Sự trung thực của nhiếp ảnh bị mai một

05/12/2014 05:35 GMT+7

Nhiều cuộc thi được tổ chức, nhiều tác giả đoạt giải trong nước và quốc tế, nhưng kèm theo vẫn là băn khoăn của chính giới nhiếp ảnh quanh các ảnh đoạt giải, ảnh triển lãm...

>> Nhiếp ảnh Việt Nam - nhiều câu hỏi chưa được giải đáp
>> Nhiếp ảnh Việt Nam: Làm mới tư duy

 Ba chị em H'Mông - Huy chương vàng cuộc thi ảnh quốc tế 2012 tại VN - Ảnh: Trần Thiết Dũng
Ba chị em H'Mông - Huy chương vàng cuộc thi ảnh quốc tế 2012 tại VN - Ảnh: Trần Thiết Dũng

Đó là những câu hỏi trước Đại hội lần thứ 8 của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN.

Ảnh nghệ thuật không đến được công chúng

Theo thống kê của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN (VAPA) tại cuộc họp báo mới đây: từ năm 2009 - 2014 của nhiệm kỳ 7, VAPA đã tổ chức được 55 cuộc thi ảnh cấp quốc gia, quốc tế và khu vực, với hơn 18.000 lượt tác giả, 140.000 lượt tác phẩm tham dự; 8.500 ảnh được công bố, 424 huy chương các loại đã được trao. Ở cấp tỉnh thành có tới 203 cuộc thi được tổ chức. Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch VAPA cho rằng đây là những con số “rất nhiều”, khiến cơ quan ông phải “làm việc quần quật” nhưng cũng “tạo ra một không khí rất vui vẻ” cho 975 hội viên trong cả nước.

 
Sự trung thực của nhiếp ảnh bị mai một - ảnh 2

Ở nước ngoài ít người chụp ảnh để thi. Nếu chụp để bán thì ảnh phải độc đáo nên họ không chụp theo kiểu đi theo nhóm như ở VN... Ảnh triển lãm của ta treo xong rồi bỏ đó cũng vì thế

Sự trung thực của nhiếp ảnh bị mai một - ảnh 3

 Nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của nhiếp ảnh nghệ thuật VN hiện tại có lẽ chính là việc “đến” với công chúng. Ở Hà Nội, trong khi những triển lãm tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Hà Nội được tổ chức mới đây, hay triển lãm về ma túy của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng ít năm trước... đều luôn đông người xem thì các triển lãm ảnh nghệ thuật lại thường vắng vẻ. “Chúng ta đang lãng phí tài năng, lãng phí tác phẩm. Ảnh thi xong rồi cất đi, thật đáng tiếc”, ông Khánh nói.

Vì sao công chúng chưa đến với nhiếp ảnh nghệ thuật? Ảnh nghệ thuật ngày càng “đẹp” nhờ công nghệ hiện đại, bằng sự dàn dựng, sắp đặt, nhưng cũng vì thế mà ngày càng xa rời cuộc sống. Trả lời Thanh Niên tại cuộc họp báo kể trên, ông Vũ Quốc Khánh cũng bày tỏ sự lo lắng vì tính trung thực, vốn là bản chất của nhiếp ảnh, đang bị mai một bởi tác động của các nghệ sĩ tại hiện trường cũng như hậu trường, để cho ra những bức ảnh bắt mắt nhưng không phản ánh đúng thực tế. “Nhiếp ảnh nghệ thuật chấp nhận cả kỹ xảo, nhưng chỉ ở một chừng mực hoặc một số thể loại nào đó, còn nếu lạm dụng sẽ làm mất bản chất của nhiếp ảnh”, ông Khánh nói.

Những bản sao của nhau

Ở một góc độ khác, có thể thấy các cuộc thi, triển lãm ảnh được mở ra khá nhiều, nhưng luôn tạo ra cảm giác “giông giống” nhau và làm cho người xem chán mắt. Bàn về vấn đề này, nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm (TP.HCM) cho rằng mỗi người chụp ảnh cần tìm được hướng đi riêng, trong khi hội nhiếp ảnh các cấp cũng phải tạo ra được một “hành lang nghệ thuật” cho hội viên hoạt động, thay cho việc tổ chức những cuộc thi có đề tài tự do, dàn trải. “Ở nước ngoài ít người chụp ảnh để thi. Nếu chụp để bán thì ảnh phải độc đáo nên họ không chụp theo kiểu đi theo nhóm như ở VN. Người mua ảnh cũng cần có ảnh độc, lạ, để sau đó bán tiếp cho công chúng, chứ không chọn theo cách của giám khảo VN. Ảnh triển lãm của ta treo xong rồi bỏ đó cũng vì thế”, ông Nhiệm nói.

Vì sao ở VN lại có nhiều cuộc thi ảnh đến thế? Nhà phê bình lý luận Vũ Huyến, nguyên Phó chủ tịch VAPA nói rằng việc này bắt nguồn từ tâm lý muốn có danh hiệu, có giải thưởng và trở thành nghệ sĩ của đông đảo người VN. Theo đó, phải có các cuộc thi thì mới có điểm kết nạp vào hội, mới trở thành nghệ sĩ.

Việc mở các cuộc thi ảnh vì thế vẫn là cách tốt nhất, nếu không nói là duy nhất để thu hút người chụp ảnh. Còn theo ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch VAPA, tổ chức này cần quy tụ những người chụp ảnh gạo cội của nhiều thể loại nhiếp ảnh, để họ “ngồi chung một chiếu, chơi chung một sân với hội” nhằm nâng cao tầm cỡ của nhiếp ảnh VN. Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch đương nhiệm của VAPA cho biết việc này đã từng được bàn nhưng chưa đi đến thống nhất.

Còn một quan chức khác cũng của VAPA nói đây là việc không thể vì “các nghệ sĩ với bao nhiêu tước hiệu khó có thể chịu ngồi chung một chiếu với các phóng viên ảnh báo chí, hoặc thợ ảnh dịch vụ”.

Hướng đi nào cho nhiếp ảnh VN ?

Đây vẫn là câu hỏi khó đối với VAPA vì những vấn đề về chất lượng hội viên, định hướng sáng tác, việc tuyển chọn, công bố và lưu trữ tác phẩm từng được đặt ra ở nhiều kỳ đại hội trước, đến nay vẫn còn phải nhắc lại trên nhiều diễn đàn nhiếp ảnh.

Trả lời Thanh Niên, ông Vũ Quốc Khánh cho biết trong nhiệm kỳ tới sẽ tăng cường các cuộc thi chuyên đề, để chuyển dần hoạt động sáng tác của hội viên vào chiều sâu, đồng thời động viên việc thực hiện các đề tài, công trình cụ thể, qua đó nâng cao chất lượng hội viên.

Hy vọng đây sẽ là nỗ lực nhằm đưa nhiếp ảnh nghệ thuật VN tiến lên một tầm cao mới.

Lưu Quang Phổ

>> Đại hội lần thứ 7 Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam
>> Những vùng đất nhiếp ảnh Việt Nam
>> Con thuyền" nhiếp ảnh Việt Nam sẽ đến bến bờ nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.