Offroad qua ống kính người mê xe

25/10/2015 14:29 GMT+7

(TNTS) Không những mê chơi xe địa hình, khám phá các cung đường khó, anh Nguyễn Đạt còn là tay “săn” ảnh có hạng, mê mải chạy theo bóng dáng các chiếc xe offroad để lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong máy ảnh của mình.

(TNTS) Không những mê chơi xe địa hình, khám phá các cung đường khó, anh Nguyễn Đạt còn là tay “săn” ảnh có hạng, mê mải chạy theo bóng dáng các chiếc xe offroad để lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong máy ảnh của mình.

Trước khi tham gia vào hội offroad năm 2008, anh Nguyễn Đạt đã từng sở hữu 5 chiếc xe Jeep. Rồi anh cho bạn bè mượn để rủ họ cùng đi khám phá những cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nước Việt. Khi có hội, gần như các chuyến đi khám phá từ đồi cát, băng rừng, vượt suối anh đều tham gia. “Niềm đam mê, thích phiêu lưu đã ăn sâu vào máu rồi nên không bỏ được. Tôi cứ chơi một mình, rồi có thêm vài người thích đi cùng thì cho nhập hội. Chơi offroad có ưu điểm là đoàn kết, ai cũng hết mình vì đồng đội, đi - chơi - ăn - uống, nghỉ ngơi đều kham khổ nhưng không có ai than vãn, bỏ cuộc. Đây là sự rèn luyện ý chí, chỉ có những ai bền bỉ mới theo được. Đây cũng là môn chơi không phân biệt tuổi tác, bằng chứng là đợt tháng 6 vừa rồi chúng tôi tổ chức cuộc thi offroad ở quận 9, ở hạng xe nguyên bản một ông “già” 60 tuổi như tôi vẫn có thể về nhất”, anh chia sẻ.
Offroad qua ống kính người mê xe 2
Trước khi chơi offroad, anh Đạt từng là cộng tác viên ảnh của nhiều báo, là người chụp bộ ảnh Sài Gòn ngày 30.4.1975 nổi tiếng... nên khi tham gia chơi địa hình, anh kết hợp luôn việc săn ảnh xe. Không chỉ là một tay chơi tích cực, không ngại khó khăn, không sợ hư xe, anh Đạt còn không ngại ngần băng đồi, leo dốc để canh được khoảnh khắc chiếc xe băng qua con dốc, vượt đoạn đường lầy bùn bay tung tóe, thậm chí xe lật... “Những tay chụp ảnh xe địa hình khác khó có trải nghiệm, tư duy hình ảnh nhanh như chính các tay lái offroad thật sự. Bởi với kinh nghiệm lái xe, chơi xe nhiều năm chúng tôi có thể đoán định được khả năng vượt qua chướng ngại vật của chiếc xe phía trước để có thể ngồi đợi chụp hình. Nhiều khi phải bỏ hành lý lại, cầm máy ảnh trèo lên mỏm đá cao để đợi khoảnh khắc chiếc xe lao lên chụp lại để đặc tả chính xác nhất thời khắc chiếc xe chạm đỉnh mà bấm máy. Muốn có ảnh đẹp thì phải “rình” rồi, chứ không thể bắt anh lái xe lùi lại, hay lái chậm để tôi chụp ảnh được”.
Offroad qua ống kính người mê xe 3
Anh kể: “Sau mỗi cuộc chơi trở về, bạn bè hay bình luận ảnh đẹp quá, giá như được đi theo cùng... rồi cũng có người thử sắm xe xịn để đi theo chơi. Nhưng chỉ sau một lần tham gia, những người yếu tim, nhát gan... sẽ tự động rút lui “không dấu vết” vì quá sợ hãi các con đường, đâu phải lung linh ảo diệu như qua các tấm ảnh”.
Lái xe địa hình gặp nạn là chuyện bình thường, anh Đạt kể mình cũng nhiều lần trầy trật khi đến với môn chơi đầy tính chất phiêu lưu này. Nhiều khi còn bị té hay gặp nguy hiểm khi cố “rình” cho được bức ảnh đẹp. “Chuyện té, sụp hố khi chạy theo các chiếc xe khác để chụp ảnh là chuyện thường tình. Có lần, muốn chụp một chiếc xe leo dốc, tôi cố bò lên con dốc cao để chụp được khoảnh khắc xe vượt chướng ngại vật thành công nhưng chiếc xe đó bị mắc lầy ở đoạn giữa không di chuyển được. Tôi bèn trượt xuống, đến giữa dốc để chụp, ai ngờ đường quá trơn nên lăn cù té xuống dưới. May mắn đợt đó không bị vỡ máy ảnh, tay chân chỉ hơi trầy chút xíu, người lấm lem cũng buồn cười lắm. Một đồng nghiệp của tôi có lần đi theo đoàn xe địa hình, trong lúc lao ra chụp bánh xe của chiếc xe đi qua hố, vô tình xe đó tăng tốc, mọi người chạy kịp, bạn đó không may bị bất ngờ té một vòng lao xuống suối luôn. Lần đó ai cũng giật mình, may mà không xảy ra tai nạn, nhưng đó cũng là dấu ấn sâu đậm khiến các tay chụp ảnh như tôi cần cẩn thận hơn”, anh kể.
Offroad qua ống kính người mê xe 5
Khi được hỏi điều gì là cần thiết cho một tay chụp ảnh offroad đẹp, anh không ngần ngại chia sẻ: “Muốn chụp ảnh đẹp thì phải hiểu về môn thể thao mình đang chụp hoặc chủ đề mình sẽ chụp. Tôi may mắn đam mê offroad. Điều thứ hai là tôi có 2 chiếc xe để có thể chủ động chạy theo đoàn xe phía trước hoặc không sợ bị bỏ lại phía sau khi đang chờ đợi khoảnh khắc đắt giá của chiếc xe lao qua vật cản. Nhiều khi trong rừng đường khó, cả một cuộc đua dài 80 km nhưng đi 1 tuần mới ra khỏi vì xe cứ nhích dần từng chút vì lầy lội, vì dốc lao vực hiểm trở... nên nếu mình không có xe riêng, phải đi nhờ xe của người khác thì khó có thể tự do chụp theo ý mình được. Lỡ mình nhảy xuống chụp hình, xe phía trước phải chạy đi mình sẽ rớt lại phía sau đơn độc mà hành lý nếu không có sẽ rất vất vả. Và một điều cần chú ý, khi vô rừng chụp ảnh, cần phải tôn trọng tự nhiên, không nên nghịch phá, bởi mình không biết tự nhiên tiềm ẩn thứ gì bí mật, lỡ mình làm ảnh hưởng, mất cân bằng có thể tự gây họa cho bản thân. Có một lần đồng nghiệp của tôi đã bị té vỡ lá lách, hư máy ảnh vì nhún nhảy khi qua một cây cầu độc mộc do không lường trước được cây cầu sẽ gãy... Để tồn tại trong rừng phải tôn trọng tự nhiên, không nên xem rừng như ở trong nhà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.