img

Tuy nhiên, chủ đề mà Trần Bảo Minh chọn cho năm nay nằm ngoài giao ước đó. Minh bảo tự dưng đi đến đoạn này, anh muốn nói về doanh nghiệp (DN) Việt Nam trường tồn, không liên quan đến công việc mà anh đang làm. Chúng tôi nói chuyện trong tâm thế như vậy.

Năm 2023 được xác định là khó khăn lịch sử với số lượng DN tạm ngưng hoạt động cao kỷ lục; nhiều dự án của các ông chủ trong nước đã thay tên đổi chủ cho nước ngoài. Tại sao trong bối cảnh này anh lại đặt vấn đề "DN Việt Nam trường tồn"?

Vậy chúng ta hãy thử lật ngược vấn đề, nếu ở thời điểm này Việt Nam có được vài chục DN mạnh, thì nền kinh tế đã có bệ đỡ tốt hơn? Tất nhiên là vẫn khó khăn nhưng sẽ không đến mức hàng loạt DN phải bán mình như thời gian vừa qua. Bởi các DN trường tồn đều xây dựng cái móng rất vững chãi, sóng gió có thể làm rung lắc nhưng không thể sụp đổ. Còn móng của chúng ta yếu nên chỉ một cơn bão thổi qua là bị ảnh hưởng ngay lập tức. Mà một DN sụp đổ là cả một hệ sinh thái xung quanh từ đối tác, người lao động, hàng hóa, dịch vụ... bị kéo sụp theo, hệ lụy tới nền kinh tế, tới xã hội rất lớn.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 1.

Trường tồn là một cuộc chạy tiếp sức mà ở đó, anh phải đủ bản lĩnh, đủ niềm tin để "giao gậy" cho người phía sau

Vì sao "cái móng" của DN Việt Nam yếu và biểu hiện cụ thể như thế nào?

Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam trong một thời gian ngắn đã hình thành khá nhiều ông chủ do sự may mắn. Là nước có dân số lớn, có thời kỳ chỉ làm ra một vài sản phẩm bánh trái hay cái vành xe đạp... cũng có thể giàu lên rất nhanh. Trong đó, một số đã trở thành những công ty khá lớn. Nhưng ngay cả khi lớn rồi, họ vẫn làm đến đâu biết đến đấy, thậm chí có những đoạn không biết nên đi như thế nào. Vì thế gặp khó khăn, họ có thể bán phắt DN của mình. Số này không ít.

Cũng có những ông chủ có tư duy cha truyền con nối, nên con cái không muốn kế nghiệp thì khi đối mặt với sóng gió họ cũng không đủ động lực để "chiến đấu" giữ DN. Nhưng khi mình tạo ra nó, tâm huyết và trí tuệ đặt vào đó thì không nhất thiết phải con mình, cháu mình điều hành, DN mới là của mình. "Tôi là một phần của nó, nó là một phần của tôi và nó là của người dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam" - đó mới là tư duy lớn. Và nếu đặt tâm thế như vậy, họ sẽ lên một chiến lược đường dài cho nó chứ không dễ dàng buông tay.

Lại có những người, tạo dựng được DN, cũng có khát vọng đi xa nhưng không dám đột phá, không dám thay đổi, không tạo ra khác biệt thì đường dài cũng rất khó để cạnh tranh. Ví dụ như công nghệ, lứa già như chúng ta đều không giỏi nên cứ nói đến đầu tư vào những cái này là nhiều người cảm giác mất đi và nhất định không. Thôi cứ làm bằng tay, ghi sổ làm sao nhìn thấy được... mới an tâm. Nhưng trong thời đại công nghệ hiện nay, phải kiểm soát bằng KPI, số hóa thì mới nói đến chuyện mở hàng trăm thị trường, phát triển ra hàng trăm quốc gia trên toàn cầu chứ mình cứ quản trị bằng excel thì làm sao đi xa được? Cái này không phải đúng sai nhưng nó sẽ hạn chế con đường phát triển của DN, nhất là tính đến việc xây dựng DN hàng trăm năm, DN trường tồn...

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 2.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 3.

Thật ra chủ động dừng cuộc chơi trong nhiều trường hợp không hẳn là tiêu cực. Nếu sáp nhập, sang nhượng công ty để tiếp tục phát triển, giữ được công ăn việc làm cho người lao động cũng là một lựa chọn khôn ngoan, nhất là trong thế giới phẳng hiện nay?

