Số người tử vong vì nCoV đã vượt SARS

Khánh An
Khánh An
10/02/2020 06:30 GMT+7

Số người tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV) tiếp tục tăng, trong khi nhiều người tại Trung Quốc làm việc trở lại vào hôm nay (10.2).

Kỷ lục mới

Theo số liệu của Bộ Y tế đưa ra hôm qua, thế giới có gần 37.600 người nhiễm nCoV, hơn 810 người tử vong, trong đó vẫn chỉ có 2 ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục. Riêng trong ngày 8.2, Trung Quốc đại lục có 89 trường hợp tử vong vì nCoV, con số tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch này, theo số liệu do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đưa ra tại cuộc họp báo thường ngày vào sáng 9.2. Tuy nhiên, số lượng ca hồi phục cũng tăng đáng kể, đạt khoảng 2.700 ca trên toàn cầu, trong đó phần lớn ở Trung Quốc đại lục.

[VIDEO] Số ca tử vong vì vi rút corona chủng mới đã cao hơn dịch SARS

Với các số liệu trên, số người chết vì nCoV vượt qua con số của dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2002 - 2003 (ước tính 774 người). Trong khi đó, tổng số người nhiễm nCoV tại đại lục là hơn 37.200, cao hơn dịch SARS (khoảng 8.100 người), theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Nhiều trường học tại Trung Quốc tiếp tục gia hạn thời gian đi học trở lại, còn nhiều nhân viên văn phòng được phép làm việc tại nhà, theo Reuters. Cơ quan chức năng cũng hoãn kế hoạch hoạt động trở lại vào ngày 10.2 của Foxconn Technology - hãng gia công sản phẩm cho Apple. Tập đoàn Tencent Holdings (Trung Quốc) hôm qua cho hay đã chỉ đạo nhân viên tiếp tục làm việc từ xa đến ngày 21.2. Tại tỉnh Hồ Bắc - nơi có tâm dịch ở TP.Vũ Hán, các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa ít nhất đến ngày 1.3 theo quyết định mới. Bên cạnh đó, các tỉnh Sơn Đông, Giang Tô và TP.Thượng Hải cũng cho nghỉ học đến hết tháng 2. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc hôm qua thông báo nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như giảm 30% tiền điện cho các công ty vật tư y tế, giảm tiền nước và gas cho các doanh nghiệp nhỏ. Các công ty bị ảnh hưởng nặng còn được giảm phí thanh tra môi trường và thuế.

Nhiều sự kiện bị ảnh hưởng

Theo Reuters, Ý đề nghị trẻ em từng đến Trung Quốc tự nguyện không đến trường trong 2 tuần, trong khi Pháp khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc trừ trường hợp cấp bách.

Mỹ cam kết viện trợ 100 triệu USD cho cuộc chiến chống virus corona

Tại Singapore - nơi có 40 ca nhiễm nCoV, Ban tổ chức triển lãm hàng không Singapore Airshow 2020 (từ ngày 11 - 16.2) ước tính sự kiện 2 năm một lần này sẽ thu hút chưa đến phân nửa số người tham dự so với năm 2018 (54.000 người). Theo AFP, hơn 70 tổ chức, công ty rút khỏi sự kiện do lo ngại về nCoV, trong đó có Lockheed Martin (Mỹ), De Havilland (Anh) và Bombardier (Canada). Tuy nhiên, ban tổ chức khẳng định sự kiện vẫn diễn ra như dự kiến và sẽ áp dụng nhiều biện pháp đề phòng như đo thân nhiệt và giới hạn công chúng tham quan.
Tại Hàn Quốc, quân đội đang cân nhắc việc không tham gia hoặc giảm số binh sĩ, vũ khí tại cuộc tập trận Cobra Gold (Hổ mang vàng) sắp diễn ra ở Thái Lan. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang cân nhắc 2 lựa chọn và sẽ đưa ra quyết định trong tuần này. Đây là cuộc tập trận lần thứ 39 do Mỹ và Thái Lan đồng tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 26.2 - 6.3 với sự tham gia của khoảng 24 nước.
Một thông tin khả quan được đưa ra hôm qua là ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Philippines đã hết các triệu chứng và sẽ sớm được xuất viện. Đây là nữ du khách Trung Quốc 38 tuổi đến từ Vũ Hán và đi cùng bạn trai đồng hương 44 tuổi, người cũng nhiễm nCoV và tử vong hôm 1.2. Nữ bệnh nhân này được xét nghiệm âm tính vào ngày 6.2 và đang chờ xét nghiệm 2 lần nữa trước khi xuất viện.

Cuộc đua điều chế vắc xin phòng vi rút corona: đường còn xa

Tiến triển nghiên cứu vắc xin
Hãng AFP hôm qua đưa tin giới khoa học thế giới tiếp tục chạy đua tìm vắc xin đối phó nCoV và các nhà khoa học Úc cho biết sản phẩm của họ có thể ra mắt trong vòng 6 tháng. “Đó là tình huống áp lực cao và đang đè nặng lên chúng tôi. Hy vọng nhiều nhóm trên thế giới sẽ tham gia nhiệm vụ này”, theo chuyên gia Keith Chappell, thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Queensland. Liên minh Sáng kiến sẵn sàng ứng phó với đại dịch (CEPI, trụ sở ở Na Uy) đang chi hàng tỉ USD cho 4 dự án nghiên cứu vắc xin nCoV và đang kêu gọi nhiều tổ chức đề xuất thêm các dự án khác. Tổng giám đốc CEPI Richard Hatchett cho biết mục tiêu của các dự án nhằm đưa ra vắc xin có thể thử nghiệm lâm sàng trong vòng 16 tuần. Các công ty CureVac (Đức) và Moderna Therapeutics (Mỹ) đang phát triển vắc xin dựa trên ARN thông tin - mã di truyền giúp truyền thông điệp cho cơ thể sản sinh protein. Trong khi đó, Công ty Inovio (Mỹ) đang nghiên cứu vắc xin dựa trên công nghệ ADN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.