Hàng hiệu Made in Vietnam

03/02/2011 14:05 GMT+7

Từ một nước thuần gia công, một thập niên gần đây Việt Nam đã tự hào trở thành một trong những nhà cung ứng hàng đầu thế giới các sản phẩm quần áo, giày dép cho các hãng thời trang có thương hiệu danh tiếng toàn cầu.

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), mười năm qua sự thay đổi vị thế ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đều được các bạn hàng lớn nhất loạt đánh giá là khá ấn tượng.

Từ chỗ chỉ là quốc gia đi gia công cho Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc… đến nay các hợp đồng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã được ký kết thẳng với các thương hiệu lớn, loại bỏ được khá nhiều chi phí trung gian. Từ vị trí khá thấp, chỉ đứng thứ hạng dưới 20 của mười năm trước, nay Việt Nam đã đứng hàng thứ 7 trong danh sách các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới và đứng ở vị thế cao trong ba thị trường nhập khẩu dệt may lớn là EU, Mỹ và Nhật.

Đổ về Việt Nam

Ông Phạm Phú Cường, tổng giám đốc Tổng công ty May Nhà Bè, cho biết kể từ cuối năm 2009, các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như CK, Mango, Mark & Spencer, Yonex New York đã trở thành các nhà đặt hàng quan trọng của May Nhà Bè. “Những đơn đặt hàng nhỏ lẻ ban đầu với mục đích thăm dò đã dần chuyển sang các hợp đồng có giá trị lên đến 40-50 triệu USD/năm cho các mặt hàng bộ veston dành cho nam và nữ, áo sơmi, quần tây các loại” - ông Cường tự hào nói.

Tổng công ty may Việt Tiến cũng không kém cạnh khi hàng loạt nhãn hàng như Adidas, Nike, Guess, Gap, Armani, Perry Ellis (Mỹ), Jara (Tây Ban Nha), Next (Anh), Itochu, Mitsubishi (Nhật) đều trở thành khách hàng rất lớn của công ty với tổng kim ngạch đặt hàng lên đến hàng trăm triệu USD/năm.

Ở ngành da giày, Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình được biết đến như một trong số rất ít doanh nghiệp tư nhân đang có trong tay hàng loạt hợp đồng sản xuất giày cho rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như DC Shoes, Columbia, Checkers, hay Decathlon (Pháp).

Ông Trần Ngọc Luân, giám đốc kinh doanh, cho biết mỗi năm công ty sản xuất khoảng 16 triệu đôi giày thể thao và giày dã ngoại cho các thương hiệu nói trên, trị giá ít nhất 110 triệu USD/năm. “Không dễ để được chọn mặt đặt hàng. Nhưng càng ngày các nhà sản xuất của Việt Nam đã chứng minh được cho các thương hiệu nổi tiếng yếu tố chuyên nghiệp rất cao trong quy trình sản xuất, cũng như trình độ tay nghề, kỹ thuật thực hiện các loại sản phẩm đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật cao” - ông Luân nhận định.

Khẳng định vị thế

Ông Diệp Thành Kiệt cho rằng việc các doanh nghiệp sản xuất dệt may lẫn da giày ngày càng chủ động trong việc tìm mua nguyên liệu trong và ngoài nước đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thay đổi vị thế trong mắt các nhà đặt hàng. Từ chỗ chỉ chủ động khoảng 20-30% nguyên liệu thì nay ngành dệt may đã chủ động được trên 60% nguyên liệu các loại, ngành da giày khoảng 50%, “đủ để các nhà đặt hàng đặt niềm tin về sự chọn lựa của họ là đúng đắn” - ông Kiệt phân tích.

Mặt khác, điều khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may lẫn da giày có được tín nhiệm của nhiều thị trường nhập khẩu lớn là vấn đề kiểm soát tiến độ giao hàng. Chưa kể chất lượng và các vấn đề tuân thủ những điều kiện về môi trường, trách nhiệm xã hội, các quy định của thị trường nhập khẩu cũng được các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đầy đủ.

Theo Trần Vũ Nghi
Tuổi Trẻ Xuân 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.