Thách thức mới cho ngành hàng không

11/04/2011 23:44 GMT+7

Sau vụ máy bay thủng trần tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng cần xem lại cách xác định khi nào máy bay mới bị liệt vào dạng “hết đát”.

Hầu hết hành khách chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về tuổi thọ của máy bay dù khi đã yên vị trên ghế họ mới hơi băn khoăn khi thấy phần tay ghế có lắp thêm gạt tàn bên trong (dấu hiệu cho thấy đây là máy bay đời cũ). Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi chiếc Boeing 737 - 300 của hàng không Southwest bị xé trần cabin trong lúc ở độ cao hơn 10.000m trên bầu trời tiểu bang Arizona của Mỹ hôm 1.4.

Các dòng đời đầu của Boeing 737, gồm 737 - 300, 737 - 400, 737 - 500 đang lọt vào tầm ngắm của các cơ quan hữu trách sau khi Tập đoàn Boeing ra thông cáo đề nghị tiến hành kiểm tra thân của những máy bay đã trải qua ít nhất 35.000 chu kỳ cất cánh - hạ cánh. Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu kiểm tra gắt gao không những đối với máy bay của Southwest mà còn với tất cả các chiếc 737 - 300, 737 - 400, 737 - 500 được giao từ năm 1993 đến 2000. Chính phủ Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và một số nước khác cũng ra lệnh các hãng hàng không tăng cường kiểm soát máy bay của mình.


Chiếc Boeing 737 - 400 của Thái tử Thái Lan Maha Vajiralongkorn - Ảnh: Airplane-pictures.net
 

Một máy bay có thể hoạt động trung bình trong 10 năm, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ là đến 28 năm như tại Venezuela, theo AP. Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng số năm không phải là yếu tố quyết định để đánh giá tuổi thọ của máy bay. Điều quan trọng là số chu kỳ cất cánh và hạ cánh vì nó ảnh hưởng lớn đến áp suất lên vỏ máy bay. Các kỹ sư Boeing từng dự đoán những chiếc máy bay đời nay không cần phải trải qua kiểm tra sức chịu đựng của vỏ cho đến khi đạt được ít nhất 60.000 chu kỳ bay. Tuy nhiên, sự cố của hãng Southwest đã gây sốc cho ngành sản xuất máy bay dân dụng và các hãng hàng không. Chiếc Boeing 737 - 300 thủng trần trải qua 39.000 lần cất cánh - hạ cánh, tức 39.000 lần tăng áp và giảm áp trong 15 năm qua. Qua kiểm tra, các kỹ sư cũng phát hiện nhiều vết nứt trên thân 5 chiếc 737 - 300 cũng của Southwest dù mới trải qua hơn 30.000 chu kỳ cất cánh - hạ cánh. “Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng tuy nắm vững các cấu trúc kim loại, con người vẫn chưa biết được hết về chúng”, AP dẫn lời nhận định của Bill Voss, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ chức An toàn hàng không thế giới.

Trước tình hình trên, không ít hành khách thận trọng kiểm tra trước dòng máy bay mà họ sắp bước lên, với hy vọng nếu chọn được máy bay đời mới sẽ giảm bớt rủi ro chết người. AP dẫn lời Emily Kahn ở Portland, bang Oregon cho hay hiện cô dành nhiều thời gian xem trước lịch bay và đời máy bay khi muốn đi đâu và sẵn sàng bỏ nhiều tiền để lên được chiếc đời mới hơn. “Thật không dễ chịu chút nào khi thấy cái giá đựng tạp chí treo trên hàng ghế trước mặt bị gãy. Nó khiến tôi nghĩ rằng hãng hàng không chẳng dành nhiều thời gian để kiểm tra và bảo dưỡng máy bay”, AP dẫn lời cô Kahn nói.

Ít nhất đã có một website, địa chỉ Airfarewatchdog.com, cung cấp thông tin cần thiết cho hành khách, kèm theo chỉ dẫn làm sao để chọn được máy bay thích hợp. Hành khách cũng có thể kiểm tra hãng sản xuất cũng như dòng máy bay bằng cách gõ số hiệu chuyến bay lên các website như Flightaware.com và Flightstats.com.

Boeing 737 rất phổ biến trên thế giới

Dòng máy bay 737 của Boeing được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng không dân dụng. Theo website Airliners.net, Thái tử Thái Lan Maha Vajiralongkorn sở hữu 1 chiếc Boeing 737 - 400 do ông tự lái. Các tổng thống Peru và Chile cũng chọn Boeing 737 - 500 làm phương tiện di chuyển chính thức. Nhiều hãng hàng không của Mỹ, Nga, Indonesia, Úc và Romania cũng sử dụng các dòng máy bay Boeing 737. Theo thống kê của Boeing vào năm 2006, Boeing 737 được sử dụng rộng rãi đến mức vào bất kỳ thời điểm nào cũng có 1.250 chiếc loại này đang hoạt động trên khắp thế giới. Nếu tính bình quân, cứ mỗi 5 giây lại có một chiếc 737 cất cánh hoặc đáp trên toàn cầu.

Trong số các hãng đang sở hữu máy bay giống chiếc Boeing 737 - 300 vừa gặp sự cố của của Hãng hàng không Mỹ Southwest có hãng

Scandinavian SAS (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển), Qantas Airlines (Úc), Air New Zealand (New Zealand), UTAir (Nga), Garuda Airlines (Indonesia), Air China và 2 hãng hàng không khác cũng của Trung Quốc, theo AFP.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.