Để tôi kể cô nghe, cách đây khoảng 1 năm tôi tham dự một bữa ăn với hơn chục ông chủ DN, tất cả đã sang nhượng công ty, cầm trong tay cả ngàn tỉ đồng đi mua đất chờ thời. Có thể đầu tư vào bất động sản cho lợi nhuận lớn, thậm chí rất lớn nhưng lợi ích đó chỉ một hay một vài cá nhân hưởng. Còn làm sản xuất thì hàng ngàn, hàng chục ngàn người trong chuỗi giá trị hưởng lợi. Ví dụ Nutifood đâu chỉ tạo công ăn việc làm cho 4.000 - 5.000 con người mà còn hàng trăm công ty đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho chúng tôi, kéo theo đó là hàng ngàn, chục ngàn con người. Cũng như việc chúng tôi tặng TP.HCM cây cầu trị giá hàng ngàn tỉ đồng bắc qua sông Sài Gòn. Bỏ qua những suy nghĩ võ đoán kiểu "ông này xây cầu chắc muốn đổi chác cái gì đó", tôi khẳng định lại lần nữa, chẳng đổi cái gì đâu. Thuần túy là chúng tôi muốn xây, muốn tặng, muốn tri ân TP, tri ân người tiêu dùng thôi. Vậy đặt trường hợp Nutifood giàu gấp 10 lần hiện nay thì có thể tặng 10 cây cầu. Và nếu vài chục công ty như vậy thì đất nước này có thêm vài chục, thậm chí hàng trăm cây cầu, có phải tốt hơn không? Ý tôi là một DN thành công, mạnh lên thì càng nhiều người được hưởng lợi, đóng góp cho đất nước càng lớn. Đó chính là giá trị mà các DN trường tồn mang lại.

Quan trọng hơn, họ phải hiểu đó là cơ hội mà đất nước này tạo ra, họ may mắn có được cơ hội đó thì phải làm cho nó lớn lên, mang lại nhiều nguồn lợi cho đất nước thay vì bán đi mua đất rồi ngồi rung đùi hưởng thụ chứ?

Còn mua bán sáp nhập DN, tất nhiên không hẳn là không tốt. Nhưng một DN Việt thành công khác một công ty nước ngoài thành công ở đây. DN Việt Nam thành công mới xây cầu tặng cho người dân đi chứ công ty nước ngoài thành công thì về xây cầu ở nước họ chứ, đúng không?

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 4.

Có thể đầu tư vào bất động sản cho lợi nhuận lớn, thậm chí rất lớn nhưng lợi ích đó chỉ một hay một vài cá nhân hưởng. Nhưng sản xuất thì hàng ngàn, hàng chục ngàn người trong chuỗi giá trị hưởng lợi.


Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 5.

Tôi nghĩ các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới có lẽ đều trải qua giai đoạn đầu tương tự như Việt Nam, cũng sẽ có những DN ra đời nhờ sự may mắn, có những DN bắt đầu từ nền tảng hết sức khiêm tốn. Vậy tại sao Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn có các DN trăm năm; Mỹ, châu Âu có những tập đoàn vài trăm năm còn chúng ta thì chưa?

Chính xác. Nhưng đến một giai đoạn, họ có bước chuyển mình, đó là xây dựng quản trị công ty mà trong đó, có hay không có họ nó vẫn tồn tại. Điều này rất quan trọng để một DN trường tồn. Trường tồn là một cuộc chạy tiếp sức mà ở đó, anh phải đủ bản lĩnh, đủ niềm tin để "giao gậy" cho người phía sau.

Lịch sử của các DN trường tồn ở phương Tây có những sự khởi đầu chúng ta không hình dung nổi. Nó có thể chỉ là một người buôn nhỏ, chỉ từ một cửa hiệu khiêm tốn lấy hàng về giao cho khách. Chắc chắn, ông chủ đầu tiên đó không thể "vẽ" ra một đại công ty có mặt ở hàng trăm nước, phát triển hàng trăm năm như hiện nay. Ông ấy cũng chỉ hình dung một đoạn ngắn thôi, còn đi xa hơn nữa là phải "giao gậy" cho người khác chạy tiếp. Người đằng sau có thể là một tư duy hoàn toàn khác; có thể nhìn cơ hội, nhìn vấn đề hoàn toàn khác, không giống như suy nghĩ của mình nhưng chúng ta phải hiểu, yêu cầu của mỗi thời mỗi khác và phải chấp nhận sự khác biệt đó để tự tin "giao gậy" cho người ta. Chứ cứ thập thò, nay giao mai lấy lại thì DN cũng không thể đi xa được. Giống như cho con tự do nhưng lại cử người theo dõi xem nó đi với ai, có làm đúng thứ mình muốn hay không thì rất khó để đứa trẻ tự lập.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 6.

