống. Thảo nào các chuyên gia hàng không đã gọi hàng không giá rẻ là “xe buýt trên không”.

Giá vé rẻ, dịch vụ đắt

Nói chung mục tiêu của hàng không giá rẻ chỉ là chở hành khách đi từ nơi này đến nơi khác với những dịch vụ cơ bản nhất để tiết kiệm. Trên thẻ lên máy bay (boarding pass) của các chuyến bay đều không thông tin gì về cửa làm thủ tục lên máy bay hay số ghế ngồi.

Ai chịu bỏ thêm vài euro mua phần dịch vụ ưu tiên sẽ được làm thủ tục nhanh, lên máy bay trước. Hành khách đến làm thủ tục sớm sẽ được phân vào nhóm A lên máy bay sau nhóm ưu tiên, đến trễ vào nhóm B lên máy bay sau cùng. Khi lên máy bay, ghế nào còn trống khách có thể ngồi vào.

Có thể nói giá vé rẻ là chỉ nói theo giấy tờ quảng cáo, còn trên thực tế các hãng luôn nghĩ thêm nhiều khoản để “móc túi” khách. Chẳng hạn chuyến bay từ Paris (Pháp) sang Rome (Ý) của Hãng Ryanair (www.ryanair.com) giá thông báo chỉ 38 euro/người (khoảng 1 triệu đồng VN).

Sau các bước đăng ký, chi phí của mỗi người tăng dần, bao gồm phí đặt vé qua mạng là 5 euro, phí làm thủ tục 5 euro, phí gửi hành lý đầu tiên 10 euro (với hành lý thứ hai là 20 euro với điều kiện không quá 15kg, dư mỗi ký đóng thêm 15 euro), phí sử dụng thẻ tín dụng 10 euro. Sau khi hoàn thành xong thủ tục mua vé, giá vé cho hai người đã là 128 euro. Ryanair cũng tính thêm tiền vé nếu hành khách đi cùng trẻ em dưới 2 tuổi.

 

Bên trong khoang máy bay của Ryanair đầy quảng cáo - Ảnh: Lê Nam

Trước ngày khởi hành ít lâu chúng tôi nhận được email của Ryanair nhắc nhở phải in giấy lên máy bay và cầm theo khi ra sân bay. Thực tế tại sân bay cho thấy nhiều hành khách ngơ ngác không biết quy định này. Như vậy họ phải đến quầy nằm ở cuối nhà ga sân bay làm thủ tục in lại với phí 40 euro/tờ. Có tiếng càm ràm của một nhóm bạn ngay sau lưng chúng tôi vì mất thêm 160 euro nữa mới được bay trong khi vé chỉ có vài chục euro.

Chuyện trọng lượng hành lý được các nhân viên dịch vụ mặt đất tuân thủ nghiêm ngặt. Không thể có chuyện năn nỉ ỉ ôi khi hành lý quá cước. Kích cỡ kiện hành lý cũng là thứ mà người đi hàng không giá rẻ phải tìm hiểu trước nếu không muốn mất thêm tiền.

Có một khung sắt với kích thước 55cm x 40cm x 20cm đặt ngay chỗ làm thủ tục và ở chỗ kiểm tra trước khi lên máy bay. Túi xách nào bị nghi ngờ quá khổ, nhân viên kiểm tra yêu cầu khách cho vào khung sắt này, quá khổ sẽ bị cân ký, tính thành hành lý gửi.

Những dịch vụ lạ

Máy bay của các hãng hàng không giá rẻ được thiết kế lại để tận dụng tối đa khoảng không đặt ghế ngồi cho khách, thậm chí có những ghế gần sát buồng lái. Mỗi máy bay chỉ có hai nhà vệ sinh thay vì ba. Ghế ngồi, bọc simili không ngả lưng ra phía sau để bớt chiếm diện tích.

Ổn định chỗ ngồi, chúng tôi tranh thủ nhắm mắt nhưng nào có nghỉ ngơi được, phần vì lưng ghế thẳng đứng phần vì tiếng ồn của các tiếp viên đẩy xe bán thức ăn, đồ uống. Sau khi bán xong lại đẩy xe bán quà tặng lưu niệm, hàng miễn thuế... vừa đi vừa rao lanh lảnh như thể mấy người bán mía ghim, trà đá ở bến xe khách. Chưa hết tiếp viên trưởng trên các chuyến bay của Ryanair còn rao hàng qua hệ thống loa trên máy bay với giọng lảnh lót!

Những kiểu kiếm tiền đó dường như vẫn chưa đủ “bù chi” cho các hãng hàng không giá rẻ. Họ vẫn đang nghĩ thêm nhiều cách bán những dịch vụ lạ. Báo chí phương Tây từng đề cập chuyện ông Michael O’Leary - chủ Hãng Ryanair - lên kế hoạch thiết kế lại máy bay để bán vé cho hành khách “bay đứng” (khoảng chục ghế/chuyến bay). Đó là những cái ghế xếp nhỏ để có thể tựa lên hoặc ngồi và tất nhiên có đai an toàn.

Họ còn tổ chức thăm dò nhờ khách hàng giới thiệu những cách moi tiền mới. Đã có một khách hàng người Anh về hưu nhận được 1.000 euro tiền thưởng nhờ ý tưởng đánh “thuế béo phì” cho hành khách có trọng lượng trên mức 130kg (nam) và 100kg (nữ). Ryanair còn nghĩ đến chuyện tính phí sử dụng buồng vệ sinh với giá 1,2 euro hoặc dùng giấy vệ sinh phải trả 1 euro. Tuy nhiên hình như hành khách rất phản đối vì chuyện này.

Ryanair cũng từng làm quảng cáo gây sốc như trả thêm 50 euro để bay cùng tiếp viên mặc bikini, nộp 3 euro để hút thuốc lá trong buồng vệ sinh được thiết kế lại cho phù hợp. Ryanair còn đang tính đến khả năng đánh thuế đối với hành khách mang thức ăn lên máy bay vì trên các chuyến bay của hãng mọi người đều trả tiền bữa ăn, từ hành khách đến nhân viên phi hành đoàn...

Theo Lê Nam / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.