Người miền Tây...

26/10/2022 11:00 GMT+7

Trong cả cuộc đời này, có lẽ sẽ chẳng bao giờ tui quên được những kỷ niệm của chuỗi ngày bị kẹt dịch ở miền Tây. Để rồi tui được hiểu hơn về con người nơi đây, thêm yêu thêm thương vùng đất ấy.

1. Kiên Giang, tháng 7 năm 2021. Tui rời phòng, lê từng bước chân chệnh choạng, xiêu vẹo ra tiệm tạp hóa đầu dãy trọ. Dì ba chủ trọ xởi lởi bằng giọng "rặt" miền Tây, vừa bình dị vừa dân dã: "Mua gì đó cưng?". Tui thều thào trong cái đói lả người: "Dì ba bán chịu thêm cho con chục gói mì tôm. Ít bữa con trả tiền nghen dì ba. Chứ phòng con đói quá rồi dì ba". "Cưng nói thiệt hông đó? Chèn đét ơi. Ta nói, bữa trước cưng cũng mua chịu chai mắm với bốn ký gạo, cũng nói ít bữa con trả. Mà mấy hổm rày có thấy gì đâu. Mấy cưng là mua chịu miết thôi nghen", dì ba vừa nói, vừa cười rồi vừa quơ tay lấy cả đống mì với chục quả trứng gà bỏ vô bịch. "Này là cho, chứ hông có bán nghen chưa. Mà báo cưng cái tin vô nói lại với ba thằng kia. Tháng này miễn phí nhà trọ cho mấy cưng đó. Hông có lấy đồng xu cắc bạc nào đâu. Nghe hú hồn chưa?", dì ba nở nụ cười hiền hậu. Nụ cười tươi rói giữa cái nắng ban trưa rát bỏng, gắt gỏng.

Những người tạp xứ tứ phương bén duyên về đây ngụ cư để làm mướn kiếm sống, chẳng biết từ lúc nào, cũng tử tế, cũng bao dung nghĩa tình giống như người miền Tây chánh gốc

công hân

Đêm. Bốn đứa nằm chèo queo bốn góc phòng. Bốn cánh tay gác lên trán. Bốn đôi mắt nhìn mông lung, vô định. Đứa nào cũng trăn trở, suy tư. Tui buột miệng hỏi: "Rồi giờ thất nghiệp cả, tụi mình không thể đi nung đất với chẻ đá nữa, tính sao đây bây? Tiền nhà được miễn. Nhưng tiền ăn. Chẳng lẽ mua chịu hoài đâu có được. Biết dịch kéo dài tới bao giờ?". Bỗng nhiên ngoài cửa, giọng quen thuộc của dì ba lại vồn vã: "Dịch đang căng thế, mấy cưng không ở lại đây chứ đi đâu? Còn dịch thì dì ba còn miễn tiền nhà trọ chứ lo cái gì? Mấy cưng cứ ra tiệm tạp hóa, dì ba bán chịu, hông có gì phải ngại, nghe hông?". Bốn đứa chưa kịp định thần, dì ba đưa bịch đồ rồi dặn: "Nãy dì ba nghĩ nghĩ, có mấy gói mì thì mấy cưng ăn sao đủ. Nên có lọn cải xanh với ít gạo và cá khô, dì ba cho thêm nè. Mà cá khô ngon bá cháy bù chét đó nghen. Ăn vô cho có sức. Chứ thanh niên trai tráng cái chi mà ốm trơ xương như cò hương".

Đêm ấy, khu trọ chẳng còn không gian tĩnh mịch, bóng tối giăng kín khắp lối nữa. Hình như có những ánh sáng kỳ ảo le lói...

