Hà Nội khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên

26/09/2010 00:10 GMT+7

Sáng qua 25.9, UBND TP Hà Nội tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tham dự lễ khởi công.

Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, là dự án vận tải hành khách công cộng lớn nhất trên địa bàn thủ đô từ trước tới nay, với tổng số tiền đầu tư trên 18.000 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD).

Theo thiết kế, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 5 quận, huyện là huyện Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình và theo lộ trình: Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội. Trong tổng số 12,5 km, có 8,5 km đường đi trên cao (từ ga Nhổn - Minh Khai - Phú Diễn - Cầu Diễn - Lê Đức Thọ - Đại học Quốc gia - Chùa Hà - Cầu Giấy) và 4 km chạy ngầm (đi qua ga Kim Mã - Cát Linh - Văn Miếu - ga Hà Nội).

Tuyến đường sắt số 3 có 12 nhà ga, trong đó có 4 ga ngầm và 8 ga nổi. Đường ray sẽ được thiết kế khổ 1,435m, tốc độ trung bình tàu đạt 37 km/giờ, vận tốc lớn nhất đạt 80 km/giờ. Tàu đường sắt đô thị sẽ có 4 toa, mỗi toa dài 20m và một cabin hai chiều. Thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến mất 20 phút, mỗi chuyến vận chuyển được 900 lượt khách.

5 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt:

- Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh): kết nối khu vực ngoại thành phía đông bắc và nam Hà Nội.

- Tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình): xương sống cho khu vực đô thị.

- Tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội): nối khu vực phía tây với phía nam Hà Nội.

- Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh): là tuyến kết nối với tuyến số 1, 2, 3 và 5.

- Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc): kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc hành lang Láng - Hòa Lạc.

Ông Ngụy Như Nguyện, Trưởng phòng dự án thuộc Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết trạm trung chuyển (depot) của cả tuyến sẽ được xây dựng trên diện tích 15,5 ha, nằm ở khu vực đường 70 (đoạn từ Nhổn rẽ vào trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) với 17 tòa nhà, bao gồm các hạng mục chính như xưởng bảo dưỡng, xưởng đại tu, khu vực nhà kho, bãi tập kết toa xe, máy rửa, máy tiện bánh xe… Depot có sức chứa tối đa lên tới 24 đoàn tàu loại dài tới 100m.

Cũng theo ông Nguyện, khi tiến hành việc thi công tuyến số 3, nhà thầu sẽ sử dụng công nghệ đào ngầm của châu u, ráp nối bằng các phân đốt đúc sẵn. Việc thi công 4 km đi ngầm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giao thông, môi trường, đồng thời không gây hại nhà dân và các công trình khác trên mặt đất.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sau khi đi vào sử dụng sẽ đáp ứng được một lượng lớn nhu cầu đi lại của người dân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. "Trong tương lai, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị dài 284 km, kết nối với 8 đô thị vệ tinh. Hiện 5 tuyến đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt và thành phố đã đề xuất thêm 3 tuyến", ông Thảo nói.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị thực hiện đúng yêu cầu về kiểm tra, giám sát để dự án được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhằm tới năm 2015 đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội vào hoạt động. “Đẩy mạnh giao thông công cộng là yêu cầu bức xúc, sự trông đợi hằng ngày của nhân dân. Song song với dự án này, Hà Nội cần tìm mọi cách để khởi công các dự án giao thông công cộng khác. Chính phủ đã phê duyệt 5 tuyến đường sắt đô thị nhưng hiện mới chỉ có một tuyến được khởi công", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.