Thủy điện tại miền Trung quá nhiều tác động xấu

03/10/2013 20:22 GMT+7

(TNO) Nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện tại miền Trung đã được các bên liên quan đưa ra mổ xẻ.

(TNO) Nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện tại miền Trung đã được các bên liên quan đưa ra mổ xẻ.

Người dân tại các khu TĐC thủy điện đang chật vật vì bế tắc sinh kế
Người dân tại các khu tái định cư thủy điện đang chật vật vì bế tắc sinh kế

Ngày 3.10, Hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức đã diễn ra tại TP.Hội An (Quảng Nam).

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện như: Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Phú Yên.

Nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định, thủy điện góp phần quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng quốc gia; tuy nhiên, sự phát triển của thủy điện tại miền Trung đã gây ra nhiều tác động xấu tới sinh kế, an sinh xã hội của các cộng đồng tái định cư (TĐC) và dân cư vùng hạ lưu.

Người dân đóng góp ý kiến tại hội thảo ngày 3.10
Người dân đóng góp ý kiến tại hội thảo ngày 3.10

Việc phát triển thủy điện tại miền Trung cũng gây nhiều bất cập trong chính sách và thực hiện tái định cư (TĐC). Hiện công tác vận hành hồ chứa cũng gây nhiều hậu quả đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân. Đặc biệt là trong việc thông tin về xả lũ, điều tiết nước chưa kịp thời, chính xác đến người dân.

Phát biểu tại phiên thảo luận về thủy điện - sinh kế - TĐC, ông Đặng Phong, Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam (nguyên là Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My) cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các thủy điện là không đáng tin.

“Làm thủy điện chỉ có xấu trở lên trong tác động đến môi trường. Nhưng chúng ta chấp nhận vì lợi ích chung, vì lợi ích năng lượng quốc gia. Đừng tin vào đánh giá tác động môi trường mà các nhà khoa học đang nói đến”, ông Phong nói.

Ông Đào Trọng Hưng, chuyên gia về sinh thái, tái định cư, cố vấn VRN góp ý, cần minh bạch thông tin về quy hoạch thủy điện đến từng người dân, chính quyền địa phương cấp cơ sở. Trước khi xây dựng một công trình thủy điện, các bên liên quan cần phải công bố sớm để người dân có thể đóng góp ý kiến.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia thủy lợi (Sở NN-PTNT Quảng Nam) cho biết việc đánh giá tác động môi trường của các thủy điện đang mang nặng tính hình thức, đặc biệt là các thủy điện vừa và nhỏ. Theo ông Tuấn, không có công trình thủy lợi, thủy điện nào là an toàn tuyệt đối cả, như thủy điện Sông Tranh 2 thì vừa rò rỉ vừa gây động đất kích thích, gây bất an cho người dân.

“Những tác động này đã rõ vì vậy chúng ta vẫn phải làm thủy điện nhưng làm thế nào phải xét tổng thể hài hòa, phải lấy người dân làm gốc”, ông Tuấn nói.

Vùng hạ du Hội An bị ngập trong nước lũ do các thủy điện thượng nguồn xả lũ vào ngày 3.10
Vùng hạ du Hội An bị ngập trong nước lũ do các thủy điện thượng nguồn xả lũ vào ngày 3.10

Cũng theo ông Tuấn, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) có 10 dự án thủy điện bậc thang. Nếu chỉ một công trình sự cố vỡ đập sẽ kéo theo vỡ đập liên hoàn, thảm họa sẽ vô cùng lớn.

Vì vậy, việc xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện là hết sức cần thiết nhằm giúp cho địa phương chủ động ứng phó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du.

5 kiến nghị liên quan đến thủy điện

Sau khi đối thoại giữa các bên, hội thảo đã rút ra 5 thông điệp (dự thảo) gửi đến các cơ quan chức năng. Cụ thể:

1. Tham vấn cộng đồng cần được thực hiện đúng thực chất. Cần xây dựng và phát triển các mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự nhằm hỗ trợ các cộng đồng tham gia có hiệu quả trong quá trình phát triển thủy điện. Người dân cần được đảm bảo tiếp cận thông tin đầy đủ và hiểu bản chất nội dung các dự án thủy điện.

2. Cần phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên khi quyết định phê duyệt dự án thủy điện; cần có cơ chế chia sẻ lợi ích của thủy điện để đảm bảo ổn định sinh kế cho người dân.

3. Chính quyền và nhân dân các tỉnh có thủy điện cần xem xét và rút ra bài học hiện tại, cẩn trọng xem xét toàn diện các vấn đề đối với thủy điện…

4. Các nhà đầu tư thủy điện cần phải thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường, đảm bảo thông tin kịp thời tình hình điều tiết nước để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng.

5. Các ngành liên quan cần quyết tâm và nỗ lực để tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các vụ vi phạm các cam kết…

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

>> Sau bão số 10, hồ Vực Mẫu oằn vai xả lũ
>> Mưa to kèm xả lũ, cả thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước
>> Hồ thủy lợi xả lũ, hàng chục nhà dân bị ngập
>> Thủy điện xả lũ gây ngập ở Kon Tum
>> Bác tin đồn vỡ đập thủy điện trong mưa lũ
>> Mất đất sản xuất vì thủy điện xả nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.