Nỗ lực giải mã câu chuyện của những người phụ nữ khuynh biến hoàng triều

Tuấn Duy
Tuấn Duy
14/11/2023 10:20 GMT+7

Qua ‘Tước gấm giấu đay’ (Linh Lan Books và NXB Phụ nữ liên kết ấn hành), 13 chân dung của những người phụ nữ nổi tiếng trong hoàng cung Việt Nam đã được tái hiện một cách đặc biệt và đầy khác lạ.

Những năm gần đây, tiểu thuyết lịch sử đã có một đời sống mới và được đón nhận bởi đông đảo độc giả. Người viết cũng như người đọc ngày càng trẻ hơn, đòi hỏi cách tiếp cận mới sao cho gần gũi với thế hệ trẻ.

Tác phẩm Tước gấm giấu đay

NXB

Sử Việt rộng lớn, thế nhưng luôn có những điều khuất tất giữa các ghi chép mà hậu thế không thể hiểu rõ. Tận dụng những khe hở ấy, các tác giả của dòng lịch sử - hư cấu đã thêm vào những tưởng tượng của mình, để từ đó, như lời của nhà văn Trần Thùy Mai, giúp ta hiểu thêm nhân vật đã thấy thế nào, bên cạnh lịch sử cho ta biết người ta làm gì.

13 truyện ngắn trong Tước gấm giấu đay được viết bởi nhiều tác giả, đa số thuộc về thế hệ 9X, Gen Z… nên các yếu tố mà họ thêm vào cũng đầy mới mẻ và rất sáng tạo. Gần gũi với văn học mạng, nên các yếu tố linh dị, trinh thám, cung đấu… cũng tạo nên những điểm nhấn tương đối mới mẻ.

Những thử nghiệm này mang nhiều tính chất tiên phong, có thể gây nhiều tranh cãi nhưng không thể thiếu cho việc giữ gìn một nền tiểu thuyết lịch sử luôn luôn mạch vận động.

Ngô Hạ Chi – một cây bút trẻ góp mặt vào tuyển tập này, chia sẻ: “Chúng tôi học hỏi từ những quốc gia đã phát triển nền văn học dã sử lâu đời, về cách mà họ biến những câu chuyện khô khan thành những gì có thể lan tỏa một cách tự nhiên. Dã sử luôn là đề tài tranh cãi, nhưng tôi tin rằng thế hệ của mình có những quan điểm khác biệt”.

Bằng việc lắp đầy vào các khoảng trống chính sử để lại, mà các nhân vật bỗng chốc hiện lên một cách gần gũi và đáng nhớ. Trong chốn hậu cung “tường xanh ngói đỏ”, những tưởng sẽ được yên bình, thế nhưng ẩn chìm trong đó là những phức cảm cũng như động cơ khác nhau, mà bằng con mắt nhân văn, ta sẽ thấy họ hiện lên đáng thương hơn là đáng trách.

Đó chính là nơi chôn cất sự thanh thuần của người con gái bằng những âm mưu quỷ kế trùng điệp. Đại diện cho câu chuyện này có thể kể đến Tuyên phi Đặng Thị Huệ hay Bà chúa Chè cùng với câu chuyện về việc giành ngôi của Trịnh Cán và Trịnh Tông. Hay ví dụ khác Linh Chiếu Hoàng thái hậu, người cũng không từ thủ đoạn để giành cho con mình vị thế xứng danh…

Mục tiêu của họ hẳn đã rõ ràng, nhưng bằng yếu tố hư cấu, những gì ẩn khuất đằng sau các âm mưu này giúp ta nhìn họ dưới một cái nhìn cảm thông hơn, khi họ chỉ như những người nhỏ bé bị cuốn vào trong cơn xoáy lịch sử, mà sự lên xuống của ngôi vương có thể kéo theo rất nhiều số phận.

Bên cạnh phần văn sáng tạo, tác phẩm cũng có 13 tranh minh họa về các yếu nhân khuynh biến hoàng triều

NXB

Không chỉ có chuyện tranh đấu cũng như âm mưu, các tác giả cũng đi sâu khai thác những mối tình tuyệt đẹp, như ngày quang đãng giữa cơn sấm chớp. Đó là hôn ước qua cánh hoa đào của Trần Quốc Tuấn và Thiên Thành công chúa, hay câu chuyện đau lòng của vua Duy Tân, Khải Định và Ân phi Hồ Thị Chỉ…

Có những nhân vật đã quá nổi tiếng, đã được khắc họa trong nhiều tác phẩm ở các hình thức nghệ thuật khác nhau, thế nhưng các tác giả trẻ vẫn tìm ra cách để các tác phẩm thêm phần mới mẻ. Đó là nội tình của Tuyên Từ hoàng hậu Nguyễn Thị Anh sau thảm án Lệ Chi Viên, tình thế lưỡng nan của Đại Thắng Minh hoàng hậu Dương Vân Nga hay công chúa Đồng Xuân với vụ oan án rúng động lịch sử…

Bằng các khoảng lùi lịch sử cũng như rất nhiều giả thiết được các nhà nghiên cứu sử dựng lên, các tác giả này đã tái hiện câu chuyện hợp tình hợp lý, để trong mỗi tác phẩm, ta đều thấy các nhân vật cố gắng vươn lên chỉ để làm chủ sinh mệnh của mình.

Yếu tố linh dị, trộm mộ… cũng được khắc họa một cách thành công trong câu chuyện về Cung Từ Hoàng thái hậu, người đã hiến mình để mang lại chiến thắng cho cuộc khởi binh của Lê Lợi, hay Thiên Ninh công chúa… Bên cạnh màu sắc mới mẻ cũng như độc đáo, hình thức này cũng có phần nào cho thấy được sự tuyệt vọng khi các nhân vật không thể tìm ra con đường “giải phóng” bản thân, và phải nhờ vào yếu tố siêu nhiên để có được ưu thế.

Bị giam trong một chiếc lồng nhiều lớp, lớp đầu tiên là đàn bà, lớp thứ hai là lớp vàng son của phong hiệu danh giá và lớp cuối cùng là lễ nghĩa bách gia, Tước gấm giấu đay không chỉ giúp ta hiểu thêm về những ẩn khuất vẫn luôn còn đó, mà còn mang đến góc nhìn nhân văn đối với những người phụ nữ bị đặt vào một tình thế “không thể thoát được”, khiến họ vẫy vùng giữa dòng lịch sử.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.