Nghệ sĩ ưu tú Lê Đức Tiến: "Hỏi gì mà khiêu khích thế?"

24/03/2007 14:15 GMT+7

Sau cuộc bầu bán ồn ào, những lá phiếu trắng khiến Hãng phim truyện Việt Nam (PTVN) không tự quyết định được người lãnh đạo mới của mình. Một "nhân vật" bên ngoài được đưa về làm giám đốc. Chẳng phải ai xa lạ gì: đạo diễn, NSƯT Lê Đức Tiến, đang đương chức Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, cũng chính là người của Hãng PTVN ra đi cách đây 4 năm.

Trở về nơi cũ để "cầm lái" con thuyền đang vốn quá mỏng manh, có nguy cơ chực tan vỡ, người trong nghề đang nhìn anh với con mắt đầy nghi ngờ, và cả hy vọng nữa.

Phóng viên Thanh Niên có cuộc trao đổi thẳng thắn với đạo diễn Lê Đức Tiến.

* Lãnh đạo Bộ lựa chọn anh trong giai đoạn này, đó là giải pháp an toàn hay giải pháp tối ưu với Hãng phim truyện VN?

- Hỏi gì mà khiêu khích thế. Giải pháp an toàn hay tối ưu, cái đó phải hỏi "ông" Cục, "ông" Bộ (Bộ VHTT - PV). Mà này, đừng có nói là tôi xui đi hỏi nhé!

* Hỏi vậy không phải để khiêu khích, mà là có liên quan đến số phận của hãng. Nếu là giải pháp an toàn thì có nghĩa anh cứ "tà tà mà làm", khi đó quan trọng nhất là sự êm thấm nội bộ. Nếu là giải pháp tối ưu có nghĩa lãnh đạo Bộ và Cục hy vọng vào anh rất nhiều?

- Dù là an toàn hay tối ưu, tôi cũng sẽ cố gắng làm hết sức mình. Nhưng xin nhà báo nhớ cho số phận của hãng không chỉ mình tôi quyết định được mà còn do chính anh em trong hãng nữa. Có đồng lòng, đoàn kết mới mong đạt thành quả tốt.

* Nửa năm qua, anh em trong hãng lĩnh 70% lương, mà theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên giám đốc hãng, đã từng trả lời trên Thanh Niên thì tình trạng 70% cũng không kéo dài được bao lâu khi hãng không biết trông vào nguồn nào để trả nữa. Vậy, giờ tình hình vẫn thế?

- Đã có thay đổi, bắt đầu từ 1.3.2007, anh em lĩnh 100% lương rồi.

* Nguồn tiền ở đâu ra để trả lương vậy?

- Cho tôi giữ bí mật được không. Cứ cho là bí mật kinh doanh đi. À, hay muốn có câu trả lời thì cứ viết là từ tiền bán bản quyền phim cũng được.

* Ra đi từ Hãng phim truyện VN cách đây 4 năm khi đang là Phó giám đốc hãng, trở về hôm nay làm Giám đốc hãng, có hiểu đó là sự đi vòng để lên chức không?

- Chức tước gì khi mà hãng đang gặp chồng chất khó khăn thế này. Trách nhiệm đổ lên vai mình nặng gấp trăm lần đấy. Ai chả biết bây giờ trên vai tôi là cái gì: một hãng phim mà đội ngũ sáng tác, sản xuất thì phân tán, hoang mang; quy chế, nội quy tối thiểu nhất của một cơ quan thì lỏng lẻo vì ai cũng mải lo bươn chải bên ngoài để kiếm sống; nhà xưởng xuống cấp, máy móc, thiết bị kỹ thuật thiếu thốn đủ đường, thu nhập của cán bộ-CNV quá thấp, một loạt xin về "một cục"; ngay cả trụ sở số 4 Thụy Khê cũng nằm trong quy hoạch, văn phòng đại diện hãng ở miền Nam với hơn 1.000m2 đất thì đang có nguy cơ bị người khác chiếm đoạt... Tôi và anh em trong hãng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách lớn.

* Với kinh nghiệm sau mấy năm bươn chải trong thị trường điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, theo anh "những việc cần làm ngay" ở Hãng phim truyện Việt Nam bây giờ là gì?

- Trước tiên, cần thay đổi tư duy. Đã có một thời gian dài, các nghệ sĩ của hãng thường tự "ru ngủ" chính mình: nghề nghiệp giỏi nhất, làm phim hay nhất, kỹ thuật hiện đại nhất... Bây giờ cần thay đổi lại cách nghĩ: hãng nghèo nhất, chậm chạp và bảo thủ nhất... Có nhận thức rõ yếu kém của mình mới nỗ lực vươn lên.

Ưu tiên đầu tiên của tôi bây giờ là phải bằng mọi cách tăng nguồn thu cho hãng: trước mắt chỉ làm phim có doanh thu, phải bán được vé; rồi phim quảng cáo, phim dịch vụ... đặc biệt, tăng cường hợp tác với các đài để làm phim truyền hình... Phim dứt khoát phải "Nam tiến" được vì thành phố Hồ Chí Minh là thị trường sôi động nhất chiếm đến 75% doanh thu ngành điện ảnh. Quan điểm của tôi là phải tăng doanh thu "đầu ra" chứ không "bớt xén" đầu vào.

