Hàng mã “hàng hiệu”

28/08/2010 09:36 GMT+7

Mùa “xá tội vong nhân”, hàng mã đã “nâng cấp” lên mức “hàng hiệu”: không chỉ nhà lầu, xe hơi mà đã xuất hiện tivi LCD, Iphone, biệt thự, nhà vườn, thậm chí siêu mẫu, hoa hậu...

Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Tô Ngọc Vân, Q.Thủ Đức, TP.HCM, cơ sở của ông T.T. chất cao ngất từng đống giấy vàng mã các loại, đủ loại hàng mã từ lớn đến nhỏ sặc sỡ sắc màu. Người ra vào mua hàng tấp nập, từng chồng giấy vàng mã, đồ hàng mã được chất lên xe gắn máy chở đi các nơi.

Từ nhà lầu, xe hơi

Ông T. được giới sản xuất hàng mã ở TP.HCM phong tặng “danh hiệu” nhà thiết kế thời trang cho người cõi âm vì ông chuyên làm theo đơn hàng mã cao cấp, thiết kế theo ý của các “đại gia”, những người khá giả gửi tặng người thân nơi suối vàng.

Ông cho biết từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, lượng khách đến đặt mua giấy vàng mã và các loại hàng mã cao cấp để đốt cho người cõi âm có phần nhộn nhịp hơn mùa này năm trước.

Ông giới thiệu trọn bộ đồ cưới cho người cõi âm có giá ngót nghét 5 triệu đồng, do một bà khách đặt hàng cho cô con gái cưng đã chết bốn năm trước.

Ông T. giải thích: “Khách đặt hàng này khó tính lắm. Trả đi trả lại hai lần rồi, bà này là giám đốc một công ty bên Bình Dương, đi xem thầy bói ổng phán cô con gái của bà dưới đó năm nay 20 tuổi, đã đến tuổi lập gia đình. Nhưng do không có quần áo cưới, vàng bạc, xe đưa rước dâu... nên chưa thể kết hôn. Nếu kết hôn thành công, cô ta sẽ được đầu thai. Thầy khuyên bà phải đặt may đồ cưới thời trang, sắm vòng vàng, nhẫn cưới càng giống thật càng tốt... và gửi xuống cho cô đúng dịp tháng 7 này”.


Bày cúng, đốt vàng mã để cầu buôn may bán đắt - Ảnh: Đ.Thanh

Một cặp vợ chồng ăn mặc khá sang trọng đến đưa một xấp giấy vẽ mô hình chiếc xe Jeep đồ chơi, một lon sữa ngoại và vô số món đồ chơi của trẻ em.

“Đây là những món đồ chơi mà khi con tôi còn sống rất thích. Dịp này cúng cho nó đồ chơi ở âm phủ cho đỡ cô đơn. Làm gấp giùm tụi tui, bao nhiêu tiền cũng được” - ông chồng nói.

Còn tại khu kinh doanh vàng mã, hàng mã cao cấp trên đường Chu Văn An, Q.6, những ngày này tấp nập xe hơi, xe gắn máy đến mua hàng với khối lượng lớn. Tại cửa hàng V, hàng chục bao tải tiền, vàng mã và các loại đồ “độc” như xe hơi đời mới, nhà biệt thự, nhà vườn... từ nhỏ đến to như thật được bà chủ giới thiệu là những loại hàng “nóng” đang rất hút khách hiện nay.

"Việc đốt vàng mã lẫn hàng mã không có trong giáo lý nhà Phật, đó chỉ là tập tục của văn hóa phát sinh sau này. Giáo hội Phật giáo VN đã triển khai đến các chùa, tăng ni tuyên truyền, giải thích cho phật tử hiểu và không đốt vàng mã lẫn hàng mã tràn lan gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường"
(hòa thượng Thích Nhật Quang - chánh thư ký ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM)

Giá một bộ hàng từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng. Bình dân thì có áo sơmi, quần tây các loại kèm điện thoại di động hộp quẹt Zippo, dây nịt Lacoste... có giá 200.000-500.000 đồng.

Đến LCD, Iphone 4G

“Dạo này khách có xu hướng hỏi những loại hàng điện tử cao cấp để gửi người cõi âm nên cửa hàng bọn tôi cũng phải cố gắng làm những loại hàng đang “nóng” ngoài đời như tivi siêu mỏng, Iphone 3G, 4G loại có cả đèn nhấp nháy càng giống thật thì càng đắt hàng” - ông Hòa, chủ cửa hàng P, nói.

 Theo ông Hòa, hàng “độc chiêu” được khách đặt hàng nhiều nhất năm nay là hình nhân của các mỹ nhân, siêu mẫu, hoa hậu… làm bằng giấy cứng và nhiều vật liệu khác rất tỉ mỉ, công phu giống y như người thật ngoài đời.

“Hàng này phải đặt mới có, giá thành khá cao, có hình nhân người mẫu lên đến vài triệu đồng vì đòi hỏi công thiết kế rất khó, phải giống y như người thật. Vậy mà từ đầu tháng đến nay, khách đặt hàng đặt đông đến độ chúng tôi làm không xuể. Mới có ông đến đặt 10 triệu đồng làm ba hình nhân giống y chang ba người mẫu, diễn viên nổi tiếng để đốt cúng cho ông bố vừa quá cố vì nghe nói ông bố khi sống rất thần tượng những người này” - bà Thu Hà, chủ cửa hàng bán hàng mã Ngân trên đường Trần Hưng Đạo, tiết lộ.