2. Kiên Giang, tháng 8 năm 2021. Dịch giã căng thẳng, gần 50 người ở cả khu trọ như chao đảo, ngả nghiêng. Ai nấy đều sức cùng lực kiệt. "Ủa rồi sao ta?", "Trời ơi tao đói quá"..., những thanh âm đắng ngắt trong miên man vọng ra từ một vài phòng trọ. Xót xa hơn, chị Bé Sang quê ở tuốt luốt dưới Cà Mau, mẹ đơn thân, chẳng còn sữa để cho con bú. Ròng rã cả tháng trời, đứa con chưa đầy một tuổi phải bú bình... nước vo gạo. Nhưng nay, chum đựng cũng chẳng còn gạo để mà vo. Tiếng ré khóc của con trẻ vì thiếu sữa trong sáng sớm khiến ai cũng cay mắt, não nề.

Rồi hình như thấu nghe những tiếng lòng, nỗi niềm, lắng lo của những thân phận tha hương của tụi tui thì phải. Xế chiều hôm ấy, mấy dì trong ấp Vạn Thanh (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất) lại tiệm tạp hóa của dì ba. Mấy dì gọi đại diện từng phòng trọ, tặng mỗi phòng hai thùng mì, chục ký gạo, với lủ khủ đồ ăn, nước tương, bột ngọt... 18 phòng trọ, phòng nào cũng có quà như thế. Có dì kia hỏi: "Cưng nào là bé Sang? Ẵm con qua nhà dì, để nó bú ké vài bữa. Con dâu dì mới sinh được hơn một tháng. Chứ để đói khát thế, con nó còi cọc nghe hông".

Tui mở bịch gạo đổ vào chum. Bao lì xì mới cóng ẩn sâu trong lớp gạo. Mở ra, dòng chữ thẳng tắp hiện lên: "Mấy dì ấp Vạn Thanh lì xì mấy cưng". Bốn đứa nhìn nhau, cùng rung lên một niềm hạnh phúc. Đâu có thể ngờ, một ngày tháng 8, chứ không phải Tết, nhưng tụi tui được lì xì.

Tui loáng thoáng nghe những thanh âm từ phòng trọ nào đó. Những thanh âm thật dễ chịu và dịu êm. Rằng, người miền Tây là vậy, luôn nghĩa tình, hào sảng, luôn khoáng đạt, bao dung. Tui ngẫm lại, đúng thật! Như tụi tui, khi khó khăn, khốn cùng, chưa kịp chìa tay ra, đã có người miền Tây dang tay cưu mang, giúp đỡ...

3. Kiên Giang, tháng 9 năm 2021. Dịch giã cứ hoành hành và diễn tiến càng lúc càng khó lường. Những F0 lần lượt xuất hiện. Cả ấp chằng chịt dây giăng. Rồi điều chẳng ai mong, chẳng ai đoán định được cũng xảy ra. Sát dãy trọ, có người mất vì Covid-19. Đó là người đàn ông sống cùng đứa cháu. Họ nương tựa vào nhau để sống lây lất qua ngày bằng cách lang bạt khắp hang cùng ngõ hẻm để nhặt nhạnh ve chai...

"Có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất người thân. Nhà đó lại nghèo. Thương quá đỗi", "Ừ! Thôi thì lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát. Tụi mình góp để đứa cháu có thêm tiền lo hậu sự"... Những tâm sự tỉ tê cay xé lòng vọng với nhau sau những khung cửa của khu trọ. Và rồi, mặc cho những lắng lo chất chồng về dịch bệnh, về những hiểm nguy cận kề, về cái mặc, cái ăn thiếu thốn trong những ngày sắp tới... Nhưng cả khu trọ rủ nhau góp gom để hỗ trợ người đàn ông vắn số. Người một trăm, người năm chục. Có người cố dũi những tờ tiền một ngàn, hai ngàn cho phẳng phiu để hùn hạp...

Chứng kiến giây phút đó, khoảnh khắc đó, tui như nghèn nghẹn trong tim vì xúc động. Tui thấy yêu hơn cái khu trọ này. Hóa ra, tụi tui, những người tạp xứ tứ phương bén duyên về đây ngụ cư để làm mướn kiếm sống, chẳng biết từ lúc nào, cũng tử tế, cũng bao dung nghĩa tình giống như người miền Tây chánh gốc...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.