Những hố đen từ bình minh vũ trụ có thể đang can thiệp quỹ đạo trái đất

17/01/2024 15:58 GMT+7

Một số hố đen cổ nhất vũ trụ cứ lướt ngang vùng không gian phụ cận của hệ mặt trời ít nhất 1 lần trong mỗi thập niên, và trên đường di chuyển lan tỏa tác động lên các hành tinh, bao gồm trái đất.

Những hố đen từ bình minh vũ trụ có thể đang can thiệp quỹ đạo trái đất- Ảnh 1.

Mô phỏng một hố đen cổ đại

NASA/ESA

Hố đen là một trong những vật thể bí ẩn và kỳ quặc nhất vũ trụ. Thế nhưng, giới thiên văn học cho rằng nhóm lạ lùng nhất trong số này phải là các hố đen thời nguyên thủy (PBH), có từ thời bình minh của vũ trụ.

Các nhà thiên văn học giả thuyết rằng PBH hình thành khi những vùng nóng và cô đặc của không gian sụp đổ ngay sau thời khắc khai sinh vũ trụ là sự kiện Big Bang.

Phụ thuộc vào thời điểm "chào đời" trong thời khắc ngắn ngủi đó, các PBH có khối lượng dao động từ một phần ngàn của chiếc kẹp giấy hoặc tương đương 100.000 mặt trời.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng PBH với khối lượng nằm giữa các tiểu hành tinh như Juno và Eros là nhóm quan trọng nhất vì chúng có lẽ cấu tạo chủ yếu từ vật chất tối, dạng vật chất bí ẩn kết nối mọi thành tố của các thiên hà với nhau.

Vấn đề ở đây là các nhà thiên văn học chưa quan sát được dạng hố đen trên, theo báo cáo của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đăng trên cổng thông tin nguồn mở arXiv.

Nếu một PBH như thế tiếp cận trái đất, hành tinh của chúng ta sẽ không bị phá hủy, mà thay vào đó PBH chỉ tạo lực tác động lên các hành tinh của hệ mặt trời, cũng như can thiệp quỹ đạo trái đất.

Điều này có nghĩa là khoảng cách của các hành tinh với mặt trời sẽ thay đổi theo thời gian. Việc đo đạc những dao động tuần hoàn như thế này có thể giúp nhân loại xác định được hành trình của một PBH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.