Y tế tư nhân đột phá chuyên sâu:

'Ngôi nhà' đặc biệt của trẻ sinh non, cực non

02/09/2023 20:09 GMT+7

Tại TP.HCM, số bệnh viện có thể nuôi trẻ sinh non, cực non chỉ đếm trên đầu ngón tay, bệnh viện tư nhân càng ít. Thế nhưng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã đầu tư lớn về đội ngũ chuyên gia và máy móc thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân siêu nhí này.

"Chào mừng con đến với nhà mới Tâm Anh TP.HCM"

Thuật lại với PV Thanh Niên, BS-CKI Tô Vũ Thiên Hương nhớ như in nhiệm vụ được giao vào lúc 10 giờ ngày 18.5.2023. Đó là theo xe cấp cứu, mang "phi thuyền lồng ấp" đi đến một bệnh viện đón bệnh nhi sinh non 26 tuần, nặng 800 gram và đang nằm hồi sức về Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM chữa trị theo nguyện vọng của gia đình. Trên xe còn có 3 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên luân phiên kiểm tra lồng ấp cao cấp dành cho trẻ sinh cực non, máy thở, máy hút đàm, máy theo dõi nồng độ ô xy qua da, thuốc men, dụng cụ… Chiếc xe cấp cứu hụ còi len lỏi giữa "rừng xe", trong sự thấp thỏm của cả ê kíp. Đây không phải là lần đầu ê kíp đi đón các bệnh nhi sinh non, cực non về bệnh viện điều trị. Mỗi chuyến đi đều áp lực phải đón bệnh nhi nhanh nhất để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

'Ngôi nhà' đặc biệt của trẻ sinh non, cực non- Ảnh 1.

Giây phút TS-BS Cam Ngọc Phượng thông báo con gái anh Phước, chị Hương khỏe mạnh, đủ điều kiện xuất viện

T.A

"Tình trạng bệnh nhi ổn định, độ bão hòa ô xy trong giới hạn bình thường. Chào mừng con đến với nhà mới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM", BS Hương chào đón, tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhi, đồng thời ra dấu cho tài xế nhanh chóng khởi hành về "ngôi nhà Tâm Anh".

Bệnh nhi là con quý của vợ chồng chị Vũ Trần Thiên Hương và anh Vũ Duy Phước (33 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) có được bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau 5 năm hiếm muộn. Niềm vui chưa kịp trọn vẹn, chị Hương bị tăng huyết áp, chẩn đoán tiền sản giật, nhau bong non và phải mổ cấp cứu lấy thai ở 26 tuần 5 ngày.

Sau sinh, bé tím tái không thể tự thở, được bóp bóng hồi sức, sống lệ thuộc vào máy thở, không tăng cân sau hơn 20 ngày được nuôi dưỡng tích cực. Bệnh viện công đông bệnh nhi, phải nằm chung lồng ấp, bé bị nhiễm khuẩn chéo, viêm phổi nặng, phải đặt nội khí quản thở máy, tiên lượng xấu.

'Ngôi nhà' đặc biệt của trẻ sinh non, cực non- Ảnh 2.

Chuyến xe với lồng ấp, máy thở hiện đại và ê kíp bác sĩ đón trẻ sinh cực non có bệnh lý về Bệnh viện đa khoa Tâm Anh điều trị

Sau khi tìm hiểu thông tin, hiểu được những khó khăn về điều kiện, phương tiện chăm sóc trẻ và sự quá tải ở bệnh viện hiện tại, anh Phước tìm đến TS-BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, với ước vọng giữ con được sống…

Ngay khi về đến Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt 24/24 với sự phối hợp khám, hội chẩn, điều trị trong sự kiểm soát của nhiều chuyên khoa: Tim bẩm sinh, ngoại nhi, hô hấp… Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp bằng máy thở hiện đại chuyên dụng cho trẻ sơ sinh sinh non, nuôi dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch. Sau hai ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi cai thở nội khí quản, chuyển qua sử dụng chế độ thở không xâm lấn bằng máy thở hiện đại, dùng thuốc đặc hiệu điều trị viêm phổi. Bé cũng được đánh giá, sàng lọc toàn diện các nguy cơ bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải khác như thiếu máu, vàng da, bệnh lý võng mạc…

Sau 2 tháng, từ một cơ thể vỏn vẹn 800 gram, thở thoi thóp, viêm phổi nặng, bé gái đã "hồi sinh", khỏe mạnh, phát triển tốt, tự thở khí trời hoàn toàn. Bé đã có thể tự bú mẹ, cân nặng tăng lên 2,3 kg.

Bệnh nhi khỏe mạnh xuất viện về với gia đình sau gần 3 tháng điều trị. Đây cũng là bệnh nhi thứ 100, tiên lượng nặng, được Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cứu chữa thành công.

"Khi con gái nguy kịch cũng là lúc vợ tôi gặp biến chứng sau sinh, hôn mê sâu, sau đó tiếp tục nhập viện mổ xoắn ruột. Trải qua thời khắc vợ con cận kề lằn ranh sinh tử, tôi quyết định dù khó khăn đến đâu cũng phải tìm bệnh viện có những điều kiện tốt, bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại để gửi gắm tính mạng vợ con", anh Phước cảm động chia sẻ.

