Tài tử làng Nho: Chí lớn, hồ rượu và con mắt mỹ nhân

03/01/2023 07:09 GMT+7

Ha ha... Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu Ha ha... Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mỹ nhân. (Lời nhân vật Phạm Thái trong Tiêu Sơn tráng sĩ).

Sơ kính tân trang của Phạm Thái là một truyện thơ Nôm có 1.482 câu thơ, trong đó chủ yếu là thơ lục bát. Truyện rằng: Phạm công quê ở Từ Sơn (Kinh Bắc), theo nghiệp văn, kết thân với Trương công ở Kiến Xương (Sơn Nam), theo nghiệp võ. Cả hai ra làm quan, lại ước hẹn gả con cho nhau. Của làm tin là gương vàng và lược ngọc. Về sau, nhà họ Phạm sinh con trai, đặt tên là Phạm Kim. Khi Phạm Kim lớn lên, trong nước có biến, cha chàng mưu việc phục quốc nhưng không thành, nhà cửa tan nát. Chàng lánh đến Thúy Hoa Dương và quen với Quỳnh Thư, con gái một ông quan họ Trương, nhưng không hề biết đó là người giữ chiếc “lược ngọc”. Hai người làm thơ xướng họa, cảm mến và yêu nhau. Rồi Quỳnh Thư bị một tên Đô đốc Đàng Trong ép lấy hắn. Nàng phẫn uất tự vẫn. Trước đó, nàng cũng đã kịp tới chỗ Phạm Kim, hai người hẹn gặp nhau ở kiếp sau.

Thế rồi, người vợ lẽ Trương công sinh một cô con gái, đặt tên Thuỵ Châu. Lớn lên, nàng cải dạng con trai đi ngao du khắp nơi, gặp Phạm Kim. Họ nhận ra nhau, lại biết đã được cha mẹ đính hôn từ trước, đã trao gương vàng, lược ngọc làm tin. Sơ kính tân trang đánh dấu một bước tiến của truyện Nôm, không dựa vào truyện Trung Quốc như trước đó, mà tác giả viết chuyện của người Việt, hơn thế nữa, chuyện của chính mình. Tính trữ tình được tập trung diễn tả rất đậm. Tác giả cũng không chú ý nêu một quan niệm về đạo đức hay triết lý nào để khuyên răn người đời, mà chỉ ghi lại mối tình dang dở của mình, ca ngợi và cổ vũ tình yêu ngoài vòng lễ giáo, bất chấp ràng buộc khắt khe của xã hội.

Truyện thơ Nôm của Phạm Thái là một thiên tự truyện dù có thay đổi vài chi tiết và thêm vào đoạn cuối để gọi là hiện thực giấc mộng “tái thế trùng phùng”. Nhân vật Phạm Kim chính là tác giả Phạm Thái, còn nhân vật Trương Quỳnh Thư chính là nàng Trương Quỳnh Như trong đời thực.

Sơ kính tân trang là tác phẩm khá thành công ở phương diện trữ tình và miêu tả tâm trạng nhân vật, được các nhà nghiên cứu văn học xem như một mốc son trong hành trình đưa truyện thơ lục bát Việt Nam đạt đến đỉnh cao nghệ thuật vào đầu thế kỷ 19, tiêu biểu là Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

Tiêu Sơn tráng sĩ

Hơn một thế kỷ sau khi Phạm Thái qua đời, con người và hành trạng của ông được Khái Hưng, thành viên hàng đầu của Tự Lực văn đoàn, tái hiện sinh động trong tác phẩm Tiêu Sơn tráng sĩ - một tiểu thuyết dã sử mang màu sắc kiếm hiệp.

Nhân vật nổi bật và tạo ra nhiều ấn tượng nhất đối với người đọc trong tác phẩm của Khái Hưng, chính là Phạm Thái - một trang nam tử mà cuộc đời luôn gắn với bầu rượu, túi thơ và thanh kiếm ngời lên ánh thép. Chàng vừa như một trang hào kiệt chiến đấu vì lý tưởng, lại vừa như một khách tình si ôm trong lòng khối hận tình khôn nguôi khắc khoải.

Nhờ tuyệt tác Sơ kính tân trang của chính Phạm Thái mà chuyện tình của ông và nàng Quỳnh Như đã lưu danh hậu thế. Giờ đây, một lần nữa thiên tình sử ấy lại đi vào những trang văn Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng với cả niềm tiếc thương và đồng cảm của nhà văn dành cho mối tình đẹp mà dang dở của hai người.

Vẫn là chàng Phạm Thái tài hoa, nghĩa hiệp, bầu rượu túi thơ, nhưng trong Tiêu Sơn tráng sĩ, Khái Hưng đã cho nhân vật yêu mến của mình và những người cùng chí hướng (Nguyễn Đoàn, Quang Ngọc, Nhị Nương, Lê Báo…) mang tâm trạng của lớp sĩ phu buổi giao thời, sống giữa xã hội đầy biến động cuối Lê - đầu Nguyễn. Họ là những nho sĩ tài hoa, nhiệt huyết nhưng đầy mâu thuẫn trong lựa chọn con đường của riêng mình. Nuối tiếc nhà Lê, nhưng cũng biết nhà Lê đã lỗi thời. Nhìn thấy hào quang từ con người anh hùng cái thế Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhưng khó chấp nhận một phong trào Tây Sơn “không chính danh” theo cách nhìn của họ, nhất là khi phong trào này trở nên rệu rã, bộc lộ những nhược điểm cố hữu của ý thức hệ phong kiến sau khi Quang Trung - Nguyễn Huệ qua đời. Thấp thoáng đó đây trong Tiêu Sơn tráng sĩ là cảnh ngộ, tâm tư của những Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Nguyễn Du, Nguyễn Đề, Nguyễn Huy Lượng, Phan Huy Ích…

Khái Hưng đã quá thành công khi xây dựng hình ảnh Phạm Thái - một người trẻ tuổi, cung kiếm gió sương, đau đớn vì tình yêu tan vỡ, nay đây mai đó, bầu rượu túi thơ, dấu chân hành hiệp để lại trên khắp các nẻo đường gió bụi.

Tiêu Sơn tráng sĩ được coi như truyện dã sử nổi tiếng nhất của nền văn học nước nhà. Khái Hưng ca ngợi những chiến sĩ gan dạ, xả thân vì đại nghĩa, vì sự nghiệp cách mạng để khơi dậy trong tâm hồn giới thanh niên một tinh thần hy sinh, ái quốc.

Cũng chính ở đây, Khái Hưng đã nói lên quan niệm sống của những con người mà ông nhiều lần ngợi ca trong văn phẩm của mình. Họ hiểu thấu lẽ thịnh suy, biến dịch, dám sống tận cùng với lý tưởng trong từng khoảnh khắc hiện tại; xem nhẹ mọi được thua, còn mất trên cõi đời. Cả cái chết, với họ, cũng chỉ là đích đến của cuộc dấn thân.

Ha ha… Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu

Ha ha… Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mỹ nhân.

Một tràng cười, một câu thơ ngâm vang trong lúc chếnh choáng hơi men của chàng trai thời loạn đã làm say lòng bao nhiêu thế hệ người đọc từ bấy đến nay.

(còn tiếp)

Tài tử làng Nho

Tài tử lụy tình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.