Giúp bé tập ăn dặm

20/04/2010 09:50 GMT+7

(TNTT>) Khi bé đòi ăn sẽ thường chép miệng, nhìn miệng người lớn ăn một cách thòm thèm. Thời điểm sáu tháng tuổi hay sớm hơn một chút, là giai đoạn cần bổ sung thức ăn đặc bên cạnh sữa nhằm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng tăng nhanh của bé. Nếu bé chỉ bú mẹ hay bú bình thôi thì sẽ thiếu hụt năng lượng cũng như nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng.

Đừng nôn nóng!

Những ngày đầu cho bé tập ăn, bạn đừng vội để ý đến hàm lượng dinh dưỡng của món ăn. Bạn có thể để cho bé ăn giống chơi với một ít khoai tây tán nhuyễn hòa sữa hay với ít xoài nạo, chuối nạo cũng là một bữa ăn... thịnh soạn rồi. Bạn đừng nôn nóng, cứ giúp bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng sang đặc. Bạn có thể cho bé thử từng món ăn một, lặp lại vài ngày, để bé tập làm quen với mùi vị của thức ăn. Đồng thời, bạn sẽ theo dõi phản ứng của bé với thức ăn mới ra sao. Nếu phân của bé có thay đổi chút ít sau vài ngày ăn dặm: đặc hơn hay hơi loãng, bạn đừng quá lo lắng. Đó chỉ là giai đoạn chuyển tiếp khi bé tiếp xúc với thức ăn đặc.

Không cầu kỳ

Ở những tháng đầu ăn dặm, việc tập cho bé làm quen và thích ứng với một loại thức ăn và một cách ăn khác ngoài sữa là chính, nên bạn không cần quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị thức ăn cho bé tập ăn dặm. Những loại bột ngọt như bột ăn liền có sữa dễ được bé chấp nhận hơn trong tháng đầu ăn dặm. Sau đó, bạn chuyển qua bột mặn: bột thịt, bột cá...

Bé mới tập ăn, bạn đừng pha bột đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Bởi nếu bạn làm đúng theo hướng dẫn, lượng nước trong thức ăn sẽ nhiều và nồng độ dinh dưỡng cũng đậm đặc, nên có thể làm cho bé bị sặc hoặc hóc. Thế nên, bạn cần pha loãng hơn, giai đoạn đầu đặc hơn sữa một chút, sau đó tăng dần độ đặc từng ngày. Nếu bé khó nuốt, bạn có thể trợ giúp bằng cách cho bé uống thêm một muỗng nhỏ nước sau khi ăn mỗi muỗng bột.

Lưu ý không phải bé nào cũng làm quen với thời kỳ ăn dặm dễ dàng. Vì chưa quen, bé sẽ phản ứng. Có bé quyết liệt chống đối như khóc nhè, phun, nhợn, ói hay quay đầu lại với thức ăn. Bạn cũng đừng nản. Nếu bé phản ứng mạnh, bạn có thể dời thời điểm ăn dặm lại vài ngày hay vài tuần, thử đổi món ăn khác, nhớ kiên nhẫn!

Nếu loại bột mà bạn cho bé ăn đã đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, được công bố trên bao bì sản phẩm thì bạn không phải cho bé ăn thêm. Một số bà mẹ còn cho bé uống thêm nước rau đậu hay nước hầm thịt cũng tốt.

Riêng với những loại bột ngũ cốc hay gạo đơn thuần không chứa sữa hoặc thịt cá, bạn cần thêm sữa hoặc thức ăn vào để khẩu phần của bé thêm cân đối. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cho vào một ít dầu mè.

Dư thời gian, bạn có thể tự tay làm món bột cho bé từ gạo, thịt, đậu hũ, rau củ băm nhuyễn nấu mềm... để bé có những món ăn hợp khẩu vị, thay đổi mỗi ngày.

Nếu được bú mẹ hay uống sữa ngoài đầy đủ, bé chỉ cần ăn dặm một cữ mỗi ngày trong giai đoạn đầu. Giờ ăn có thể linh động tùy lúc rảnh rỗi của mẹ như sáng, trưa hay xế.

Những ngày đầu bé sẽ ăn ít, cho nên sau bữa ăn bạn có thể cho bé bú thêm. Những ngày sau, bé ăn nhiều, đủ no sẽ không cần bú mẹ ngay sau đó.

Sau một tháng ăn dặm, nếu bạn thấy bé tăng thêm 600 - 700gr là đạt.

(Theo tài liệu của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM và Viện dinh dưỡng VN)

Tạ Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.