Kiểm định chất lượng giáo dục: Để cho các tổ chức ngoài Bộ làm

01/12/2010 22:27 GMT+7

Xung quanh những bất cập về kiểm định chất lượng giáo dục như đã phản ánh trên các số báo trước, PV Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn GS Nguyễn Quang Toản - Viện trưởng Viện Kiểm định và phát triển chất lượng, Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM.

Nhiều nước đã làm

Bộ GD-ĐT đang tiến hành đổi mới công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD). Theo đó, Nhà nước sẽ thành lập 3 tổ chức KĐCLGD và sẽ giao cho các tổ chức này triển khai việc đánh giá ngoài. Vậy theo ông, quy trình kiểm định như vậy đã thực sự độc lập, khách quan chưa?

Theo tôi, việc giao cho các tổ chức KĐCLGD đánh giá ngoài là đúng vì như vậy mới khách quan. Tuy nhiên, nếu là tổ chức do Bộ GD-ĐT thành lập thì sẽ không độc lập được. Bởi đã là tổ chức của Bộ thì không thể kiểm định được Bộ. Ví dụ: có thể những chủ trương do Bộ ban hành không được phù hợp lắm nhưng sẽ không được nói ra, vì vậy Bộ GD-ĐT không nên thành lập 3 tổ chức này. Hãy để cho các tổ chức kiểm định của tư nhân, tập thể hoặc các tổ chức khác không thuộc Bộ GD-ĐT làm. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ công nhận kết quả của các tổ chức này. Nếu tổ chức nào làm không tốt sẽ không được công nhận. Như vậy mới khách quan được. Trên thế giới rất nhiều nước đã làm rồi, chúng ta nên học tập. Nếu Bộ thành lập các tổ chức này để tự công nhận nhau thì các tổ chức đó chưa chắc đã được thế giới công nhận.

Nếu có nhiều tổ chức được thành lập thì tự nó sẽ loại trừ lẫn nhau. Đơn vị muốn kiểm định sẽ được lựa chọn. Khi họ tin tưởng tổ chức nào thì họ sẽ thuê. Còn nếu chỉ có tổ chức của nhà nước thì dù không tin họ cũng vẫn phải thuê

Nhưng thưa ông, trong giai đoạn hiện nay chúng ta chưa có một tổ chức nào thực hiện công việc này. Vậy Nhà nước đứng ra thành lập các tổ chức đó thì sẽ có uy tín và tập hợp được trí tuệ của  nhiều người hơn?

Theo tôi lý thuyết này không đúng.  Những tiêu chuẩn về đơn vị chứng nhận và đơn vị công nhận thế giới đã có rồi. Chúng ta buộc phải thực hiện nó thì mới hội nhập được. Nếu chúng ta không làm ngay mà cứ lần chần như thế này sẽ còn kéo dài mãi tình trạng thiếu hội nhập của nền giáo dục. Nói về độ tin cậy thì ai dám chắc các tổ chức do Nhà nước thành lập có uy tín hơn. Nếu có nhiều tổ chức được thành lập thì tự nó sẽ loại trừ lẫn nhau. Đơn vị muốn kiểm định sẽ được lựa chọn. Khi họ tin tưởng tổ chức nào họ sẽ thuê. Còn nếu chỉ có tổ chức của nhà nước thì dù không tin họ cũng vẫn phải thuê.

Cần khách quan, minh bạch

Liệu để các tổ chức tư nhân mới thành lập đứng ra thực hiện có đáng tin cậy không?

Tôi muốn lưu ý rằng 6 tổ chức KĐCLGD nổi tiếng ở Mỹ đều là tư nhân hết. Vấn đề là phải tuân theo luật pháp. Bộ GD-ĐT chỉ cần ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định, các trường sẽ phải làm theo. Việc các trường làm theo hay không thì có các đơn vị KĐCLGD đánh giá. Trong các đơn vị này, Bộ chỉ công nhận những đơn vị đạt chất lượng. Như vậy, theo quy luật của thị trường, những đơn vị tốt sẽ được thừa nhận và tăng uy tín. Những tổ chức làm bậy sẽ bị loại trừ. 

Vậy theo ông, hiện nay ở Việt Nam có thể  thành lập được những tổ chức kiểm định ngoài Bộ GD-ĐT có uy tín hay không?

Theo tôi có rất nhiều đơn vị có thể thành lập được các tổ chức kiểm định, ví dụ:  Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập, Hiệp hội giáo chức, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan truyền thông… đại diện quyền lợi của khách hàng, người học… Nếu các tổ chức đó hoạt động một cách nghiêm túc sẽ được các tổ chức có uy tín hoặc Bộ GD-ĐT công nhận kết quả kiểm định của mình. Việc công nhận nên tiến hành theo tiêu chuẩn ISO của thế giới. 

Hiện Bộ đang lấy ý kiến để sửa đổi quy trình  KĐCLGD trong đó có bổ sung quy định: Trước khi công khai kết quả, hội đồng KĐCLGD sẽ gửi kết quả này về các trường để lấy ý kiến phản hồi. Điều đó có cần thiết không, thưa ông?

Điều  đó là cần thiết. Nó làm minh bạch quá trình kiểm định. Các nước trên thế giới cũng làm như vậy. Nếu các trường không đồng ý thì các tổ chức kiểm định phải làm thế nào thuyết phục được họ để họ vẫn bảo lưu kết quả. Tuy nhiên, đó là trường hợp do các tổ chức kiểm định độc lập ngoài Bộ thực hiện kiểm định. Còn nếu là kiểm định của Bộ thì sẽ biến thành chuyện xin - cho chứ không thể khách quan, minh bạch được.

Vừa qua, một số trường tham gia kiểm định theo quy định của Bộ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được công bố kết quả kiểm định. Theo ông thời gian công bố phải mất bao lâu?

Trên thế giới, sau khi được đánh giá ngoài, không quá 30 ngày thì kết quả được công bố. Việc Bộ GD-ĐT không công bố được là vì Bộ làm thiếu khách quan nên cứ lúng túng. Theo tôi muốn khắc phục được những bất cập trong công tác này, Bộ cần tôn trọng quy tắc ba bên đó là:  nhà trường, đơn vị chứng nhận và đơn vị công nhận. Bộ chỉ cần làm tốt vai trò là đơn vị công nhận thôi. Như vậy mới khách quan, minh bạch được.

Lộ trình thành lập các tổ chức kiểm định

Theo đề án Xây dựng và phát triển hệ thống KĐCLGD đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020 của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn 2011-2015, để thống nhất quy trình đánh giá, đảm bảo sự khách quan và công bằng về kết quả đánh giá chỉ nên thành lập tổ chức KĐCLGD của nhà nước (do Bộ GD-ĐT thành lập). Giai đoạn 2016-2020, có thể hình thành các tổ chức KĐCLGD do tổ chức, cá nhân thành lập. Những tổ chức này được Bộ GD-ĐT cho phép thành lập và định kỳ cấp phép hoạt động để kiểm định trong những lĩnh vực cụ thể.

Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.