Ô nhiễm không khí quay trở lại

Chí Nhân
Chí Nhân
15/01/2022 19:46 GMT+7

Xã hội trở lại với guồng quay vốn có sau thời gian giãn cách, kéo theo là ô nhiễm không khí đang ở mức cao. Sức khỏe người dân lại bị ảnh hưởng tiêu cực theo một cách khác.

Trong nhiều ngày qua, cái nắng chói chang của buổi trưa Sài Gòn không xua đi được màn khói trắng đục do ô nhiễm không khí, điều mà nhiều người dân đã quá quen trong những năm qua.

Chất lượng không khí ở TP.HCM thường xuyên duy trì ở mức không tốt cho sức khỏe

Chi nhan

Lúc 14 giờ chiều nay (15.1), chất lượng không khí ở khu vực trung tâm TP.HCM ở mức màu cam (nồng độ bụi mịn PM2.5 là 107 µg/m3) - không tốt cho sức khỏe, số liệu quan trắc theo thời gian thực trên trang web của Đại sứ quán Mỹ. Vào 6 giờ sáng cùng ngày, ô nhiễm còn cao hơn tương ứng mức biểu thị màu đỏ (nồng độ bụi mịn PM2.5 là 171 µg/m3).

Nếu TP.HCM chỉ dừng lại ở mức biểu thị màu vàng và đỏ thì mức độ ô nhiễm ở Hà Nội là tím và cả tím đậm (thang đánh giá cao nhất) - mức cảnh báo y tế, mọi người có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Vào lúc 7 giờ 30 phút sáng 15.1, tại phố Gia Thượng chỉ số ô nhiễm lên đến 345 µg/m3. Nhiều điểm quan trắc khác tại Hà Nội cho kết quả màu đỏ và tím. Chỉ số trung bình của toàn thành phố Hà Nội là 189 µg/m3, màu đỏ. Đến hơn 14 giờ cùng ngày, tại Gia Thượng, mức độ ô nhiễm có giảm còn 234 µg/m3, nhiều điểm khác giảm còn màu đỏ và cam.

Chất lượng không khí ở TP.Hà Nội ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

chụp màn hình

Các dự báo cho biết mức độ ô nhiễm tương ứng ở cả hai thành phố vẫn còn tiếp tục kéo dài trong tuần tới.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tại TP.HCM nguyên nhân được xác định lần lượt là giao thông đường bộ 58,2%, hoạt động công nghiệp 22,8%, đun nấu dân sinh và đun nấu thương mại 12,8%... Tại Hà Nội, khoảng 48,3% lượng PM2.5 đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề, 21,3% từ giao thông, 20,2% do đốt phụ phẩm nông nghiệp, 6,6% do đun nấu dân dụng và thương mại và khoảng 3,6% các nguồn khác. Nên khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, ô nhiễm không khí theo đó cũng quay trở lại.

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây từ Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) nhận định: Năm 2020 - khi Việt Nam xuất hiện các đợt dịch Covid-19 đầu tiên và cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong đó bao gồm giãn cách xã hội thì chất lượng không khí có phần cải thiện hơn so với năm 2019. Trên phạm vi toàn quốc, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 (8 - 35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với năm 2019 (9 - 41 µg/m3).

Ước tính trên phạm vi toàn cầu, mỗi năm có đến 7 triệu người chết vì các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí. "Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí" - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.