Tiếng chuông Phước Kiều

05/07/2013 10:46 GMT+7

“Kể từ ngày cụ Dương Ngọc Chúc, còn có tên Dương Không Lộ, một trong những tiền hiền khai cư của làng Phước Kiều từ Thanh Hóa vào xứ Quảng làm nghề đúc đồng rồi truyền nghề lại cho con cháu để hình thành làng đúc đồng Phước Kiều, đến nay đã trên 400 năm”, nghệ nhân Dương Ngọc Sang, một hậu duệ nối nghiệp của tộc Dương kể lại.

“Kể từ ngày cụ Dương Ngọc Chúc, còn có tên Dương Không Lộ, một trong những tiền hiền khai cư của làng Phước Kiều từ Thanh Hóa vào xứ Quảng làm nghề đúc đồng rồi truyền nghề lại cho con cháu để hình thành làng đúc đồng Phước Kiều, đến nay đã trên 400 năm”, nghệ nhân Dương Ngọc Sang, một hậu duệ nối nghiệp của tộc Dương kể lại.

Làng nghề nổi tiếng này tọa lạc trên khu vực dinh trấn Thanh Chiêm xưa của Quảng Nam trấn thuộc xứ Đàng Trong (nay thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam), từng tham gia đúc các loại súng thần công từ thời các chúa Nguyễn vào mở cõi phương Nam. Năm Minh Mạng thứ 6, nghệ nhân làng Phước Kiều từng tham gia đúc tiền, ấn tín, đĩnh, vạc... cho triều đình Huế. Chỉ đến khi đổi mới, du lịch phát triển nghề đúc mới dần khôi phục. Nay cả làng có hơn 30 gia đình với hơn 100 nghệ nhân, thợ đúc trở lại nghề cũ. Bộ mặt làng nghề thay đổi, nhà thờ tổ nghệ, nhà trưng bày sản phẩm làng nghề mở ra khang trang thu hút nhiều đoàn du khách từ các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn dừng chân...

Tiếng chuông Phước Kiều
Nghệ nhân Dương Tiễn đang thao tác trong lò đúc - ẢNH: N.S.H

Nghệ nhân Dương Tiến với năng lực thẩm âm thiên phú đã được mời vào Vũng Tàu đúc đại hồng chung nặng đến 600kg. Năm 2006, công trình đúc đại hồng chung nặng 1,8 tấn của nhóm Dương Ngọc Truyền - Dương Ngọc Dũng lại một lần nữa làm rạng danh làng đúc. Ngoài ra, những người thợ tài hoa của làng nghề Phước Kiều đến nay đã đúc hơn 4.000 bộ cồng chiêng cho các buôn làng đồng bào các dân tộc vùng cao trong cả nước… Danh tiếng ấy đã góp phần đưa làng nghề trở thành điểm dừng chân của du khách trên hành trình thăm các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn tại Quảng Nam.

Phước Kiều không chỉ nổi tiếng từ nghề đúc đồng. Đó còn là cái nôi của chữ Quốc ngữ, nơi cách đây 400 năm, các giáo sĩ De Pina, C.Borri, Alexandre de Rhodes đến tu đạo và sáng tạo ra chữ viết theo lối Latinh mà chúng ta sử dụng ngày nay… Chính tiềm năng văn hóa đó, dự án  “Phát triển làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều” được UBND tỉnh Quảng Nam đề ra nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của một trong những làng nghề độc đáo, lâu đời và đặt mục tiêu đến năm 2015, làng nghề Phước Kiều sẽ hoàn thành và khai thác tốt mô hình làng nghề - du lịch, gắn sản xuất với kinh doanh; biểu diễn nhạc cụ cồng chiêng, tổ chức cho du khách tham quan các làng nghề truyền thống. Dự án kỳ vọng đến năm 2015, mỗi năm Phước Kiều sẽ thu hút khoảng 500.000 lượt khách tham quan, doanh thu của làng nghề đạt từ 22-25 tỉ đồng/năm, tăng thu nhập cho lao động của làng nghề từ 15 triệu đồng/năm lên 40 triệu đồng/năm.

Nguyễn Sông Hàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.