Chè lam phủ Quảng xứ Thanh

21/03/2010 10:05 GMT+7

(TNTT>) Chè lam là một món ăn quen thuộc nhiều vùng miền nước ta. Nhưng có lẽ chẳng nơi nào có món chè lam độc đáo như vùng phủ Quảng xứ Thanh. Không dai mềm như chè lam truyền thống, chè lam phủ Quảng thơm ngon vì cái vị giòn giòn độc đáo tan ra ngay trên đầu lưỡi

Phủ Quảng là vùng đất bao gồm những huyện miền trung du của tỉnh Thanh Hóa, trong đó huyện Vĩnh Lộc là trung tâm. Chè lam phủ Quảng ra đời giữa mảnh đất có thành nhà Hồ, có động Tiên Sơn, có những cánh đồng lúa xanh chạy dài rợp mắt. Nguyên liệu để làm chè lam là thứ gạo nếp cái hoa vàng Vĩnh Lộc trắng ngần như cái răng sữa trẻ lên hai, giọt mật mía Kim Tân nồng nàn ngọt sánh. Đó còn là chất ngọt của mạch nha, hạt lạc mẩy tròn, gừng “chín tháng còn cay”. Được chắt chiu từ những sản vật xứ Thanh, nên miếng chè lam cũng ngọt lành ấm áp tình người.

Vị ngon từ sản vật xứ Thanh

Miếng chè lam phủ Quảng tuy rắn nhưng lại giòn tan, chỉ cần vỗ nhẹ một cái là vỡ ra thành từng mảnh nhỏ. Nhưng để được như thế cũng lắm công phu. Gạo nếp được xay nhuyễn bằng cối đá bắc, một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát… tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía sánh óng ngọt lừ đang bắt lửa sôi như say trên chảo gang. Khối mật óng ánh đông lại ôm tất cả vào lòng, rồi lại chờ bàn tay người đảo, luyện như luyện linh đơn tiên dược.

Phải là cánh tay nam nhi rắn rỏi mới luyện được cả khối chè ngồn ngộn nóng hừng hực, sao cho mềm, cho dẻo. Từng giọt mật óng vàng ngoan ngoãn tan ra, thấm sâu vào phiến bột trắng ngần, từng hạt nếp lơ mơ vàng vừa biến màu trên chảo gang đỏ lửa. Cái ngọt, cái mềm, cái thơm, cái cay quyện hòa vào nhau, tan biến vào nhau, để đến khi ta cầm trên tay thanh chè lam mỏng mảnh phủ ngoài lớp áo bột trắng phau, ta chẳng còn phân biệt được đâu là cái ngọt thanh của nếp cái hoa vàng, đâu là vị ngọt sắc lẻm của lóng mía Kim Tân.

Cầm phong kẹo trên tay, người ta nhớ đến những quán nước chè quê ở đầu làng, bà cụ bán nước tóc trắng phau nhấc hũ thủy tinh cũ kỹ bằng bàn tay gầy guộc, bên trong đựng đủ thứ kẹo lạc, kẹo bỏng, chè lam… Cái gió mát rười rượi của làng quê yên ả sao mà khoan khoái đến thế, cầm thanh chè lam trong tay, khẽ vỗ một cái cho nó vỡ vụn ra, rồi nhẩn nha nếm thử từng mảnh vụn sâm sẫm màu hổ phách phủ phấn trắng tinh ấy. Ùa vào trong mọi ngõ ngách của các giác quan là cái ngọt đến lịm người, cái dẻo quẹo của hạt nếp, bùi ngậy của lạc nhân và vị gừng cay vừa nồng nàn như cái nắng chói buổi trưa hè, vừa êm ả như cơn mưa rào mát rượi đổ xuống ngày đầu hạ.

Thăng hoa cùng tách trà xanh

Đã có chè lam thì không thể thiếu ấm nước trà xanh hay trà tàu. Bưng chén trà phảng phất khói mờ và bồng bềnh vài lá trà xanh mềm sâm sẫm, nhấp ngụm trà ngan ngát, cái chan chát đăng đắng làm dịu đi vị ngọt sắc đang còn lưu luyến trên đầu lưỡi. Cái chát và ngọt đấy sao lại “ăn” với nhau đến thế. Thiếu ấm trà thơm, thanh chè lam cứ như cô gái đẹp nhưng chẳng biết cười, vô duyên.

Dù có đi nơi đâu, cái hương vị quê nhà vẫn len lỏi trong tâm trí để rồi đôi khi bật ra thành nỗi nhớ. Với những người sinh ra trên mảnh đất vùng phủ Quảng xứ Thanh, nỗi nhớ ấy có vị ngọt ngào của hạt nếp quê, của giọt mật thơm chắt chiu từ lòng đất, hòa lẫn với hương gừng cay nồng nàn sâu lắng, có hình hài miếng bánh nhỏ xinh mềm mại, cứ giòn tan khúc khích như tiếng cười thơ trẻ.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.