Xe tải Fuso: hồn xe Nhật mang phận xe Đức

08/10/2014 05:15 GMT+7

Khai sinh trên đất Nhật, thương hiệu xe tải Fuso dù đã trải qua không ít lần sang tên đổi chủ nhưng vẫn tồn tại mãi đến hôm nay dưới sự quản lý của tập đoàn Daimler AG.

Khai sinh trên đất Nhật, thương hiệu xe tải Fuso dù đã trải qua không ít lần sang tên đổi chủ nhưng vẫn tồn tại mãi đến hôm nay dưới sự quản lý của tập đoàn Daimler AG.

>> Mercedes ra xe tải tự lái, nguy cơ tài xế mất việc
>> Ngưng xe tải, Mitsubishi tập trung vào xe du lịch
>> Xe tải chở 11 xe sang lật nhào tại Trung Quốc

Vào tháng 7 năm nay, Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) thuộc tập đoàn Daimler AG bất ngờ tuyên bố tiếp quản hoạt động kinh doanh xe tải Fuso từ tay Công ty Vina Star Motors - đơn vị liên doanh với Mitsubishi Fuso Truck and Bus Corporation. Sự kiện này một lần nữa tạo nên nét chấm phá trong những trang sử vẻ vang nhưng không kém phần “lận đận” của Fuso sau hơn 80 năm thành lập.

 Mercedes-Benz VN trở thành đơn vị lắp ráp, phân phối dòng xe Fuso tại Việt Nam

Từ đất nước mặt trời bước ra thế giới
Câu chuyện lịch sử ly kỳ về cái tên Fuso bắt đầu từ năm 1932, khi công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi bắt đầu sản xuất mẫu xe buýt thương mại B46 tại xưởng sản xuất ở thành phố Kobe, Nhật Bản.

Mẫu xe buýt thương mại B46 chính là điểm khởi đầu cho sự phát triển của Fuso

Chiếc B46 ra đời lúc này sở hữu chiều dài 7 mét, có sức chứa 38 hành khách và được trang bị động cơ 7 lít, 6 xy lanh chạy bằng xăng, công suất 100 mã lực. Chào mừng việc bàn giao chiếc xe buýt B46 đầu tiên đến khách hàng, lúc đó là Bộ Đường sắt Nhật Bản vào tháng 5.1932, Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi đã kêu gọi nhân viên đề xuất một cái tên cho chiếc xe này và "Fuso" chính là cái tên được lựa chọn.

Mẫu xe buýt công cộng của Fuso sản xuất năm 1934


Năm 1934, những mẫu xe buýt công cộng cỡ trung như Fuso MS40 và BS43 lần lượt xuất hiện và ngày càng phổ biến trên đường phố Tokyo. Để mở rộng phạm vi sản xuất, năm 1937 Fuso chuyển phân xưởng sản xuất ở Kobe lên Tokyo.

Trên đà “ăn nên làm ra” năm 1957 công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi hợp nhất hai phân xưởng sản xuất ở Tokyo và Kawasaki thành Tokyo Motor Vehicle Works, đồng thời cho ra đời chiếc xe tải 8 tấn T33 và T38 - những mẫu xe tải hạng nặng đầu tiên của Nhật.

 Mẫu xe Canter đầu tiên - T720 ra đời năm 1963


Giai đoạn những năm 1960 đánh dấu sự xuất hiện của mẫu xe Canter T720, cũng như  mẫu xe tải hạng trung nặng 4 tấn T620 với cabin phía trên động cơ…  mở ra một cuộc cách mạng mới về kiểu dáng thiết kế cho các dòng xe tải của Fuso. 

Tháng 7 năm 1968, thế hệ thứ hai của dòng xe Canter được giới thiệu với tên gọi T90. Ngoài những thay đổi về kiểu dáng xe còn được trang bị hai phiên bản động cơ diesel 79 mã lực và động cơ chạy xăng 99 mã lực, những sản phẩm mới giúp Canter trở thành dòng xe dẫn đầu về khả năng tăng tốc của Fuso trên thị trường xe tải lúc bấy giờ.

