Nga phát hiện trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng không thể khai khác?

Văn Khoa
Văn Khoa
21/05/2024 15:52 GMT+7

Cơ quan địa chất Nga Rosgeo gần đây tuyên bố các cuộc khảo sát đã xác định được khoảng 70 tỉ tấn dầu và khí đốt bên dưới Thềm Nam Cực.

Trữ lượng do Cơ quan địa chất Nga Rosgeo công bố như trên tương đương với hơn 500 tỉ thùng dầu thô, đủ đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong 14 năm, theo tờ The Telegraph ngày 14.5. Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, có 303 tỉ thùng. Ả Rập Xê Út có 298 tỉ thùng và Canada có 160 tỉ thùng.

Rosgeo công bố trữ lượng dầu khí phát hiện được sau chuyến thám hiểm mới của tàu nghiên cứu Alexander Karpinsky và sau nhiều năm khảo sát chi tiết của Rosgeo, bao gồm cả các hoạt động mạo hiểm ở những vùng đất rộng lớn trong khu vực mà Anh tuyên bố chủ quyền, theo The Telegraph.

Nga phát hiện trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng không thể khai khác?

"Dữ liệu thu được trong chuyến thám hiểm mới… sẽ giúp làm rõ đáng kể những kỳ vọng của chúng tôi về triển vọng chứa dầu và khí đốt của các vùng biển Thềm Nam Cực", ông Sergey Kozlov, nhà địa chất trưởng tại PMGE, một công ty con của Rosgeo, cho hay.

Trữ lượng dầu thô nói trên được tìm thấy xung quanh Bán đảo Nam Cực, khu vực dễ tiếp cận nhất của lục địa băng giá này do nằm gần phía nam Argentina và Chile. Đó cũng là khu vực mà Vương quốc Anh cũng như Argentina và Chile tuyên bố có chủ quyền.

Một tàu của cơ quan địa chất Nga đã tìm thấy trữ lượng dầu khí khổng lồ

Một tàu của cơ quan địa chất Nga đã tìm thấy trữ lượng dầu khí khổng lồ

Chụp màn hình Msn.com

Nhưng trở ngại lớn nhất ngăn cản Nga tiếp cận nguồn dự trữ dầu thô vừa được tìm thấy chính là Hiệp ước Nam Cực, vốn cấm sử dụng lục địa này để khai thác khoáng sản hoặc sử dụng nó cho mục đích khai thác thương mại, theo trang As.com.

Hiệp ước Nam Cực lúc đầu được 12 quốc gia ký kết vào năm 1959 như một phần trong nỗ lực đảm bảo hợp tác khoa học. Khi đó có 7 nước đưa ra yêu sách chủ quyền đối với lãnh thổ ở Nam Cực, gồm Argentina, Úc, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Anh, trong khi Mỹ và Nga (lúc đó là Liên Xô) đều bảo lưu quyền đưa ra yêu sách trong tương lai mà không công nhận yêu sách của những nước khác, theo The Telegraph.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong khu vực không có nhiều niềm tin rằng Nga sẽ tuân thủ Hiệp ước Nam Cực. "Hiệp ước Nam Cực hiện phải đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là từ Nga... và từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán", The Telegraph dẫn lời giáo sư địa chính trị TromnKlaus Dodds tại Đại học Royal Holloway và là một chuyên gia về Nam Cực.

Ông Dodds còn lưu ý: "Rosgeo đã tham gia vào các nghiên cứu địa chấn và các công việc địa hình liên quan khác… Các hoạt động của Nga nên được hiểu là một quyết định nhằm phá hoại các quy chuẩn liên quan đến nghiên cứu địa chấn và cuối cùng là tiền đề cho việc khai thác tài nguyên trong tương lai".

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với nhận định của ông Dodds.

Nam Cực có diện tích gấp khoảng 56 lần tổng diện tích đất liền của Vương quốc Anh, hiện không được cai trị bởi bất kỳ quốc gia nào, khiến nó trở thành vùng đất khổng lồ không có con người sinh sống và khắc nghiệt, theo The Telegraph.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.