Nhọc nhằn 'tìm đường' về quê ăn tết

27/12/2023 04:19 GMT+7

Lo các hãng bay không bảo đảm đủ năng lực vận chuyển mùa cao điểm Tết Nguyên đán, Cục Hàng không muốn "nhờ" đường sắt, đường bộ giúp sức. Song, giá vé "đường" nào cũng tăng cao chót vót, khiến không ít người dân ngậm ngùi hủy kế hoạch về quê ăn tết.

Vé xe ngang vé tàu, vé tàu lại vượt cả máy bay

"Năm nay có đường cao tốc rồi, sao giá vé tàu vẫn cao quá vậy?" - anh Thành Đông (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) "hết hồn" thốt lên khi thấy giá vé tàu chặng Sài Gòn - Nha Trang dịp Tết Nguyên đán năm nay có loại ghế lên tới hơn 2,1 triệu đồng/chiều. Loại giường nằm VIP mọi năm anh Đông thường chọn để về quê ăn tết dao động 1,4 - 1,6 triệu đồng/chiều, năm nay cũng lên tới 1,8 triệu đồng/chiều.

Nếu so với vé máy bay, giá tàu ở một số loại tàu cao hơn bởi chuyến bay có giá cao nhất của hãng Vietjet ngày 27 âm lịch (6.2.2024) cũng mới gần 1,6 triệu đồng/chiều. Cùng ngày, Bamboo Airways vẫn còn 1 chuyến bay có ghế trống ở chặng này với giá hơn 1,7 triệu đồng/chiều. Thậm chí, vé tàu khoang VIP hơn 2 triệu đồng còn cao hơn cả vé máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines - hơn 1,8 triệu đồng/chiều. Trong khi thời gian di chuyển máy bay chỉ bằng khoảng 1/6 so với đi tàu hỏa.

Nhọc nhằn 'tìm đường' về quê ăn tết- Ảnh 1.

Người dân mua vé tàu tại Ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM)

NHẬT THỊNH

Công nhân nhịn nhậu dành tiền mua vé máy bay tết, rưng rưng: 'Cả năm không có dư!'

"Đợt mới khánh thành tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, tôi tự chạy xe nhà từ TP.HCM về Nha Trang mất khoảng 6 tiếng, tiền xăng hết 800.000 đồng. Tính cả ăn uống nghỉ ngơi dọc đường, tốn khoảng 1 triệu đồng mà lại được chủ động hành trình, giờ giấc. Hoặc không thì chọn đi máy bay, giá cũng tương đương nhưng nhanh hơn tàu nhiều. Bay sáng thì cùng lắm delay tới trưa cũng tới, đi tàu cũng mất cả đêm. Trước nay tôi thích đi tàu nên thường chọn mua vé tàu, nhưng giờ giá cao quá chắc cũng phải cân nhắc", anh Thành Đông so sánh.

Khảo sát trên trang bán vé điện tử của Tổng công ty Đường sắt VN, vé tàu từ Sài Gòn đi Nha Trang những ngày cao điểm giáp tết vẫn còn khá nhiều chỗ trống trong khoang giường nằm điều hòa với mức giá vé dao động từ hơn 1,3 đến gần 1,5 triệu đồng/chiều. Vì giá vé tàu khá cao nên chị Minh Khai (ngụ Q.3, TP.HCM) chỉ "dám" mua 1 chặng chiều về vé tàu cho 2 mẹ con, giá 1,5 triệu đồng/vé, chiều còn lại chị mua vé xe khách. "Bình thường đi xe khách giá 450.000 đồng/ghế giường nằm, mùa tết nhà xe báo tăng giá lên 900.000 đồng, cao hơn vé ngồi mềm điều hòa của tàu hỏa. Vé xe thì lên bằng giá vé tàu, vé tàu thì hơn cả vé máy bay. Sợ thật", chị Minh Khai cám cảnh.