 Tháng 7.1968, thế hệ thứ hai của dòng xe Canter được giới thiệu với tên gọi T90

Không chỉ ở Nhật Bản, các mẫu xe Fuso còn được phân phối rộng rãi trên thị trường thế giới. Năm 1970, Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi liên doanh với Chrysler Corporation, thành lập công ty Mitsubishi Motors Corporation. Ba năm sau dòng xe T200 được giới thiệu và trở thành thế hệ thứ ba của Canter với những thay đổi đáng kể cũng như được bổ sung hệ thống MCA để giải quyết vấn đề khí thải. FUSO còn đa dạng hóa dòng sản phẩm Canter bằng cách giới thiệu mẫu xe tải 3 tấn chạy dầu diesel.

 Dòng xe T200 được giới thiệu và trở thành thế hệ thứ ba của Fuso Canter


Lận đận với những lần sang tên đổi chủ

“Mối lương duyên”  giữa hai đối tác Công nghiệp nặng Mitsubishi với Chrysler Corporation về việc sản xuất xe tải Fuso chỉ kéo dài 23 năm. Năm 1993 liên doanh này chính thức giải thể.

Xe tải hạng trung Fuso Fighter Mignon được ra mắt vào năm 1986

Không lâu sau đó, vào năm 1999 Mitsubishi Motors Corporation và AB Volvo thành lập liên doanh mới trong đó AB Volvo nắm giữ 5% cổ phần tại Mitsubishi Motors Corporation. Tuy nhiên cũng chẳng lâu dài, chỉ hai năm sau Daimler Chrysler thay thế AB Volvo để trở thành đối tác chiến lược của Mitsubishi Motors Corporation trong phân khúc xe tải và xe bus.

Xe Fighter được cải tiến toàn diện và trình làng năm 1999


Biến cố xảy ra vào năm 2005 khi vụ việc liên quan đến vụ triệu hồi sản phẩm thuộc Mitsubishi Fuso Truck & Bus Corporation đã buộc công ty phải chuyển phần lớn số cổ phiếu của mình cho Daimler Chrysler như một phần quan trọng trong thỏa thuận đền bù thiệt hại về mặt tài chính. Lúc này Daimler Chrysler sở hữu đến 85% cổ phần trong Mitsubishi Fuso Truck and Bus Corporation, phần còn lại thuộc về các công ty trong Mitsubishi Motors Corporation.

Năm 2007 Daimler Chrysler đổi tên thành Daimler AG. Mitsubishi Fuso Truck & Bus Corporation trở thành một phần của phân nhánh Daimler Trucks thuộc quyền kiểm soát của “gã khổng lồ” Daimler AG.

Đến tháng 7.2014 Daimler AG đã nắm giữ 89.29% cổ phần của Mitsubishi Fuso


Fuso tại Việt Nam
 
Tháng 7.1995 Công ty Vina Star Motors thành lập liên doanh với Mitsubishi Motors Corporation đồng thời nắm vai trò sản xuất, phân phối các mẫu xe Misubishi Canter tại Việt Nam.

Năm 2003, Mitsubishi Motors Corporation đã tách mảng kinh doanh xe buýt và tải nặng để thành lập công ty mới mang tên Mitsubishi Fuso Truck & Bus Corp do Daimler AG nắm giữ cổ phần chi phối.

Đến tháng 7.2014 khi Daimler AG đã nắm giữ đến 89.29% cổ phần của Mitsubishi Fuso quyền phân phối các sản phẩm Mitsubishi Fuso chính thức được chuyển giao cho Mercedes-Benz Việt Nam.

 Kể từ tháng 7.2014, Mercedes-Benz VN trở thành nhà phân phối xe tải Fuso tại thị trường VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.