Những cỗ máy giết người tự động

05/12/2014 08:00 GMT+7

Việc các “chiến binh robot” có thể tham chiến một cách độc lập không còn là chuyện quá xa vời, nhưng kèm theo đó có thể là những mối họa khôn lường.

 UAV chiến đấu Taranis của Anh là vũ khí có tính tự động cao  - Ảnh: BAE Systems
UAV chiến đấu Taranis của Anh là vũ khí có tính tự động cao  - Ảnh: BAE Systems

Từ nhiều tháng qua, Na Uy bị Liên đoàn Hòa bình Na Uy và các tổ chức quốc tế cáo buộc đang hợp tác với tập đoàn sản xuất vũ khí Kongsberg để chế tạo tên lửa có khả năng tự xác định mục tiêu và tấn công mà không cần sự can thiệp của con người.

Loại vũ khí này bị xếp vào nhóm các loại hệ thống vũ khí giết người tự hành (LAWS). Theo Đài truyền hình BFMTV, tên lửa nói trên chính là JSM (Joint Strike Missiles) - loại tên lửa mà Kongsberg đang phát triển để trang bị cho máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ. Dự kiến hệ thống này sẽ bắt đầu được thử nghiệm trong năm 2015 để có thể chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2025.

Tự động đến mức nào ?

Na Uy không phải quốc gia duy nhất quan tâm đến LAWS. Theo tờ Tribune de Genève, những cỗ máy giết người tự động có thể xuất hiện trong 2 hoặc 3 thập niên tới, thậm chí sớm hơn. Mỹ hiện đi đầu về việc nghiên cứu, chế tạo robot phục vụ cho chiến tranh và nhiều quốc gia cũng đang đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này như Anh, Đức, Hàn Quốc, Israel, Nga, Trung Quốc...

Hầu hết các nước đều “nói giảm, nói tránh”, khẳng định rằng những loại thiết bị quân sự đang được phát triển chủ yếu nhằm mục đích phòng vệ và chỉ là bán tự động, tức có thể tự tìm kiếm mục tiêu, tự phản ứng khi gặp “nguy hiểm” nhưng việc quyết định tấn công sẽ do con người đảm nhận hoặc ít nhất là giám sát.

Theo các chuyên gia, những thiết bị quân sự có tính năng tự động đã được sử dụng hoặc còn đang được nghiên cứu, thử nghiệm về mặt kỹ thuật đã tiến rất gần đến LAWS. Chẳng hạn hệ thống Phalanx CIWS (Mỹ) chuyên chống tên lửa đối hạm có khả năng tự phát hiện, tìm kiếm mục tiêu và tự khai hỏa. Hệ thống C-RAM (chống rốc két, đạn pháo, do Mỹ sản xuất) có thể tự phản ứng trước các cuộc tấn công.

 UAV IAI Harpy của Israel có khả năng tự phát hiện và tấn công hệ thống ra đa hoặc hệ thống phòng không - Ảnh: Quân sự Israel

Còn loại máy bay không người lái (UAV) tàng hình X-47B được hải quân Mỹ đặt hàng để Tập đoàn Northrop Grumman nghiên cứu chế tạo có thể tự thực hiện gần như toàn bộ: cất/hạ cánh từ một tàu sân bay, chọn mục tiêu, tấn công.

Thiết bị của các quốc gia khác cũng đạt nhiều tính năng tự động rất phức tạp: UAV IAI Harpy của Israel có khả năng tự phát hiện và tấn công hệ thống ra đa hoặc hệ thống phòng không; hệ thống phòng không NBS của Đức tự phát hiện các đợt tấn công và tự phản ứng, người phụ trách kỹ thuật chỉ theo dõi để xử lý kịp thời nếu có sự cố; UAV Taranis đang được thử nghiệm của Anh tự xác định mục tiêu nhưng việc tấn công do “phi công” ở trạm điều khiển quyết định...

Robot biên phòng SGR-1 do hãng Samsung Techwin sản xuất được Hàn Quốc triển khai ở vùng phi quân sự với CHDCND Triều Tiên. Robot này có khả năng phát hiện bằng hệ thống hồng ngoại những người đột nhập, “lên tiếng” cảnh báo và bắn. Hoạt động của SGR-1 hiện do các binh sĩ Hàn Quốc điều khiển nhưng robot có thể chuyển sang chế độ tự động hoàn toàn.

Chiến binh vô cảm

Báo cáo viên LHQ Christof Heyns nhận định về hệ thống tên lửa đang được phát triển của Na Uy: “Trong những thập niên qua, chúng ta có thể nhận thấy tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã giúp khoảng cách giữa binh sĩ với mục tiêu ngày càng tăng. Nhưng điều đang diễn ra là vũ khí đang từng bước trở thành một chiến binh thật sự. Na Uy là một cường quốc về xuất khẩu vũ khí nên càng cần phải quan tâm đến vấn đề đạo đức khi chế tạo những thiết bị quân sự có tính năng tự động cao”.

Ông Heyns kêu gọi các nước ký kết một thỏa thuận về cấm nghiên cứu, chế tạo LAWS. Liên tiếp trong hai năm qua, nhiều hội thảo liên quan đến vấn đề này đã được LHQ tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia quân sự, chuyên gia về trí thông minh nhân tạo cùng đại diện của các nước.

 

MQ-9 Reaper - Ảnh: Quân đội Mỹ

Tờ Le Monde dẫn lời giáo sư chuyên về trí thông minh nhân tạo của Đại học Sheffield (Anh) Noel Sharkey cảnh báo những robot được trang bị hệ thống máy tính siêu hiện đại sẽ có tốc độ xử lý cực kỳ nhanh.

Như vậy, ngay cả khi được quyền “giám sát”, con người cũng không thể theo kịp tốc độ đó để có thể ngăn chặn một vụ tấn công sai lầm (chẳng hạn nhầm một đứa trẻ đang nghịch súng đồ chơi với một kẻ vũ trang) hoặc đưa ra quyết định chính xác trong trường hợp robot bán tự động, chỉ tự xác định mục tiêu.

Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề phức tạp có thể xảy ra nếu LAWS được “tham chiến”: các quốc gia giàu có, đủ khả năng trang bị LAWS sẽ dễ phát động chiến tranh hơn vì giảm đáng kể thiệt hại nhân mạng (giảm nguy cơ bị dân chúng phản đối); nguy cơ tin tặc tấn công máy tính của LAWS và làm “chiến binh máy” quay lại tấn công chính quốc gia mình.

Ngoài ra, máy móc thường mắc sai lầm và với những LAWS được trang bị đạn dược hiện đại, một trục trặc kỹ thuật nhỏ có thể dẫn đến một vụ thảm sát. Một vấn đề quan trọng cũng được đặt ra: Ai sẽ chịu trách nhiệm về sai sót của “chiến binh robot”?

Cảnh báo về trí thông minh nhân tạo

Trả lời phỏng vấn Đài BBC ngày 3.12, nhà vật lý vũ trụ người Anh Stephen Hawking cảnh báo: “Những dạng thử nghiệm sơ khởi của trí thông minh nhân tạo cho thấy có thể rất hữu dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc phát triển những hệ thống này có thể dẫn đến ngày tàn của nhân loại. Con người bị giới hạn bởi sự tiến hóa chậm chạp về mặt sinh học sẽ không thể cạnh tranh và sẽ bị qua mặt”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> UAV Mỹ xuất kích ở Iraq
>> Robot quân sự có thể gây ra tội ác chiến tranh
>> Robot quân sự thế hệ mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.