Một doanh nghiệp thành công, mạnh lên thì càng nhiều người được hưởng lợi, đóng góp cho đất nước càng lớn. Đó chính là giá trị mà các DN trường tồn mang lại.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 7.

Thời gian gần đây, thế hệ trẻ của đất nước, thế hệ thứ 2 ở nhiều gia tộc kinh doanh đã chính thức lộ diện. Họ là những người sinh ra khi đất nước đã mở cửa, đã hội nhập. Họ được đi du học, tiếp thu kiến thức, tư duy mới, hiện đại ở các nền kinh tế phát triển. Chúng ta có quyền kỳ vọng họ chính là những người sẽ nhận cây gậy để chạy tiếp sức cho những khát vọng mà thế hệ đi trước đang nỗ lực?

Đúng là có một lớp trẻ hiện nay có trình độ, tư duy hiện đại và có nhiều cơ hội để tiếp nối. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để một công ty trường tồn là phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức. Đạo đức ở đây là hiểu và nhận thức được vai trò của một DN, những giá trị mà DN đó tạo ra cho xã hội, cho đất nước thay vì bị cám dỗ bởi vật chất. Cái này cần có thời gian. Cũng như chúng ta, mấy chục năm trước mục tiêu làm việc có thể chủ yếu vì tiền bạc, mưu sinh. Nhưng trưởng thành hơn một chút thì giá trị gia đình, giá trị cho cộng đồng, cho xã hội quan trọng hơn. Nghĩa là nhận thức của mình tăng dần. Người trẻ, nếu được giao trọng trách khi nhận thức chưa đủ để hiểu rằng có những giá trị lớn hơn tiền bạc sẽ nhanh chóng bị cám dỗ. Họ có thể biến lợi thế mà họ được trao gửi thành vật chất: Mua thêm cái du thuyền, tậu chiếc siêu xe, mua biệt thự khắp nơi thay vì phát triển DN để hàng ngàn, vài chục ngàn con người được hưởng lợi. Nếu anh lấy vật chất làm kim chỉ nam thì ngay lập tức sẽ kéo cơ hội của công ty đi xuống. Lịch sử thế giới cho thấy chưa có công ty nào hàng trăm năm mà người chủ chỉ có mục tiêu vật chất.

Ngược lại, nếu người được trao cơ hội hiểu rõ khát vọng lẫn hạn chế của thế hệ trước, hiểu rõ vai trò của mình thì họ sẽ tiếp gậy và chạy nhanh về phía trước. Điều này đã được chứng minh bởi nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, kể cả các nước phương Tây.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 8.

Trong cuốn Xây dựng để trường tồn (Built to Last), dựa trên nghiên cứu quá trình thành lập, tăng trưởng và phát triển của các công ty như Hewlett-Packard, Motorola, Procter & Gamble, Merck, Sony, Disney, Marriott, Wal-Mart, tác giả kết luận các công ty biết nhìn xa trông rộng đó đều có độ tuổi hoạt động trung bình gần 100 năm và vận hành bền vững. Tôi thấy nhiều DN Việt Nam hiện nay cũng có khát vọng lớn, tầm nhìn xa, theo anh, họ cần thêm yếu tố gì nữa để đi tới 100 năm, 200 năm?

Niềm tin. Ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều người tin vào những điều xấu xí, tiêu cực. Ví dụ Nutifood xây cầu tặng TP.HCM nhưng đọc bình luận ở dưới toàn xấu. Ai cũng nghĩ công ty này đang mưu cầu đổi chác lợi ích gì đó mà không ai nghĩ đấy là điều tốt cả. Cũng như làm từ thiện, tất nhiên cũng có những người làm từ thiện có mục đích khác, thậm chí lừa đảo nhưng không phải ai làm từ thiện cũng xấu hết. Đứng trước điều tốt đẹp mà mình nghĩ nó xấu là do thiếu lòng tin.

Nếu anh có niềm tin đối với thị trường, tin vào sự phát triển của đất nước thì anh sẽ nỗ lực để xây dựng DN, tạo ra sản phẩm, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho xã hội. Ngược lại, nếu không có niềm tin, anh sẽ dễ dàng bán công ty, ôm tiền "lướt sóng" đất đai kiếm lời.

