Đề xuất thay đổi cách tính thuế: Người tiêu dùng vẫn thiệt thòi nhất?

20/05/2015 06:25 GMT+7

Tuần qua, bên cạnh đề xuất thí điểm mô tô đi đường cao tốc và cấp riêng GPLX số tự động của Bộ GTVT, thông tin thay đổi cách tính thuế đối với xe nhập của Bộ Tài chính cũng gây xôn xao không kém.

Tuần qua, bên cạnh đề xuất thí điểm mô tô đi đường cao tốccấp riêng GPLX số tự động của Bộ GTVT, thông tin thay đổi cách tính thuế đối với xe nhập của Bộ Tài chính cũng gây xôn xao không kém.

>> Giá ô tô sẽ giảm đáng kể vào năm 2018
>> Đề xuất thay đổi cách tính thuế: Giá ô tô nhập khẩu sẽ tăng

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ có một số thay đổi ở luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có mặt hàng xe nhập khẩu dưới 24 chỗ. Nếu tính theo đề xuất của Bộ Tài chính, thị trường xe nhập sẽ chứng kiến bão tăng giá trong thời gian tới do những thay đổi trong cách tính thuế.

Trước đây, xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá nhập khẩu từ cửa khẩu nhân với % thuế của từng dòng xe khác nhau. Tuy nhiên, với đề xuất mới của Bộ Tài chính xe CBU sẽ được đánh thuế dựa trên giá bán của đơn vị nhập khẩu chưa tính thuế giá trị gia tăng. Như vậy, giá này đã bao gồm phí vận chuyển, marketing, showroom, bán hàng, tiền lãi… Theo ước tính, giá xe nhập sẽ đội lên khoảng 10% nếu cách tính thuế trên được áp dụng.


Xe nhập khẩu sẽ bị đội giá lên khoảng 10% với cách tính thuế mới

Theo lý giải từ Bộ Tài chính, việc đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt là để “công bằng” với xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) vì cách tính thuế đối với xe CBU chưa bao gồm chi phí bán hàng, công vận chuyển, lời lãi… Đặc biệt là trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% với ô tô nhập khẩu trong khu vực ASEAN từ năm 2018.

Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho biết ngoài “thiệt thòi” về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, xe CKD còn có chi phí sản xuất cao hơn từ 20-25% so với Thái Lan do năng suất lao động thấp, chi phí vận chuyển phụ tùng cao. Đây cũng là lý do chính của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước tiếp tục kiến nghị chính phủ “đòi” ưu đãi, nhất là khi hàng rào thuế quan với xe nhập khẩu trong khối ASEAN bị dỡ bỏ từ năm 2018.

Nếu như đề xuất của Bộ Tài chính được phê duyệt và áp dụng chính thức, thị trường xe Việt trong thời gian tới sẽ có những xáo trộn không nhỏ, nhất là đối với xe nhập khẩu. Tùy từng loại xe, giá trị xe mà giá bán có thể tăng lên từ gần trăm triệu cho tới gần tỉ đồng đối với những mẫu xe nhập giá rẻ cho tới xe siêu sang. Giá bán chênh lệch quá lớn không chỉ khiến doanh nghiệp khó bán xe mà người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt thòi và mất nhiều thời gian cân nhắc, lựa chọn hơn vì con số vài chục đến vài trăm triệu đồng cũng không hề nhỏ. Trong tình huống này, doanh nghiệp rất khó “chịu thiệt” để ổn định giá thành, đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người tiêu dùng trong nước.


Chịu thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng trong nước

Nói về khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xe hơi lớn nhỏ tại Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ đề xuất này. Thậm chí, những doanh nghiệp có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam như Toyota, GM, Mercedes-Benz… cũng bị ảnh hưởng bởi ngoài những mẫu xe CKD vẫn còn nhiều mẫu xe khác nhau của những công ty này đang được nhập khẩu nguyên chiếc. Hầu hết những công ty này không hề có đầu tư đáng kể nào vào nhà máy trong vài năm qua để chờ… chính sách.

Vì vậy, một số mẫu xe mới ra mắt gần đây đều về Việt Nam theo đường nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, doanh nghiệp thiệt thòi nhất chắc chắn thuộc về các thương hiệu, không có nhà máy tại Việt Nam cũng như trong khu vực ASEAN nên không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% sau năm 2018.


Xe lắp ráp trong nước tiếp tục được “bảo hộ” ?

Không khó để nhận ra đề xuất của Bộ Tài chính nằm trong lộ trình hỗ trợ, “bảo hộ” ngành công nghiệp lắp ráp xe trong nước từ nay đến năm 2018. Như những lo ngại trước đây, người Việt sẽ khó lòng mua được xe giá rẻ sau năm 2018 bởi ngoài thuế nhập khẩu, còn có rất nhiều loại thuế khác không nằm trong quy định bắt buộc trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Đề xuất cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới với xe nhập khẩu mới chỉ là khởi đầu.

Phong Trần
Ảnh: Thái Nguyễn

>> Giá ô tô khó giảm đột ngột
>> Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục xin ưu đãi
>> Toyota VN vẫn sản xuất ô tô nhưng mập mờ kế hoạch phát triển
>> Ô tô Việt vẫn ‘duyệt binh’ tại chỗ sau gần 3 năm
>> TMT chưa có ý định đưa xe giá rẻ TATA Nano về Việt Nam
>> Đừng mơ Tata Nano sẽ về VN với giá tương đương Honda SH
>> Tata Nano: Ô tô rẻ hơn xe ga Honda SH Mode

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.