Trung Quốc 've vãn' Ấn Độ

09/06/2014 00:20 GMT+7

Giữa lúc Ngoại trưởng Trung Quốc đến Ấn Độ nhằm “lót đường” nâng cấp quan hệ, có nhiều tiếng nói ở New Delhi cảnh giác về sự hung hăng của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj
- Ảnh: Reuters
 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến New Dehli vào sáng 8.6 và đã gặp người đồng cấp  Sushma Swaraj trong buổi chiều cùng ngày. Phát biểu tại cuộc họp báo được đồng chủ trì bởi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hai nước sau cuộc gặp, đại diện nươc chủ nhà Syed Akbaruddin cho hay cuộc đối thoại kéo dài 3 giờ diễn ra “thân thiện, hữu ích, có hiệu quả và thiết thực”.

Báo India Today cũng trích lời ông Akbaruddin cũng cho hay: “Trung Quốc ủng hộ công cuộc phát triển của Ấn Độ và sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới” của tân Thủ tướng Narendra Modi. Nội dung cuộc gặp là nhằm tập trung thảo luận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Trong chương trình thăm kéo dài 2 ngày, ông Vương sẽ gặp Tổng thống Pranab Mukherjee và Thủ tướng Modi trong hôm nay 9.6. Chuyến thăm của ông Vương, trong vai trò đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, được xem là có tính chất “làm quen” với nội các mới của New Delhi, đồng thời chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Modi bên lề hội nghị nhóm BRICS - gồm các nền kinh tế lớn đang phát triển là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vào tháng tới ở Brazil.

Trả lời phỏng vấn tờ báo lớn nhất xứ Ấn The Hindu trước chuyến thăm, ông Vương đã có những lời lẽ hết sức “lấy lòng” tân chính phủ: “Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ theo đuổi tiến trình cải cách và phát triển giống như Đặng Tiểu Bình đã thực hiện ở Trung Quốc cách đây 3 thập niên”. “Chuyến thăm của tôi sẽ mang đến thông điệp quan trọng nhất đối với nhân dân Ấn Độ, đó là Trung Quốc đứng bên cạnh trong mọi nỗ lực cải cách và phát triển của các bạn”, ông Vương nói thêm.

Tranh thủ tân chính phủ

“Các lãnh đạo Trung Quốc hăm hở muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ giữa lúc Bắc Kinh đang đối diện nhiều thách thức nghiêm trọng do các tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, với Việt Nam, Philippines và nhiều quốc gia láng giềng ven biển khác ở biển Đông, trong khi Mỹ đang đẩy mạnh quân sự vào vùng châu Á - Thái Bình Dương”, tờ India Today nhận định.

Theo các chuyên gia, bằng cách đẩy mạnh quan hệ với chính quyền Modi, Bắc Kinh có thể đảm bảo được vị thế đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của New Delhi. “Họ muốn hợp tác với Ấn Độ trên nền tảng tốt hơn và xây dựng hơn bởi họ không muốn nước này quay sang các nền dân chủ khác ở châu Á, làm lệch đi cán cân đối trọng với Trung Quốc”, chuyên gia quân sự Bharat Verma nói với AFP. Có thể Bắc Kinh cũng là bên sẽ mở lời đề nghị giải quyết các vấn đề tranh chấp biên giới đất liền vốn là cái gai trong quan hệ hai nước hơn nửa thế kỷ qua, chuyên gia này nhận định.

Về phía New Delhi, các nhà phân tích cho rằng chính quyền Modi cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, nhằm thu hẹp thâm hụt mậu dịch lên đến hơn 40 tỉ USD trong tổng giá trị thương mại song phương gần 70 tỉ USD.

Những tiếng nói lo ngại

Nhiều học giả xứ Ấn lo ngại các đối sách thân thiện với Bắc Kinh mà ông Modi có thể thực hiện sẽ ảnh hưởng đến vị thế và vai trò của Ấn Độ trong cộng đồng quốc tế.

Trong bài viết đăng trên trang Rediff.com ngày 6.6, Giáo sư Srikanth Kondapalli, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cảnh báo: “Phản ứng của chính phủ Modi trước sự hăm hở của Bắc Kinh cần phải dựa trên sức mạnh nội tại và vị trí địa chính trị thuận lợi” của Ấn Độ.

Giải thích với Thanh Niên về cảnh báo này, ông Kondapalli nói rằng kinh tế Ấn Độ không phụ thuộc vào bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, nhờ thị trường nội địa tiêu thụ đến 60% sản phẩm làm ra, giá trị sản xuất 2.200 tỉ USD hầu như không đến từ đầu tư nước ngoài.

Về mặt địa chính trị, Ấn Độ nằm ở vị trí mà 80% năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Đặc biệt, “các hành động gây quan ngại của Bắc Kinh ở biển Đông không phù hợp với lợi ích của Ấn Độ”, ông nói. Theo ông, việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 12.5 “trấn an” New Delhi rằng “Ấn Độ không nên lo lắng quá nhiều về những gì đang xảy ra trên biển Đông” có thể ẩn chứa những đề xuất và hành vi thiếu minh bạch.

Trong khi đó, cựu bộ trưởng các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Tài chính Ấn Jaswant Singh trong bài viết Một học thuyết Monroe của Trung Quốc? ngày 8.6 cảnh báo: “Việc Bắc Kinh tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự của mình để khủng bố tinh thần các quốc gia láng giềng là đe dọa an ninh của Ấn Độ”.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

 >> Ngoại trưởng Trung Quốc sang Ấn Độ 'thiết lập liên lạc với chính quyền mới
 >> Ấn Độ muốn tiếp tục hợp tác với VN ở biển Đông
 >> Ấn Độ: Cảnh sát trấn áp người biểu tình phản đối vụ hiếp dâm tập thể
 >> Tầm nhìn biển Đông của Ấn Độ
 >> Thủ tướng Ấn Độ nhậm chức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.