Nhiều tỉnh Nam Trung bộ ban lệnh cấm biển, khẩn cấp di dân trên biển vào bờ tránh bão Rai

17/12/2021 16:01 GMT+7

Hai địa phương Ninh Thuận và Khánh Hòa trong sáng 17.12 đã phát đi Công điện ứng phó siêu bão Rai. Theo đó, các tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển, di dời khẩn cấp dân trên biển vào bờ.

Tại Ninh Thuận, sáng 17.12, ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với cơn bão Rai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó khẩn cấp với siêu bão sắp vào Biển Đông; thực hiện có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả.

Bão Rai đã vào Biển Đông thành bão số 9, gió giật cấp 17

UBND tỉnh Ninh Thuận cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 14 giờ ngày 17.12

Thiện nhân

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý khai thác các Cảng cá và UBND các huyện, thành phố ven biển rà soát, nắm rõ tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác) và các hoạt động trên biển; tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi trú ẩn an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện khác hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.

Kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão

TN

Thông báo kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy định: Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná; tổ chức sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập; Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 14 giờ ngày 17.12.

Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 16 giờ phút ngày 17.12. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân… Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là bảo đảm an toàn dân cư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.

Tập trung triển khai thực hiện công tác chủ động ứng phó

Tại Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý hồ chứa khẩn trương kiểm tra, rà soát, tập trung triển khai thực hiện công tác chủ động ứng phó.

Nhiều tàu thuyền tại Khánh Hòa trở vào bờ neo đậu tránh bão

BÁ DUY

Cụ thể, trên biển và các đảo, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Ban Chỉ huy phòng chống thiên taitìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm đếm, sắp xếp, quản lý, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú an toàn; thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18 giờ ngày 17.12 cho đến khi kết thúc bão.

Nhiều tàu thuyền ngư dân Khánh Hòa đã vào các điểm neo đậu tránh bão sau khi có công điện chỉ đạo của Trung ương và địa phương

BÁ DUY

Phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện sơ tán người dân trên các lồng bè đến nơi an toàn, công tác sơ tán dân trên biển hoàn thành trước 8 giờ ngày 19.12. UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ" để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt.

Liên quan phòng chống bão Rai, lực lượng quân đội, công an chủ động tổ chức rà soát lực lượng, sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và kịp thời triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống do thiên tai gây ra. Các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác PCTT đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình, hoạt động sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.