Nhùng nhằng thực thi quyền tác giả trong môi trường số

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/11/2018 05:55 GMT+7

Liên tiếp nhiều vấn đề liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan nảy sinh trong môi trường số, trong khi lại thiếu những văn bản pháp luật hướng dẫn giải quyết triệt để.

Nghe chùa, cầm nhầm nhạc, cảnh báo vi phạm giả
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông, đã nhắc tới diễn biến việc thu tiền tác quyền theo số lượng ti vi của khách sạn tại Đà Nẵng, trong hội thảo “Quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số” diễn ra sáng 2.11 tại Hà Nội. Theo đó, các khách sạn ở Đà Nẵng đã gửi công văn tới UBND TP.Đà Nẵng, Sở Du lịch từ chối yêu cầu thu phí tác quyền qua ti vi ở khách sạn của Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc - VCPMC. Trong khi đó, Cục Bản quyền (Bộ VH-TT-DL) lúc yêu cầu VCPMC dừng việc thu tiền nói trên, lúc lại nói Cục không quyết định việc thu hay không thu của đơn vị này. Còn VCPMC hiện vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục thu.
“Như vậy, bên cạnh việc các khách sạn vi phạm quyền tác giả của các chủ sở hữu thì hoạt động của VCPMC cũng như vai trò của Cục Bản quyền không rõ ràng... Cho đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào đưa ra để giải quyết trường hợp này”, ông Đồng đánh giá, và coi đây là một vòng luẩn quẩn.

Cần có quy định pháp luật liên quan đến việc chặn các trang web vi phạm bản quyền. Đây là việc đã làm trên thế giới, nhưng tại VN thì chưa

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông

Trong khi đó, liên tiếp có các vấn đề bản quyền âm nhạc khác nảy sinh. Chẳng hạn, thời gian gần đây đã có những tác phẩm âm nhạc của ca sĩ VN có lượt xem rất lớn bị gỡ do vi phạm tác quyền. Không chỉ vậy, nghệ sĩ VN cũng đối diện việc ra tòa, hoặc bồi thường. Đỉnh điểm là việc nhạc sĩ Mỹ Zack Hemsey kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh đòi bồi thường 850 triệu đồng và yêu cầu xin lỗi vì đã vi phạm bản quyền. “Thời gian tới, những vụ kiện thế này có thể sẽ nhiều hơn. Tôi nghĩ đó là những thúc đẩy thực thi bản quyền âm nhạc trong môi trường số từ bên ngoài. Nó sẽ tạo thay đổi mạnh mẽ về ý thức bản quyền trong nước”, ông Đặng Đình Long, Giám đốc Công ty Aibiz (chuyên về bản quyền truyền hình), nói.
Một hiện tượng pháp lý khác cũng được nhắc tới trong hội thảo là việc lạm dụng chức năng “báo cáo vi phạm” để gỡ bỏ video trên YouTube. Thủ tục báo cáo vi phạm hiện nay khá dễ dàng mà không cần cung cấp bằng chứng. “Ví dụ như trường hợp 3 MV của ca sĩ Min đột ngột bị gỡ bỏ khỏi YouTube vào tháng 7.2018 do báo cáo vi phạm của VCPMC. Đây là các MV rất thành công với hàng chục triệu lượt truy cập đã được đăng tải từ trước đó hơn 1 năm. Thực tế ca sĩ Min đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ luật định khi trực tiếp chi trả phí bản quyền cho các nhạc sĩ Kai Đinh, Khắc Hưng, Châu Đăng Khoa. Tuy nhiên, VCPMC đã không rà soát, trao đổi với các chủ thể quyền và bên đăng tải MV để rồi tự báo cáo vi phạm trên YouTube, gây thiệt hại cho nghệ sĩ”, ông Trương Quốc Việt, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty cổ phần Sky Music, cho biết.
Nhùng nhằng thực thi quyền tác giả trong môi trường số1
Ca sĩ Noo Phước bị một nhạc sĩ Mỹ kiện đòi bồi thường bản quyền Ảnh: cắt từ MV
Đẩy mạnh thương thảo và xây dựng luật
Báo cáo của Thanh tra Bộ TT-TT tại hội thảo cho biết, trong khoảng vài năm gần đây chỉ xử lý khoảng 13 trường hợp vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan với số tiền phạt khoảng 185 triệu đồng.
Báo cáo của Viện Chính sách và phát triển truyền thông cho thấy vi phạm bản quyền trong môi trường số tại VN phức tạp hơn nhiều. Theo đó, một trang web vi phạm bản quyền lớn trên toàn cầu, 123movieshub.to đang hoạt động tại VN. Thậm chí, nó còn có tên trong báo cáo của Mỹ “Những thị trường có tiếng xấu 2017”.
Ông Trương Quốc Việt khuyến cáo nên thực thi các biện pháp dân sự. Chẳng hạn, với các website vi phạm đã xác định được chủ thể mà bất hợp tác thì cần chủ động thu thập bằng chứng và tiến hành thủ tục khởi kiện tại tòa án. “Mới đây, website Chiasenhac.vn quản lý bởi Công ty cổ phần yêu ca hát đăng tải trái phép MV Chạy ngay đi của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, và không hợp tác gỡ bỏ nên Sky Music đã nộp đơn khởi kiện đơn vị này tại Tòa án nhân dân TP.HCM vào tháng 9.2018”, ông Việt cho biết.
Ông Nguyễn Quang Đồng nêu giải pháp tăng cường các biện pháp kỹ thuật, luật hóa quy định chặn các trang web vi phạm bản quyền. Theo ông, cần có quy định pháp luật liên quan đến việc chặn các trang web vi phạm bản quyền. Đây là việc đã làm trên thế giới, nhưng tại VN thì chưa. Chẳng hạn, luật Bản quyền 2014 của Indonesia cho phép chặn website vi phạm bản quyền, có cơ chế cho cộng đồng phát hiện và báo cáo về vi phạm bản quyền. Luật Bản quyền Anh 2014 cho phép tòa án yêu cầu chặn website.
Trong khi đó, theo ông Phạm Hà Anh Thủy, Giám đốc Sky Music, các nghệ sĩ cũng cần quan tâm hơn đến bản quyền để tránh bị gỡ nhạc hoặc bị phạt tiền. Vì thế, ca sĩ cần chú ý việc đối chiếu với các kho dữ liệu có bản quyền để xin phép sử dụng đúng thủ tục ngay từ đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.