* Anh sẽ áp dụng những biện pháp tổ chức, thay đổi cơ cấu nhân sự chứ?

- Với riêng tôi, đó không phải là cái gốc của vấn đề. Thế mạnh của đội ngũ sáng tác Hãng phim truyện Việt Nam, ai cũng biết. Tôi sẽ chỉ "thổi" thêm vào những gì đang thiếu: tư duy thị trường và hiệu quả kinh tế trong tất cả các hoạt động kinh doanh của hãng. Có tiền, mới có thể chăm chút đầu tư, nâng cao chất lượng nghệ thuật của phim.

* Không ít người "ác khẩu" nói về anh; "phá" Hãng Giải Phóng chưa đủ sao mà giờ còn định ra "phá" nốt hãng này?

- Theo dõi nhiều về điện ảnh, chị có nghĩ như vậy không? Tôi có "phá" không khi đã cùng anh em Hãng Giải Phóng mở đầu cho một trào lưu làm phim mới với Gái nhảy, Lọ lem hè phố "thắng" lớn về doanh thu; cùng anh em xây dựng một tương lai tương đối ổn định cho hãng: một trường quay điện ảnh và truyền hình hiện đại, tòa nhà điều hành sản xuất và 3 rạp chiếu phim mới cuối năm 2007 sẽ đi vào hoạt động; dây chuyền sản xuất phim theo công nghệ số, máy móc trang thiết bị tiền kỳ và hệ thống âm thanh hiện đại đang được lắp đặt.

Cũng sau nhiều năm bươn chải, đội ngũ nghệ sĩ sáng tác, cán bộ kỹ thuật, kinh tế đã được xây dựng và đang từng bước trưởng thành tốt. Sau mấy năm ở Hãng phim Giải Phóng, tôi và các đồng nghiệp đã làm được một số việc nhưng cũng còn nhiều việc đang dang dở, nhiều dự án chưa kịp triển khai...

Lê Đức Tiến "phá" Hãng phim Giải Phóng, tôi nghĩ đó là ý kiến "ác khẩu" của rất ít người, số đông mọi người đều hiểu những gì tôi đã làm.

* Xa Hãng phim Giải Phóng, tâm trạng của anh thế nào?

- Chia tay với Hãng phim Giải Phóng, tôi thấy buồn và nhớ. Nhớ những ngày vất vả làm phim. Nhớ vị ngọt ngào của thắng lợi và nỗi chua cay của thất bại khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Nhớ Sài Gòn đầy nắng gió. Nhớ những tâm tình cởi mở, chân thành của bạn bè, đồng nghiệp.

Còn giờ đây, trước ngổn ngang công của công việc mới, tôi hiểu: muốn thành công phải có tham vọng, dám mạo hiểm, dám chịu trách nhiệm, có lòng dũng cảm, một chút may mắn và đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ của anh chị em nghệ sĩ trong hãng. Là người quản lý, anh không được phép thất bại, không được phép trượt chân, vì phía sau anh là cả một tập thể đang trông chờ, hy vọng.

* Chúc anh và tập thể Hãng phim truyện Việt Nam vượt qua được cơn sóng gió này.

Hãng PTVN đã chính thức gửi công văn đề nghị Bộ VHTT, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cho phép hãng được tổ chức sản xuất và điều hành 2 phim lớn trong loạt phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là Thái tổ Lý Công Uẩn và Hội thề. Theo ông Lê Đức Tiến, Thứ trưởng Lê Tiến Thọ đã rất ủng hộ phương án này. Bộ VHTT đang xúc tiến cùng UBND thành phố HN hoàn thành các thủ tục cần thiết để giao cho hãng tổ chức sản xuất phim Thái tổ Lý Công Uẩn, bộ phim có quy mô và dự toán lớn nhất trong loạt phim kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.

- Tháng 9.2006, cán bộ công nhân viên của Hãng phim truyện VN nhận 70% lương.

- Ngày 28.9, Báo Thanh Niên đăng bài Hãng phim truyện Việt Nam sắp chết báo động thực trạng của Hãng PT VN.

- Ngày 30.9, chỉ 2 ngày sau khi bài báo đăng, Bộ trưởng Bộ VHTT Lê Doãn Hợp có cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh VN và Hãng phim truyện VN nhằm tìm cách đưa hãng thoát khỏi tình trạng này.

- Cuối tháng 1.2007, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hãng PTVN chính thức xin từ chức do thấy mình không đảm đương nổi trước những yêu cầu đổi mới cấp bách của hãng.

- Ngay sau đó, toàn thể cán bộ công nhân viên trong hãng bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới, vì nhiều lý do, phiếu thu về phần lớn là phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu không thành công.

- Lãnh đạo Bộ VHTT và Cục Điện ảnh quyết định bổ nhiệm ông Lê Đức Tiến, đang giữ chức Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, làm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam từ tháng 3.2007.

Lan Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.