'Nút thắt' nguồn cung cát đã mở nhưng vẫn rối

Đình Tuyển
Đình Tuyển
11/09/2023 06:05 GMT+7

Trong cuộc họp tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung cát cho các tuyến cao tốc ở ĐBSCL mới đây, lãnh đạo Bộ TN-MT đưa ra thông tin rất khả quan: cát ở ĐBSCL không thiếu.

Với 60 mỏ đã cấp phép thì tổng trữ lượng cát của ĐBSCL hiện có là khoảng 80 triệu m3 (gồm 63 triệu m3 cát san lấp và 17 triệu m3 cát xây dựng). Vừa qua, các tỉnh trong khu vực đã cấp thêm 30 giấy phép thăm dò với trữ lượng 39 triệu m3 cát san lấp và 3 triệu m3 cát xây dựng. Như vậy, ĐBSCL đang có trong tay khoảng 120 triệu m3 cát, trong đó 100 triệu m3 cát san lấp. Từ đó, lãnh đạo Bộ TN-MT khẳng định cát không hề thiếu cho cao tốc nếu khai thác, điều phối một cách hợp lý khi nhu cầu của 4 dự án đường cao tốc đang được ưu tiên chỉ có 53,68 triệu m3, lại được trải đều nhiều năm.

Tuy nhiên trên thực tế, dù các "nút thắt" cơ chế đã mở thì các địa phương, nhà thầu vẫn chưa hết rối, dẫn tới tiến độ cung cấp cát cho các tuyến cao tốc quá chậm so với kế hoạch. Chỉ tính riêng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án ưu tiên số 1 hiện nay cần hơn 18,1 triệu m3 để san lấp nền, trong đó năm 2023 là 9,1 triệu m3 nhưng đến nay, dự án mới nhận được 480.000 m3 từ các địa phương.

Các tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đều than nguyên do chậm trễ là thủ tục và những lo ngại về pháp lý. Băn khoăn nhất là mỏ cát được giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù phục vụ cao tốc nhưng nhà thầu không có kinh nghiệm, phương tiện, lại trông chờ địa phương hỗ trợ giới thiệu các đơn vị khai thác có kinh nghiệm. Như vậy dù giao mỏ trực tiếp cho nhà thầu cao tốc thì việc khai thác cát vẫn phải qua trung gian. Chưa kể với cách vận hành trên nếu thiếu cơ chế phối hợp, kiểm tra giám sát thì chuyện thất thoát cát ra bên ngoài là khó tránh khỏi. Các tỉnh càng rụt rè khi thời gian qua, nhiều sai phạm trong công tác quản lý khai thác cát ở An Giang và Đồng Tháp tồn tại từ chục năm trước đã bị Thanh tra Chính phủ đưa ra mà nguyên nhân chính vẫn là hiểu sai quy định khi áp dụng vào công tác quản lý.

Hơn bao giờ hết, ĐBSCL cần có một cuộc tổng điều tra về cát. Trên cơ sở xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá tác động môi trường tổng thể làm cơ sở cấp phép khai thác cát và quản lý hợp lý, bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.