Tôi cho rằng niềm tin là yếu tố rất quan trọng ở thời điểm hiện nay. Chúng ta phải tin vào điều tốt đẹp trong cuộc đời này. Đã làm ăn, phải tin vào đối tác, rằng họ luôn luôn hợp tác để chuỗi giá trị ngày tốt hơn. Niềm tin giữa nhân viên với ông chủ và ông chủ với nhân viên, niềm tin giữa người với người... Muốn đất nước này thay đổi tích cực thì phải có niềm tin, muốn DN trường tồn cũng phải có niềm tin.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 9.
Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 10.
Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 11.

Bên cạnh đó vẫn cần gia cố cái móng đang còn yếu để vượt qua những cơn đại hồng thủy như mấy năm vừa rồi, để đi xa hơn nữa chứ?

Chắc chắn rồi. Một DN muốn đi xa, trước khi nói đến xây lên cao thì phải lo đúc móng. Muốn xây lên 1 tầng ở trên thì phải đào xuống dưới 2 tầng. Xây móng có thể không cho ngay kết quả, cũng có thể không ai nhìn thấy nhưng đó là gốc rễ, là tường thành vững chắc mà đến khi bão tố, thậm chí là sóng thần ập đến khiến các DN khác rung lắc, thậm chí sụp đổ thì mình vẫn vững chãi.

Thực tế có nhiều DN đã từng rất tốt, đạt được thành tựu rất lớn nhưng ngủ quên trên chiến thắng, chỉ lo xây tầng cao để khoe thôi mà quên gia cố cái móng. Nên khi có khủng hoảng xảy ra không thể trụ lại được. Rất đáng tiếc!

Ngày nay, người ta có thể đi nhanh hơn do sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Từ Việt Nam, DN có thể bán qua Mỹ, bán đi khắp thế giới. Nhưng tích lũy công nghệ, tích lũy kinh nghiệm, tích lũy tài chính vẫn là những bước không thể bỏ qua. DN Việt Nam khát vọng tràn đầy nhưng thiếu chiều sâu thì khó có thể phát triển bền vững, khó có thể đi xa được. Ý nghĩa của sự trường tồn chính là chiều sâu của DN.

Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood: Rất nhiều doanh nghiệp thực sự muốn đóng góp cho đất nước- Ảnh 12.

Trở lại với câu chuyện "DN Việt Nam trường tồn", chắc chắn khi đưa ra chủ đề này, anh hẳn đã nhìn thấy chúng ta có những cơ hội để tạo dựng đội ngũ những DN như vậy chứ?

Với 100 triệu người, đang ở giai đoạn dân số vàng, Việt Nam vừa là nhà sản xuất vừa là thị trường tiêu thụ tiềm năng, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra giá trị lớn cho tương lai.

Chúng ta cũng không thiếu những DN có khát vọng, thậm chí khát vọng rất lớn, truyền cảm hứng. Tôi cũng nhìn thấy khát vọng được làm một cái gì đó cho đất nước này của nhiều DN, doanh nhân, của nhiều người trẻ hiện nay. Có thể từ đáy khủng hoảng đã thổi bùng ngọn lửa được đóng góp, được cống hiến. Đã qua rồi cái thời mua thêm cái xe, cái nhà là niềm vui, nhiều DN thực sự rất muốn được làm gì đó cho đất nước. Điều quan trọng là bên nhận đóng góp, là nhà nước, là Chính phủ tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thuận tiện để DN có cơ hội cống hiến. Ở thời điểm này, những điều đó đã và đang ngày càng rõ ràng và chúng ta có quyền đặt những viên gạch đầu tiên cho sự trường tồn của một thế hệ DN ở tương lai.

***

Cuộc trò chuyện của chúng tôi không giống một cuộc phỏng vấn. Trần Bảo Minh có nhiều trăn trở và tôi cố gắng sắp xếp lại một cách mạch lạc nhất, chuyển tải chân thực nhất những suy nghĩ của anh. Chuyện một DN Thái Lan, 10 năm trước "chỉ lớn hơn Nutifood một xíu thôi" nhưng nay đi khắp nơi, mua lại các công ty trong khu vực và cả Việt Nam. Chuyện không ít DN trong nước, có cơ hội trường tồn nhưng lại chọn con đường ngắn nhất để đi đến giàu có. Những khát vọng truyền cảm hứng dù mạo hiểm; Những cơ hội xây móng vững chắc cho một chặng đường phía trước... Có gì đó nuối tiếc, có gì đó sốt ruột và có cả những kỳ vọng về một thế hệ DN Việt Nam trường tồn mà Trần Bảo Minh nhìn thấy được, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam và thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.