Tại khu chợ Xóm Chiếu, Q.4, một trong những đầu mối cung cấp hàng mã lớn của TP, khá tấp nập người mua kẻ bán. Khách đến mua hàng mã được các chủ tiệm săn sóc khá chu đáo, kiêm luôn việc “tư vấn” nên cúng, nên đốt như thế nào cho khách có nhu cầu.

Chủ một số tiệm hàng mã tại đây cho biết tháng 7 âm lịch năm nay lượng khách đến mua giấy vàng mã, các loại hàng mã là các công ty, doanh nghiệp nhiều hơn hẳn các năm trước.

Đâu cần đốt hàng mã

Bà Thu Hà - chủ cửa hàng quần áo thời trang trẻ em trên đường Nguyễn Văn Nghi, P.5, Gò Vấp - nhận xét: “Những năm trước, mỗi dịp rằm trên mâm quả để cúng bao giờ tôi cũng mua thêm vài xấp tiền, vàng mã và có thêm hàng mã để đốt. Sau này đọc báo thấy các nhà sư có dạy đốt tiền, vàng mã vừa gây lãng phí, không đúng với giáo lý nhà Phật vừa có nguy cơ gây cháy nhà. Bây giờ, trên mâm cúng gia đình chúng tôi không đốt vàng mã lẫn hàng mã nữa. Tất nhiên, công việc làm ăn của gia đình vẫn tốt”.

Bà Thu Hồng - thợ may, ngụ đường Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3 - cho biết: “Gia đình chúng tôi theo đạo Phật từ nhiều đời, việc đốt vàng mã truyền từ ông bà, cha mẹ rồi đến đời tôi. Nhưng gần đây tôi không đốt vàng mã hay hàng mã nữa vì bản thân tôi cũng nhận thấy lãng phí và vô nghĩa. Giáo lý nhà Phật cũng không dạy phật tử đốt vàng mã. Tôi thường đi các chùa những ngày cúng rằm, các thầy đều khuyên phật tử không nên đốt vàng mã vì người đã mất sẽ không hưởng lợi gì mà chỉ hao tổn vô ích”.

H.N.N. ghi

Ông Lý Thành, chủ một tiệm vàng mã ở đây, cho biết vừa có một chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ trang trí nội thất ở quận 5 đến đặt hàng mười thùng giấy vàng mã, 10 ôtô đời mới cùng... vài khu đô thị loại lớn khá hoành tráng với tổng số tiền gần 20 triệu đồng để cúng cô hồn, giải xui cho công ty.

Đốt từ nhà ra hẻm

“Từ đầu năm đến nay làm ăn xúi quẩy quá. Đi coi thầy bói được phán là bị vong hồn đeo, phải cúng vào tháng 7 này mới gỡ được. Tui đi đặt hết 3 triệu đồng tiền giấy vàng bạc, một số đồ hàng mã để cúng mong xóa được vận đen” - bà Ngô Thị Thu Hòa, chủ cửa hàng quần áo thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám, vừa đốt cả cọc vàng mã vừa nói.

Gần đó, một người đàn ông hì hục vác khệ nệ từ trong nhà một căn biệt thự cao hơn 1m cùng một số tủ lạnh, tivi, bàn ghế… bằng giấy. Hai cọc giấy vàng mã được đốt trước, sau đó là đống đồ hàng mã được đốt sau.

Đầy vẻ tự hào, ông nói: “Nhà cũng chẳng khá giả gì nhưng đến rằm tháng 7 hằng năm phải cúng cho đứa con đã mất. Mong nó được ấm lòng, cuộc sống đầy đủ, không thua kém người khác nơi suối vàng”.

Không khí cúng rằm “muộn”, cúng cô hồn tại nhiều công ty, xí nghiệp cũng không kém phần nhộn nhịp. Ông N.H.H. - giám đốc Công ty du lịch TM trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp - hào hứng tuyên bố vừa chi 15 triệu đồng để mua giấy tiền vàng bạc và đồ hàng mã... để cúng cô hồn, vong nhân đang lẩn khuất tại... công ty mong phù hộ cho việc làm ăn phát đạt.

Chiều 26-8, tại chi nhánh một ngân hàng lớn trên đường Lý Thường Kiệt, tất cả nhân viên cùng trưởng chi nhánh xì xụp cúng bái và đốt cả cọc giấy tiền vàng bạc. “Thấy mấy chi nhánh khác cũng cúng, cũng đốt thì mình cũng làm. Thôi kệ, biết đâu gặp may mắn…” - trưởng chi nhánh nói.

Nhiều con đường vùng ven TP.HCM như Lê Văn Khương, Nguyễn Văn Quá, Tô Ký… cũng khá nhộn nhịp chuyện cúng cô hồn, đốt hàng mã. Có nơi hàng loạt nhà cùng cúng, cùng đốt, khói bay mù mịt. Đốt hai xấp vàng mã, một bộ đồ hàng mã gồm quần áo, xe SH… cho cô con gái vừa qua đời cuối tháng 6-2010 vì tai nạn giao thông, bà T.T.M.N, ở trọ trên đường Tô Ký, huyện Hóc Môn, than thở: “Lương công nhân ba cọc ba đồng nhưng cũng phải ráng vay mượn gần 1 triệu đồng để sắm sửa đủ bộ hàng mã các loại cho con gái cưng vào dịp này. Tháng sau xài dè sẻn, dành dụm lương trả nợ”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.