Mặc dù giá tăng cao nhưng anh Thành Đông, chị Minh Khai vẫn may mắn vì vé tàu xe, máy bay chặng Sài Gòn - Nha Trang đều còn nhiều chỗ, có sự lựa chọn. Trường hợp chị Kiều Liên (ngụ Q.7, TP.HCM) "xui" hơn nhiều khi phải ngậm ngùi thanh toán tới 1,7 triệu đồng cho 1 ghế ngồi mềm khoang điều hòa trên tàu chặng Sài Gòn - Quảng Ngãi ngày 7.2.2024 (28 âm lịch) trong khi tết trước đó giá chỉ hơn 1,1 triệu đồng. Thấy giá vé tàu cao ngang ngửa vé máy bay, lại là ghế ngồi nên chị tính chuyển qua mua vé máy bay, nhưng chặng TP.HCM - Chu Lai từ 23 - 29 tháng chạp đã hết sạch, không còn chuyến bay nào. Phải đến 9.2, tức đúng 30 âm lịch, hãng hàng không Vietnam Airlines mới còn 2 chuyến bay có chỗ trống nhưng đều là hạng thương gia, giá tới 4,7 triệu đồng/chiều. Tham khảo vé xe khách, các nhà xe lớn cũng thông báo tuyến này những ngày cao điểm trước tết đã hết chỗ. Chỉ còn một vài nhà xe còn ghế trống nhưng cũng "hét" giá gấp đôi ngày thường, tới 900.000 đồng/chiều, còn thêm nỗi lo bị nhồi nhét, đón thêm khách dọc đường.

"Đấy là tôi còn mua cách đây cả tháng rồi, chứ bây giờ vé tàu cũng không còn mà mua. Năm nay giá vé tàu xe, máy bay đắt đỏ kinh hoàng. Nhà dì dượng tôi cũng vì vé máy bay cao quá nên năm nay chọn ở lại TP.HCM luôn, không về quê ăn tết nữa", chị Kiều Liên than thở.

Không quá "hot" nhưng giá vé vẫn không thể giảm

Nhọc nhằn 'tìm đường' về quê ăn tết- Ảnh 2.

Người dân mua vé tàu tại Ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM)

NHẬT THỊNH

Tổ chức bán vé tàu tết khá sớm, từ 20.10, ngành đường sắt ra sức triển khai nhiều chương trình, chính sách khuyến mãi nhằm hút khách trong bối cảnh vé máy bay bị "chê" quá cao. Chỉ sau 3 ngày mở bán, Tổng công ty Đường sắt VN đã "bán vèo" khoảng 41.000 vé tàu tết. Ngay sau đó, những thông tin các công ty đường sắt Hà Nội, Sài Gòn lần lượt lãi "khủng", nhiều tuyến tàu được nâng cấp, cải thiện với những khoang tàu "sang, xịn, mịn" càng dấy lên niềm hy vọng đường sắt sẽ "thừa thắng xông lên".

Thế nhưng, lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn lại cho biết tình hình bán vé tết năm nay không quá "nóng". Đến nay, ngành đường sắt đã bán được hơn 130.000 vé tàu tết. Vé đi trước tết còn ở tất cả các tuyến; trong đó, từ 1.2.2024 trở về trước và ngày 8, 9.2.2024 (22 tháng chạp trở về trước và ngày 29, 30 tháng chạp) còn vé đi tất cả các ga. Các ngày từ 2 - 7.2.2024 (23 - 28 tháng chạp) còn ít vé. Sau Tết Nguyên đán còn nhiều vé đi tất cả các ngày.

Nhận thấy nhu cầu về quê ăn tết của hành khách là đối tượng công nhân đang làm việc tại Đông Nam Bộ tăng cao, hôm qua 26.12, Tổng công ty Đường sắt VN cũng đã mở bán bổ sung 3.000 chỗ đi từ ga Sài Gòn (TP.HCM), Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) đến các ga từ Quảng Ngãi đến Hà Nội và ngược lại trong các ngày cao điểm Tết Giáp Thìn 2024, từ 31.1 - 19.2.2024 (tức 21 tháng chạp đến 10 tháng giêng). Vì thế, nhìn chung tàu hỏa năm nay không xuất hiện tình trạng khan hiếm vé.

Tương tự, nhu cầu tăng, giá nhiên liệu cao cùng việc phải bù chi phí quay đầu giải tỏa hành khách cũng là nguyên nhân khiến vé xe khách điều chỉnh tăng 40 - 60%, trong khi giá vé máy bay thì đẩy lên tới kịch trần. Phương tiện nào cũng có "lý do chính đáng" để tăng giá, còn hành khách thì ngày càng nhọc nhằn chọn loại phương tiện sao cho phù hợp với túi tiền ngày càng eo hẹp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.