Chỉ số tín nhiệm lần đầu quá thấp vẫn bị miễn nhiệm

06/10/2012 14:58 GMT+7

(TNO) Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), HĐND bầu và phê chuẩn vừa được trình tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (TVQH) chiều nay, 6.10.

>> Sẽ thay thế cán bộ đạt tín nhiệm quá thấp
>> Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
>> Chưa thống nhất tần suất lấy phiếu tín nhiệm
>> Quốc hội sẽ quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 10

Dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình tại phiên họp cho thấy, so với bản dự thảo trước, lần này đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm mở rộng hơn.

Theo đó, ngoài các chức danh QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm gồm 49 người, trong đó có các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, QH, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm các ủy ban của QH; Hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó chủ tịch, Phó chủ nhiệm và các uỷ viên của Hội đồng, ủy ban mình với tổng số 380 người.

Tương tự, HĐND các cấp cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt; các ban của Hội đồng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ trưởng ban (gồm từ 2 đến 4 ban, mỗi ban có từ 5-15 người).

Cũng theo quy định của dự thảo Nghị quyết này, sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, Ủy ban TVQH, Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức vụ cụ thể để xem xét, xử lý theo quy trình công tác cán bộ.

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc trình bày: Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.

Đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu (ĐB) QH hoặc ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.

Với người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH hoặc ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban TVQH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm

Nội dung dự thảo Nghị quyết lần này cũng đã sửa đổi, bổ sung quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, Ủy ban TVQH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn khi có một trong các trường hợp: Ủy ban TVQH đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm; khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH; khi có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của QH; hoặc khi người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Với các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn cũng áp dụng tương tự quy định bỏ phiếu tín nhiệm như các chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

Trường hợp người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người không được QH, HĐND tín nhiệm.

Dự kiến, các quy định trên sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2013.

Chiều nay, TVQH sẽ thảo luận về nội dung dự thảo Nghị quyết trước khi trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.