Áp dụng "giờ vàng" cứu trẻ sinh cực non

Để cứu trẻ sinh non, cực non 22 - 25 tuần, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã xây dựng trung tâm sơ sinh lớn mạnh, không chỉ tại phía nam, mà còn hướng đến trở thành một trung tâm khám chữa bệnh công nghệ cao sánh ngang khu vực và thế giới. Mục tiêu lớn, nhân văn của trung tâm sơ sinh là hồi sức và hỗ trợ trẻ sinh non, cực non; đặc biệt các ca bệnh chuyên sâu, nhiều bệnh lý, cần chăm sóc đặc biệt và phối hợp nhiều chuyên khoa. Sứ mệnh này được đặt lên vai

TS-BS Cam Ngọc Phượng - người tiên phong đưa phác đồ giờ vàng cứu trẻ sinh cực non về Việt Nam và đã cứu hàng trăm trẻ sinh non mắc bệnh lý phức tạp hồi sinh trước cửa tử.

TS-BS Cam Ngọc Phượng cũng là chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng kỹ thuật thở khí NO (Nitric oxide) điều trị suy hô hấp nặng do cao áp phổi trẻ sơ sinh. Trước đây, hầu hết những trẻ sơ sinh ở trong hoàn cảnh này đều được điều trị bằng cách cho thở ô xy, thở máy và tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM là bệnh viện tư nhân duy nhất tại Việt Nam đưa kỹ thuật khó này vào điều trị.

Đến nay, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM có quy mô 50 giường hồi sức nuôi trẻ sinh non và cực non. Trung tâm sơ sinh được đầu tư hệ thống lồng ấp nhập khẩu từ Mỹ và giường sưởi hiện đại hàng đầu thế giới. Cùng với đó là hệ thống Neopuff hồi sức trẻ sinh non giúp kiểm soát nồng độ ô xy, máy thở cao cấp của Drager thế hệ mới nhất nhập khẩu từ Đức chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, khi trẻ có vấn đề não thiếu máu hay thiếu ô xy cục bộ, trung tâm cũng sẵn sàng hệ thống thiết bị hạ thân nhiệt chủ động để giảm tối đa nguy cơ biến chứng não cho trẻ bị ngạt khi sinh… Trung tâm sơ sinh còn được đầu tư xe chuyển viện chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh, sẵn sàng đón trẻ về Tâm Anh điều trị.

Với thế mạnh là bệnh viện đa khoa với nhiều chuyên khoa mũi nhọn, Trung tâm Sơ sinh Tâm Anh được thiết kế nằm bên cạnh Trung tâm Sản phụ khoa, Trung tâm Tim mạch - đây là cơ sở then chốt để áp dụng được phác đồ "phút vàng" cho bệnh nhi sinh non, cực non hiệu quả.

Theo TS-BS Cam Ngọc Phượng, khi các bác sĩ chuyên khoa sản dự đoán một ca nguy cơ sinh non hoặc cực non, thì ê kíp từ sản khoa - sơ sinh và tim bẩm sinh, hồi sức sơ sinh… sẽ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, từ đó đưa ra phác đồ phù hợp nhất cho từng ca bệnh. Bác sĩ sản khoa sẽ truyền thuốc cho thai phụ nhằm bảo vệ não và phổi của thai nhi khi chào đời. Ê kíp Sơ sinh túc trực ngay phòng sinh với đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng. Trẻ sinh ra được kẹp rốn chậm hơn 30 - 60 giây để tối đa lượng máu truyền từ mẹ, đồng thời can thiệp hồi sức cấp cứu ngay lập tức, ngay trên bụng mẹ trong 60 phút sau khi bé chào đời.

'Ngôi nhà' đặc biệt của trẻ sinh non, cực non- Ảnh 3.

"Khoảng thời gian vàng tiếp cận, xử trí cấp cứu trẻ sinh cực non ngay sau chào đời rất quan trọng, bởi nếu cấp cứu đúng chuẩn, em bé sẽ có cơ hội sống cuộc đời bình thường của một đứa trẻ, hạn chế tối thiểu biến chứng, di chứng đáng tiếc. Chúng tôi luôn tâm niệm nhất định phải đưa những em bé rời khỏi lồng kính, giường hồi sức, trở về gia đình bình yên, khỏe mạnh nhất có thể", bác sĩ Cam Ngọc Phượng trải lòng.

Có những bệnh nhi đón về, bác sĩ tiên lượng chỉ còn khoảng 5 - 10% cơ hội sống. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới cùng trang thiết bị hiện đại, ê kíp bác sĩ có kinh nghiệm, đến thời điểm này, các cháu đều được cứu sống, khỏe mạnh.

NHỮNG CÁI TÊN DỄ THƯƠNG

Có những trẻ sinh non, cực non được cứu sống tại Trung tâm Sơ sinh Tâm Anh mà đội ngũ y bác sĩ tại đây không thể nào quên bởi những tên gọi dễ thương và cũng như là những "câu chuyện cổ tích", như bé Bông "não úng thủy - nhiễm trùng sơ sinh - nhiễm nấm huyết - viêm phổi - ROP (bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non) - cực non"; Messi "sinh non 25 tuần, viêm phổi nặng, chỉ số SpO2 thấp, còn 5 - 10% cơ hội sống"; Bé Na "bệnh màng trong (Hội chứng nguy kịch hô hấp ở trẻ sinh non - RDS), xuất huyết trong não thất, nhiễm trùng sơ sinh, bệnh lý võng mạc (ROP)"…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.