Người Đà Lạt được xem kịch nói 'Yêu là thoát tội', 'Khóc giữa trời xanh' miễn phí

09/11/2022 10:25 GMT+7

Lần đầu tiên tại nhà hát Opera Đà Lạt phục vụ người dân, học sinh, sinh viên và du khách miễn phí hai vở kịch nói Yêu là thoát tội, Khóc giữa trời xanh .

Chiều 8.11, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, đại diện Công ty Sử Việt thông tin, với sự hỗ trợ của Đà Lạt Opera House (bên trong đóa hoa dã quỳ, Quảng trường Lâm Viên), lần đầu tiên hai vở kịch nói Yêu là thoát tội, Khóc giữa trời xanh đoạt Huy chương Vàng và Huy chương Bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 và 2021 được công diễn tại Đà Lạt phục vụ người dân, học sinh, sinh viên, giáo viên và du khách miễn phí.

Buổi giới thiệu dự án kịch chính sử Việt tại Đà Lạt Opera House

lâm viên

Yêu là thoát tội (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Xuân Hồng) lấy cảm hứng từ vụ án lịch sử Lệ Chi viên, lý giải cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông. Vở diễn khai thác yếu tố tâm tư tình cảm của các nhân vật chính, với nguồn cơn khởi sự từ tình yêu. Dưới góc nhìn này, các nhân vật cũng có dịp bộc lộ niềm riêng, nỗi cô đơn, tâm tình trước thời cuộc, trước thế thái nhân tình, trước khao khát yêu và được yêu. Yêu là thoát tội đã công diễn tại TP.HCM hơn 200 suất, từng đoạt giải bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018.

Nghệ sĩ Chu Anh (cầm micro) vai Hoàng hậu trong vở Yêu là thoát tội

lâm viên

Trong khi đó, vở kịch Khóc giữa trời xanh (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Phùng Nguyên), được cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. Đây là người cùng Lý Thường Kiệt làm nên hai cánh tay văn - võ cho vua Lý Nhân Tông. Ông đỗ Nho học tam trường năm 25 tuổi (tương đương Trạng nguyên), chức vị Thái sư ở tuổi 35. Đây là 1 trong 6 vở kịch đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021.

8Diễn viên Mai Thanh Duy (cầm micro) vai Vua và Tiên đế trong vở Khóc giữa trời xanh

lâm viên

Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, 2 vở kịch lần đầu được công diễn tại Đà Lạt Opera House, là nhà hát được xem hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay, nhằm giới thiệu đến công chúng phố núi Đà Lạt loại hình kịch nói chưa được khơi dậy ở thành phố có nhiều tiềm năng này.

Nhà thiết kế kiêm diễn viên Sĩ Hoàng, đại diện Công ty Sử Việt mong ước kịch nói sẽ có đất sống tại phố núi Đà Lạt

lâm viên

Còn ông Nguyễn Ngọc Thành Trung, đại diện Đà Lạt Opera House, cho biết nhà hát 900 chỗ ngồi này, hoàn thành từ năm 2020, đã diễn ra một số hoạt động văn hóa nhưng đây là lần đầu diễn kịch nói. “Chúng tôi mong ước mỗi tháng tại nhà hát này có 2 đêm diễn kịch, để nơi đây trở thành một địa chỉ đậm chất văn hóa nghệ thuật về đêm dành cho khách du lịch khi đến với TP.Đà Lạt; trở thành sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương”- Ông Trung chia sẻ.

Đà Lạt Opera House với 3 tầng có sức chứa 900 chỗ ngồi

lâm viên

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết thêm, đây cũng là dự án sân khấu chính kịch lịch sử Việt mà Công ty Sử Việt mong ước dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên tại TP.Đà Lạt. Có thể xem đây là chương trình học ngoại khóa môn Lịch sử và Văn học bằng hình thức nghệ thuật sống động, giúp học sinh, sinh viên hiểu và yêu lịch sử Việt Nam.

Để thực hiện hai suất diễn miễn phí đầu tiên vào đêm 26 và 27.11 tại Đà Lạt Opera House, ban tổ chức phải chuẩn bị suốt 1 năm qua vì để các diễn viên sắp xếp thời gian phù hợp. Ban tổ chức đang làm việc với các doanh nghiệp, các khách sạn, nhà tài trợ… hỗ trợ kinh phí công diễn, vì chi phí cho 2 đêm diễn ở Đà Lạt cao hơn nhiều lần diễn tại TP.HCM (di chuyển thiết bị, đi lại, ăn ở cho 60 người…).

Bên trong đóa hoa dã quỳ vàng là Đà Lạt Opera House

lâm viên

“Chúng tôi mong ước khi người dân Đà Lạt và du khách quen và mê kịch nói thì các vở diễn sẽ tự đứng được bằng tiền bán vé. Giá vé được cân đối giữa các nguồn tài trợ sao cho hợp lý nhất và hy vọng "chỉ bằng cốc trà sữa thôi" để nhiều người được thưởng thức kịch nói”. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng thổ lộ.

Theo ông Vũ Hoàng (nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng), trước năm 1975 tại TP.Đà Lạt từng có ban kịch Thụ Nhân (trong Viện đại học Đà Lạt), được nhiều người yêu nghệ thuật biết đến; chính nơi đây đã ươm mầm và sản sinh ra các nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng như Phạm Thùy Nhân, Lê Cung Bắc... Sau ngày đất nước thống nhất, tại phố núi Đà Lạt bên cạnh Đoàn nghệ thuật Lâm Đồng, còn có Đoàn kịch nói Lâm Đồng thuộc Sở VH-TT Lâm Đồng. Đoàn kịch nói này từng dàn dựng những vở đồ sộ của Lưu Quang Vũ, Sỹ Hanh, Doãn Hoàng Giang, Phạm Kim Anh, Ngọc Tranh… cùng các kịch của tác giả Liên Xô, Bulgaria, Romania...và hoạt động đến sau năm 1990 mới ngưng hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.