Sách xưa một thuở: Khi văn thi sĩ lĩnh ấn sử gia

21/04/2023 07:29 GMT+7

Thời gian đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, nhiều đầu sách lịch sử được xuất bản. Nhiều tác giả là văn thi sĩ, nhà phê bình văn học như Vũ Ngọc Phan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Trần Huy Liệu đã lấn sân sang lĩnh vực này.

Phải chăng văn sử bất phân ?

Nhiều tác phẩm của họ tỏ ra nghiêm cẩn, tìm hiểu rất kỹ càng tư liệu nên có giá trị cao, góp phần to lớn trong việc nuôi dưỡng, truyền bá tình yêu lịch sử hào hùng của cha ông. Ngô Tất Tố là dịch giả của Hoàng Lê nhất thống chí (Mai Lĩnh, 1944), Ngô Việt xuân thu (Nhà in Bảo Tồn, 1928). Ông còn để nhiều tâm sức cho tác phẩm Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta (Nhật Nam thư quán, 1935), chia thành 9 cuốn mỏng.

Thân là nhà báo, Đào Trinh Nhất có nhiều tác phẩm viết về sử nước nhà nhiều thể loại. Sử danh nhân có Phan Đình Phùng (1936), Đời cách mạng Phan Bội Châu (1945), Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (1946); khảo cứu Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Nhà in Thụy Ký, Hà Nội, 1924), Việt Nam Tây thuộc sử (Đỗ Phương Quế xuất bản, Chợ Lớn, 1937), Đông Kinh nghĩa thục (Mai Lĩnh xuất bản, Hà Nội, 1937)…

Sách xưa một thuở: Khi văn thi sĩ lĩnh ấn sử gia - Ảnh 1.

Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta của Ngô Tất Tố xuất bản năm 1935

ĐÌNH BA

Dịch thuật nhiều sách kinh điển như Sử ký (1944), Đại Việt sử ký toàn thư (1945)… Nhượng Tống còn viết nhiều sách sử đương đại, hồi ký liên quan đến cá nhân, tổ chức bổ sung vào kho sử liệu cận đại VN: Đời trong ngục: Hỏa Lò - Côn Đảo - Hòn Cau (Nhà xuất bản Văn hóa mới, Hà Nội, 1935), Nguyễn Thái Học 1902 - 1930; Tân Việt cách mệnh đảng (Việt Nam thư xã, Hà Nội, 1945).

Có thể điểm thêm nhiều ví dụ khác như Việt Hoa thông sứ sử lược (Sông Bằng Bế Lãng Ngoạn, 1944), Lê Thánh Tông 1442 - 1497 (Chu Thiên, 1943), Danh nhân Việt Nam (Doãn Kế Thiện, 1943)… Đến như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng viết Quốc sử huấn mông (Nghiêm Hàm ấn quán, 1924).

Trường hợp lấn sân viết sử còn gặp rất nhiều ở các văn nhân, thi sĩ hoặc nhà báo ở Nam kỳ. Đặng Thúc Liêng có sử danh nhân: Trương Vỉnh [Vĩnh] Ký hành trạng (1927), Việt Nam trung hưng công thần Lê Văn Duyệt (dịch thuật, 1934); Cao Hải Để với Lê Văn Duyệt tiểu sử (1924); Diệp Văn Kỳ với Sử cách mạng (1927)… Ở Trung kỳ, nữ văn sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa hiến cho độc giả tác phẩm giá trị Chiêm Thành lược khảo (1936) khảo về nhân chủng, tôn giáo, văn học, kiến trúc và nhiều lĩnh vực của quốc gia này.

Sách xưa một thuở: Khi văn thi sĩ lĩnh ấn sử gia - Ảnh 2.

Sách Chiêm Thành lược khảo của nữ văn sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa (ảnh phải) do Nhà in Đông Tây thực hiện năm 1936

ĐÌNH BA - TƯ LIỆU

Những mong dân tường lịch sử

Ở mỗi tác phẩm dù là dịch thuật hay viết, sự thường dịch giả, tác giả sẽ nêu lý do thực hiện, ý nghĩa, mong muốn gửi gắm vào tác phẩm. Thế nên, để biết được cái sự lấn sân của nhà văn, nhà báo sang địa hạt gai góc sử học, xem lời họ tâm sự nơi đầu sách, hẳn vỡ ra được đôi ba phần.

Ngô Tất Tố bộc bạch lý do viết sách Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta là bởi từ thời Tự Đức tới Duy Tân đất nước xảy ra bao việc quanh sự người Pháp xâm lược. Dân tình nhiều người không rõ ngọn ngành sự việc vì sách sở thiếu thốn. Do đó "chúng tôi đã tốn nhiều công phu sưu tầm được nhiều tài liệu xác thực. Nay đem góp nhặt xếp đặt, viết ra bộ này cống hiến những ai cùng chung một tính "muốn biết" đó".

Sự thiếu khuyết tài liệu về sử là một trong những lý do cốt yếu để các nhà văn, nhà báo mạnh dạn với trách nhiệm của mình, dấn thân vào con đường gian nan vạn dặm này. Việt Nam Tây thuộc sử thành hình, chính là từ hiện trạng "từ hồi nào tới giờ, chưa thấy một quyển sách thuật chuyện nầy bằng quốc văn, thành ra nhiều người không đọc những sách Pháp văn và Hán văn, dầu muốn biết mười phần cũng không sao biết đặng", lời nhà báo Đào Trinh Nhất bày tỏ trong "Gọi là tựa" ở đầu sách.

Với bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, việc viết Chiêm Thành lược khảo "gọi là bước đầu về việc khảo cổ học của nữ lưu vậy". Riêng về ý nghĩa chung của tác phẩm, được Thượng thư Bộ Giáo dục Phạm Quỳnh chỉ ra rõ trong lời "Tựa" khi cho rằng lịch sử Chiêm Thành thì nghiên cứu thuộc về trường Bác Cổ: "Nhưng các sách của trường Bác Cổ là bằng chữ Pháp cả, người không biết chữ Pháp thời không đọc được. Nay bà Bảo Hòa tham bác các sách, lược thuật những điều cốt yếu ra Quốc ngữ, cho nhiều người đọc được, thật là làm một việc có ích, và như trên đã nói bổ được sự khuyết vậy". Đến như Vũ Trọng Phụng, chủ yếu chuyên về văn học, vậy mà đã viết cả sách chính trị Nhân sự chia rẻ [rẽ] của Đệ tam và Đệ tứ (V.T. xuất bản, Nhà in Thạnh Mậu, 1937).

Vậy là, phần nhiều, khi thực hiện việc dịch, viết tác phẩm sử học, nhất là sử nước nhà, đều mong bổ khuyết tài liệu cho mảng đề tài mà mình đã triển khai; và ở cái lẽ chung, đó là cho dân mình tỏ tường lịch sử quốc gia, dân tộc. Cái nhẽ ấy, nghĩ đơn giản, nhưng để viết được thành tác phẩm, là tâm huyết, trí lực, thời gian đổ vào đấy cả. Mà sự thu về, chẳng biết được mảy may mấy ai biết cho nỗi vất vả, như Đào Trinh Nhất tâm sự khi viết Việt Nam Tây thuộc sử: "Chúng tôi không dám tự khoe, sự sưu tầm tài liệu thật là vất vả công phu; ngày nay cầm viết đặt xuống tờ giấy, là kết quả cũa [của] con mắt trải mấy năm trường đã xem xét lục lạo sách nầy sách kia". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.