Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen

Mong người lớn có hành động thiết thực tiết kiệm điện

Bọn trẻ con chúng tôi thấy người lớn lãng phí điện, mở sáng rực khắp mọi nơi thì trong lòng thích thú, chạy nhảy vui chơi không biết chán, nhiều đêm chuông đồng hồ đã quá 23 giờ cũng không về, báo hại bố mẹ phải lo lắng đi tìm về ngủ.

Tôi muốn nói rằng sự lãng phí điện nói trên đang diễn ra trong nhiều gia đình và ở rất nhiều nơi. Đây chính là nguyên nhân làm cho nguồn điện bị cạn kiệt và hiện tượng cúp điện xảy ra liên miên. Tôi băn khoăn không biết có phải vì tâm lý cho rằng trước kia sống quá thiếu thốn nên khi có điều kiện thì xài xả láng cho bõ? Hay chính vì sự thiếu ý thức, không biết trân quý điện đã khiến cho họ mặc sức lãng phí thứ mà khó khăn lắm mới có được?

Quá đau xót khi thấy người lớn còn lãng phí điện - Ảnh 1.

Đường quê giờ nhiều nơi đã có điện nhưng cần phải bật tắt phù hợp để tránh lãng phí

EVNHCMC

Tôi sinh ra và lớn lên ở một xóm nhỏ không tên thuộc một xã vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk. Qua lời kể của mẹ thì cái xóm nhỏ được hình thành trước khi tôi ra đời khoảng vài năm. Lúc đó điều kiện sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, hệ thống điện, đường, trường, trạm còn rất thiếu thốn. Nói riêng về điện thì chỉ vài nhà ở sát mặt đường lớn xe chạy thì mới có, còn những nhà sống ở vùng sâu, xa như chúng tôi thì điện quả là chỉ có trong mơ.

Khoảng vài năm trở lại đây, cuộc sống nơi đây phát triển mạnh, mạng lưới điện được kéo phủ khắp xã và tất nhiên là cái xóm nhỏ không tên của tôi cũng được sống trong ánh điện rực sáng. Đêm đêm các nhà đều thi nhau bật tất cả các loại đèn, có nhiều gia đình còn lắp cả hệ thống đèn kiểu trên mái nhà để chứng tỏ sự đẳng cấp của mình.

Mỗi dịp tết đến xuân sang, tầm 23 tháng chạp âm lịch trở đi, suốt dọc con đường từ trên xuống dưới xóm đều ngập tràn ánh sáng. Các nhà thi nhau mua hoặc tự chế cây nêu, quấn bóng nháy và giăng bóng nháy chằng chịt khắp mọi ngóc ngách, lối đi.

Cứ thế nhiều năm trôi qua, tôi cũng như bạn bè đồng trang lứa, bố mẹ và những người dân trong xóm đã để cho nguồn điện tiêu hao một cách lãng phí như thế. Mãi cho đến năm ngoái khi học bài Bảo toàn năng lượng và sử dụng năng lượng (sách Khoa học tự nhiên 6, Chân trời sáng tạo), tôi mới nhận thấy tầm quan trọng của điện và sự cần thiết phải tiết kiệm điện.

Quá đau xót khi thấy người lớn còn lãng phí điện - Ảnh 2.

Tác giả sử dụng nước mưa trong chum đun nấu bằng củi

NVCC

Kể từ lúc đó tôi bắt đầu có ý thức tiết kiệm điện, ban ngày tôi thường mở toang cửa sổ để đón ánh sáng mặt trời. Những trưa hè oi bức thay vì bật quạt điện, tôi nằm chiếu trúc, kê gối trúc và còn tự tay làm một chiếc quạt giấy để phe phẩy. 

Đặc biệt tôi cũng thường để ý và nhẹ nhàng góp ý đến hành động lãng phí điện của mọi người trong gia đình: Bố tôi thường sạc pin điện thoại và máy tính thâu đêm, còn mẹ luôn quên tắt bóng đèn nhà vệ sinh, cắm nồi cơm điện quá sớm và xả vòi nước không đóng. Và anh hai thì không bao giờ tắt vi tính, rút dây sạc khỏi ổ cắm, để cục mạng wifi hoạt động 24/24 và mở tủ lạnh nhiều lần trong ngày...

Từ trong nhà bước chân ra ngoài đường xóm, tôi lại thấy xót xa vì trên các cột điện thì lắp toàn bóng đèn sợi đốt (loại bóng này cực kỳ tốn điện), đã vậy bóng điện được cài tự động chế độ bật tắt, đông cũng như hè, 7 giờ chưa tắt, 19 giờ đã bật.

Quá đau xót khi thấy người lớn còn lãng phí điện - Ảnh 3.

Sử dụng điện tiết kiệm đang trở thành xu thế hiện nay

EVNHCMC

Tôi mong muốn mọi người cùng nhận thức và có hành động thiết thực tiết kiệm, không nên lãng phí điện nữa. Bố mẹ, anh hai tôi chú ý hơn khi sử dụng các thiết bị điện, còn mọi nhà trong xóm tôi sớm thay hệ thống bóng đèn sợi tóc bằng bóng LED năng lượng mặt trời. Và mỗi dịp tết về, các cô bác ở xóm nhỏ không tên sẽ tắt hệ thống bóng nháy, không còn bật sáng xuyên đêm, xuyên ngày nữa thì hay biết mấy.

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.