Không để tại chức thành “thứ phẩm”: Thế giới không phân biệt các loại hình đào tạo

12/12/2010 23:42 GMT+7

Các nước đều có nhiều chương trình dành cho những đối tượng khác nhau nhưng không ai dựa trên loại hình đào tạo để đánh giá năng lực của người tốt nghiệp.

PGS-TS Đỗ Huy Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) VN khẳng định: “Hai quan điểm giáo dục chủ đạo của thế giới trong thế kỷ 21 là giáo dục cho mọi người và học tập suốt đời. Do đó, ở các nước, đặc biệt là các nước phát triển, ngày càng có nhiều hình thức học để thỏa mãn điều kiện học tập của tất cả người dân”.

Một chuẩn đầu ra

Anh Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa - Giáo dục VN tại Mỹ, cho biết: “Ở Mỹ, việc học toàn thời gian (full-time) hay bán thời gian (part-time) là tùy vào lựa chọn của sinh viên (SV). Một số SV đi làm thì chọn học bán thời gian. SV toàn thời gian hay bán thời gian đều học cùng một chương trình đào tạo, chỉ khác biệt về thời gian (toàn thời gian là 4 năm tốt nghiệp cử nhân, bán thời gian từ 4-6 năm). Vì theo hệ thống tín chỉ nên SV học xong số tín chỉ quy định là được tốt nghiệp, thông thường là khoảng 120 - 130 tín chỉ cho chương trình cử nhân. Trên văn bằng không ghi chú học toàn phần hay bán phần, chỉ ghi thông tin tổng quát”. 

Đánh giá một kết quả chung cho nhiều loại hình đào tạo sẽ không gây ra tranh cãi. Tất cả loại hình đào tạo của Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Singapore...  cũng đều được thiết kế dựa trên một chuẩn đầu ra.

PGS-TS Đỗ Huy Thịnh
Giám đốc Trung tâm Đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) Việt Nam

Ngày nay có nhiều hình thức học tập: theo truyền thống (học thầy cô, sách vở, trường học), phi truyền thống (học qua mạng, radio, bưu điện)… TS Đỗ Huy Thịnh  cho rằng: “Loại hình nào cũng đều có đáp số chung là nội dung, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập như nhau… Như vậy, đánh giá một kết quả chung cho nhiều loại hình đào tạo sẽ không gây ra tranh cãi. Tất cả loại hình đào tạo của Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Singapore… cũng đều được thiết kế dựa trên một chuẩn đầu ra”. TS Thịnh cũng thông tin thêm: “Trên bằng cấp, họ chỉ ghi đơn giản là bằng tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ, chứ không ghi loại hình học tập. Chỉ có VN và vài nước trong khu vực mới ghi người học đã tốt nghiệp loại hình đào tạo. Việc ghi như vậy vô hình trung đã ngầm công nhận các loại hình đào tạo có chất lượng khác nhau”.

Cùng nhận định trên, ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Trung tâm VN Hợp điểm phân tích: “Chương trình đào tạo mà VN gọi là tại chức thì các nước tiên tiến có nhiều cách gọi khác nhau như Evening program, Part-time, Distance learning… Người học các chương trình này đều phải học, làm bài kiểm tra, thi cử và học bằng số tín chỉ với các lớp ban ngày. Chính vì thế, dù loại hình học tập khác nhau nhưng bằng cấp của họ giống nhau, không có sự phân biệt”.

Đánh giá trên kết quả học tập

Xã hội, nhà tuyển dụng ở các nước thường không để ý đến việc người lao động theo học loại hình đào tạo nào bởi bằng cấp đều có giá trị tương đương.

Anh Trần Thắng thông tin: “Khi đi xin việc, phòng tuyển dụng của công ty xem điểm học tại trường là sự khác biệt về khả năng giữa các SV. Văn bằng của các trường hơn nhau ở sự danh giá của mỗi trường. Các công ty vẫn thích chọn SV tốt nghiệp từ những trường danh giá, hoặc SV từ những trường nhỏ nhưng điểm học tốt và có nhiều kinh nghiệm”.

Theo PGS-TS Thịnh, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ thì hình thức đào tạo tại chức là dành cho những người đã đi làm, có nhu cầu học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp. Ai có điều kiện về thời gian, tiền bạc như thế nào thì lựa chọn hình thức học theo cách của mình. Chính vì vậy mà nền giáo dục ở các nước tiên tiến đã tạo được một xã hội học tập. Bất cứ ai có nhu cầu học đều có chỗ học và chọn được nơi phù hợp. Tuy hình thức học tập khác nhau, nhưng bằng cấp họ đạt được đều có giá trị như nhau. Điều này khác với ở nước ta, so với hệ chính quy, hệ tại chức thường có tiêu chuẩn đầu vào thấp hơn, nội dung và thời gian học tập ngắn hơn, và thi cử, đánh giá dễ dãi hơn, thì không có gì ngạc nhiên khi chất lượng giữa hai hệ không giống nhau. “Tạo nhiều loại hình học tập khác nhau là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu, đối tượng học tập khác nhau nhưng chuẩn đánh giá nên chỉ là một”, TS Thịnh đề nghị.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

“Vấn đề rất đáng suy nghĩ”  

Phát biểu trên diễn đàn Hội nghị giao ban Sở GD-ĐT 12 tỉnh ĐBSCL diễn ra tại Đồng Tháp hôm 11.12, ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng  Báo Thanh Niên đã có loạt  bài nói đến việc Đà Nẵng không tuyển dụng người tốt nghiệp ĐH hệ tại chức vào cơ quan nhà nước, lãnh đạo Bộ thấy “những vấn đề này rất đáng suy nghĩ”. Bộ trưởng khẳng định: “Có thể một số chi tiết cần xem xét thêm nhưng toàn thể các bài báo rất có ý nghĩa. Bộ GD-ĐT luôn trân trọng mọi đóng góp của báo chí cho ngành GD-ĐT trên mọi lĩnh vực”.

Quang Minh Nhật

Tiến tới một xã hội học tập suốt đời

“Hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa giáo dục, đào tạo trên cả ba phương diện: động viên các nguồn lực trong xã hội; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo…”.

(Trích dự thảo Báo cáo chính trị của BCH T.Ư Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng)

Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.