Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen

Những thói quen xưa của cha tôi

04/09/2023 15:30 GMT+7

Ngay cả sau này, cuộc sống dư dả, nhưng cha vẫn giữ thói quen xưa. Trưa đến, ông xả nước ra chiếc chậu to phơi nắng. Chiều muộn, ông tắm bằng nước đó nên không hề lạnh. Rồi quần áo cũng vậy, ông tắm xong tự giặt luôn, chỉ vì sợ giặt máy tốn nước, tốn điện.

Những ngày hè “chảy mỡ” vừa rồi, phố tôi cắt điện luân phiên khiến bọn trẻ nháo nhác cả lên, đứa lớn cuồng vì không có mạng, đứa bé mồ hôi vã ra như tắm nên sau một hồi băn khoăn, tôi quyết định về quê với cha tôi “chạy nạn”.

Sở dĩ tôi quyết định vậy bởi ngôi nhà của cha mẹ là ngôi nhà ba gian, ánh sáng ngập tràn. Các con có thể thoải mái đọc sách, tô vẽ tùy thích. Ngay căn buồng được cho là kín đáo nhất cũng có 1 cửa chính mở ra hiên và 2 cửa sổ. Bởi vậy, dù hoàng hôn nhập nhoạng hay bình minh vừa ló, căn buồng cũng không hề tối.

Những thói quen xưa của cha tôi - Ảnh 1.

Những ngày nắng nóng, tôi quyết định về quê bởi ngôi nhà của cha mẹ là ngôi nhà ba gian, ánh sáng ngập tràn

TGCC

Những thói quen xưa của cha tôi - Ảnh 2.

Ô cửa sổ ngập đầy ánh sáng

Chiếc giường ngủ của chị em tôi khi xưa nằm ngay cạnh ô cửa sổ. Cha bảo các cháu có thể nằm đọc sách mà không cần bật điện. Đêm đến đã có ánh trăng rọi qua khe cửa thay cho đèn ngủ, vừa thơ mộng lại rất hiền hòa. Sáng sớm, các con tôi sẽ được ánh bình minh gọi dậy, những tia nắng non buổi sớm hắt qua khung cửa, đó chính là “chiếc đồng hồ” tự nhiên báo thức vô giá.

Bởi thế, sau này khi chúng tôi xây nhà, cha đều răn: “Các con phải khai thác triệt để hệ thống cửa sổ, giếng trời. Ánh sáng tự nhiên là thứ ánh sáng rẻ nhất và tuyệt nhất. Cớ gì ta phải bật điện trong khi có thể tạo ra các ô cửa để đón ánh mặt trời?”. Rồi cha còn nói thêm: “Các con hãy lắp máy năng lượng mặt trời. Có thể lúc đầu hơi tốn kém nhưng các con phải nghĩ dài lâu, mỗi ngày bình nóng lạnh tốn bao nhiêu điện, cộng lại cả tháng, cả năm con số đó không hề nhỏ. Mặt trời là nguồn năng lượng quá dồi dào, chúng ta lãng phí chẳng phải là có lỗi ư?”.

Thêm nữa, tôi quyết định về quê vì ở đó có rất nhiều cây xanh. Vườn trước, vườn sau mát rượi. Không cần đến điều hòa, chỉ cần ngồi dưới bóng cây, thậm chí ngồi ngay trong nhà phe phẩy chiếc quạt nan của cha tôi thì cái nóng cũng tiêu tan.

Những thói quen xưa của cha tôi - Ảnh 3.

Tôi quyết định về quê vì ở đó có rất nhiều cây xanh. Vườn trước, vườn sau mát rượi

TGCC

Hằng ngày, các con tôi quen nhốt mình trong điều hòa 24/24, nên lúc đầu chúng cũng than trời. Nhưng rồi, thế giới màu xanh tuyệt diệu trong khu vườn đã khiến chúng miệt mài khám phá quên cả cái nắng trên đầu.

Nhân đó, tôi kể cho các con nghe về những cách tiết kiệm điện của cha. Những ngày hè nóng bức mẹ tôi hay nấu chè cho các con ăn. Cha tôi múc chè ra cho nguội, rồi đổ vào chiếc can lớn, cột nắp, thả xuống giếng sâu. Sau chừng đôi tiếng, cha kéo lên múc ra bát cho chúng tôi ăn, đứa nào cũng xuýt xoa vì mát lạnh. Hay như chiếc đèn chúng tôi học thuở xưa, cha chỉ mua loại sáng vừa, rồi ông chế chiếc đĩa tây, bát sắt đã thủng làm cái chụp đèn, cha nói chỉ cần chụp nó lại là các con học thoải mái, không gian học tập lại sâu hơn. Nhiều đêm gió mát, cha bảo cả nhà ra hiên ngủ, không cần bật quạt đã ngủ rất ngon lành.

Những thói quen xưa của cha tôi - Ảnh 4.

Cha tôi thích ngồi đọc báo bên hiên nhà mát mẻ vào mỗi buổi sáng

TGCC

Ngay cả sau này, cuộc sống dư dả, nhưng cha vẫn giữ thói quen xưa. Trưa đến, ông xả nước ra chiếc chậu to phơi nắng. Chiều muộn, ông tắm bằng nước đó nên không hề lạnh. Rồi quần áo cũng vậy, ông tắm xong tự giặt luôn, chỉ vì sợ giặt máy tốn nước, tốn điện. Áo sơ mi ông cũng tự giặt, ông bảo không được vắt, chỉ giũ rồi phơi, không mất công là. 

Thậm chí ngay cả khi những cơn đau mật giày vò, cha cũng chỉ ôm chiếc bi đông nước nóng cho ấm. Ông bảo anh hai tôi: “Cái túi sưởi con mua chỉ tổ tốn điện lại không an toàn”. Tối mùa đông lạnh giá, thay vì cắm nước, cha sẽ đun một siêu nước thật to bằng củi cho mẹ tôi, rồi hai ông bà ngâm chân ngay dưới bếp vừa rủ rỉ chuyện trò…

Các con nghe tôi kể, ngạc nhiên, rồi im lặng. Tôi chỉ nói thêm: “Ông con từng dạy, điện không phải là vô tận, không tự nhiên mà có. Hãy tiết kiệm tối đa kẻo bị ném trả về bóng tối ngày xưa". 

Tôi sinh ra khi nhà vẫn chưa có điện, tuổi thơ leo lét đèn dầu. Ngày xưa nhiều đêm khuya thức dậy, thấy cha tôi vẫn sải hai tay quạt cho chúng tôi mà thương ông biết đến nhường nào!”.

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.