Những cuộc chơi âm nhạc lãng mạn và... liều lĩnh

Nguyên Vân
Nguyên Vân
23/12/2022 07:05 GMT+7

Đó là những dự án đã và đang nhận được sự quan tâm lẫn nể phục của các ê kíp nghệ sĩ khi sản phẩm họ thực hiện, giới thiệu không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính và tài năng để theo đuổi.

Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong vừa tổ chức 2 đêm Symphonic Jazz: Nghe gió kể. Chương trình đánh dấu 20 năm hoạt động âm nhạc của Nguyễn Hải Phong được anh ví von là một cuộc chơi ngẫu hứng như jazz và được ủ lâu như rượu. Nghe gió kể, khán giả có dịp ngẫu hứng cùng chính giọng hát Nguyễn Hải Phong với những bài hát đưa cái tên Nguyễn Hải Phong đến với công chúng (cũng chính là sáng tác anh gửi cho Lam Trường và được Lam Trường chọn đưa vào album của mình - Ngây ngô), những giai điệu trở thành hit “quốc dân” (Dòng thời gian) hay sáng tác được rất nhiều ca sĩ thể hiện - Ba kể con nghe...

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong trong đêm Symphonic Jazz: Nghe gió kể

N.V

“Bao nhiêu năm rồi làm gì và được gì…” trong âm nhạc, trong cuộc sống, với những người đồng hành, người tiếp nối và với gia đình mình, tất cả hiện lên đầy tiết tấu qua cách “kể” của Nguyễn Hải Phong. Anh cho biết ban đầu chỉ là thôi thúc muốn khoác lớp áo jazz lên những bản nhạc vốn quen thuộc; và rồi anh cùng nhạc sĩ Phạm Thanh Danh (người hòa âm, chuyển soạn các sáng tác của anh cho Symphonic Jazz) và nhạc trưởng Dustin Tiêu - những mảnh ghép hữu duyên tạo ra dự án Nghe gió kể. Không dừng lại như một chương trình mang tính kỷ niệm (số đầu tiên có sự tham gia của những người bạn nhạc sĩ: Phan Mạnh Quỳnh, TDK), Nguyễn Hải Phong mong muốn sẽ có thêm nhiều nghệ sĩ đến với không gian âm nhạc mang thương hiệu của riêng mình này.

Nếu nói Nguyễn Hải Phong liều lĩnh hiện thực hóa tâm huyết mang đến một làn gió âm nhạc mới đầy cảm xúc mơ mộng, với hình thức biểu diễn jazz giao hưởng khi hợp tác cùng dàn nhạc Imagine Philharmonic (IPO) và ban nhạc Kotori Trio thì Đen cũng được nể phục không kém khi rap cùng dàn nhạc giao hưởng - làm mới 8 ca khúc đình đám trong sự nghiệp với album đầu tay dongvui harmony. Các ca khúc trong album được chuyển soạn và phối khí bởi nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cố vấn âm nhạc Long Halo, cùng nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và dàn nhạc giao hưởng hơn 100 thành viên. Không ra mắt một MV để quảng bá cho album như thường thấy, Đen công chiếu một video live performance dài 40 phút trên YouTube với đầy đủ 8 bài.

“Tôi học được nhiều lắm khi làm dự án này, nghe mọi người chơi nhạc và nói chuyện với nhau… Những khó khăn cũng là kinh nghiệm mà tôi có được, để làm sao sau này mọi người làm việc chung được thoải mái nhất, đảm bảo sức khỏe và thời gian nhất. Được học là quan trọng nhất, sau đó là được chơi nhạc. Nếu không lao vào làm, làm sao mình biết mọi thứ thú vị đến thế!”, Đen chia sẻ về cuộc chơi âm nhạc này.

Đen rap cùng dàn nhạc giao hưởng trong dongvui harmony

Trung Del

Sáng tạo là không giới hạn

Để có những cuộc chơi ấy, theo nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, phải là nghệ sĩ có cá tính, giàu sáng tạo, thích mạo hiểm, muốn cống hiến và có điều kiện kinh tế đảm bảo cho sáng tạo đó.

Quan trọng là làm sao để sự kết hợp không trở thành khiên cưỡng. Điều này đòi hỏi đầu tiên là phải sáng suốt ngay từ khâu ý tưởng và tiếp theo phải có đội ngũ đồng hành đủ tài năng, trình độ am hiểu cả đông tây kim cổ trong âm nhạc để vận dụng hài hòa những yếu tố tưởng chừng đối chọi thành một tác phẩm có giá trị nghệ thuật.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Theo anh, với những dự án mang tính kết hợp tương tự, có 3 nhóm nghệ sĩ với những mục đích khác nhau. Như Nguyễn Hải Phong hay Đen là những nghệ sĩ đã thành danh trong thế mạnh âm nhạc của mình và họ làm những dự án này như muốn “chơi nghề”, muốn khám phá thêm bản thân, muốn nới rộng phạm vi âm nhạc hay khán giả của mình hoặc trải nghiệm thêm cảm giác quen (sở trường) đi với lạ (kết hợp màu sắc âm nhạc khác). Nhóm thứ hai là lấy âm nhạc cổ truyền dân tộc làm điểm nhấn kết hợp với âm nhạc đương đại đúng xu hướng của giới trẻ làm điểm đại chúng, sáng tạo ra những sản phẩm vừa truyền thống vừa đáp ứng tai nghe của giới trẻ, từ đấy tạo nên một cái tên bước vào đời sống âm nhạc. Trường hợp ca sĩ Hà Myo (kết hợp giữa xẩm với rap và EDM) là một ví dụ. Nhóm thứ ba là khai thác âm nhạc dân gian, pha thêm chất jazz và viết thành những tác phẩm giao hưởng, thuộc thể loại âm nhạc giao hưởng thính phòng, xu hướng sáng tác đương đại trên thế giới đã phổ biến từ thế kỷ 19, nhất là nửa đầu thế kỷ 20. Và những nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm này phải là những nhà soạn nhạc tài ba như Đặng Hữu Phúc hay Trần Mạnh Hùng…

Góc nhìn khác, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng với một nhạc sĩ, không ai muốn mình bị giới hạn trong một phạm vi sáng tạo nhỏ hẹp. Việc sáng tạo vừa thật tốt cho bản thân họ, và cũng góp phần cho nền giải trí phong phú hơn. “Hình thức cổ điển giao thoa không mới trên thế giới. Dàn nhạc giao hưởng có thể kết hợp với nhiều thể loại khác nhau. Nhưng những nghệ sĩ thành danh thì cũng đếm trên đầu ngón tay. Bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính và tài năng để theo đuổi. Ngay cả khi họ có đủ hai yếu tố trên, họ cũng phải kiên trì cả một thời gian dài mới có thể có lượng khán giả riêng và tạo một tên tuổi riêng”, anh nhìn nhận.

Không chỉ vậy, cái khó ở VN, như Võ Thiện Thanh phân tích, là lượng người nghe không nhiều, thị phần nhỏ hẹp; trong khi mức đầu tư cho hàng trăm con người mỗi show diễn lại khổng lồ. Đây là bài toán không dễ tính. Bởi, theo anh: “Nếu đầu tư lớn mà chỉ diễn trong không gian vài trăm khán giả, e khó duy trì lâu dài… Nhưng dù gì đi chăng nữa, sáng tạo là không giới hạn. Xin chúc mừng những nghệ sĩ đã can đảm mở lối đi mới. Đọng lại trong lòng khán giả hay không thì phải có thời gian, cũng như cần sự kiên trì nơi họ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.