Vệ tinh origami

18/12/2013 03:05 GMT+7

Vấn đề rất quan trọng khi gửi một vật thể lên không gian là trọng lượng và kích cỡ của nó vì liên quan đến chi phí cũng như tải trọng của tên lửa. Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu tại Đại học Brigham Young (Mỹ) lấy cảm hứng từ nghệ thuật origami trong thiết kế vệ tinh.

Vệ tinh origami  

Với cách gấp giấy theo nghệ thuật origami, các bảng thu năng lượng mặt trời sẽ không tăng trọng lượng nhưng khi vào quỹ đạo trên không gian sẽ bung ra với kích cỡ lớn hơn 10 lần. Thiết bị quang năng này có tên gọi là Sporting, dày 1 cm trên một màng mỏng và linh hoạt, được xếp theo nghệ thuật origami để có đường kính là 2,7 m và khi lên đến độ cao cần thiết sẽ bung ra với đường kính hơn 25 m.

Trưởng nhóm nghiên cứu Larry Howell cho tạp chí Gizmag biết rằng với cấu trúc theo dãy, khi bung các tấm quang năng ra sẽ rất thuận tiện vì việc triển khai và giám sát chỉ bằng một hệ thống. Dự kiến với kích cỡ này mảng quang năng sẽ tạo ra 150 kW điện, các nhà nghiên cứu còn có tham vọng tạo ra thiết bị hiệu quả hơn để thu được 250 kW điện để phục vụ các vệ tinh hoặc các trạm không gian. Có thể so sánh, 8 bảng quang năng đang sử dụng trên trạm không gian quốc tế chỉ sản xuất được 84 kW điện.

Thực ra ý tưởng đầu tiên cho bảng năng lượng mặt trời này đến từ sinh viên Shannon Zirbel, sau một mùa hè làm việc tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA. Kế tiếp, nhóm nghiên cứu mời thêm chuyên gia nghệ thuật origami là Robert Lang cùng tham gia thiết kế. Tạp chí Gizmag nhận định gấp một bảng quang năng hoàn toàn không đơn giản như cách mà nghệ thuật xếp giấy origami tạo hình một bông hoa, thuyền hay con ếch… Vật liệu phải phù hợp trong điều kiện khắc nghiệt ngoài không gian, phải linh hoạt để dễ gấp bao gồm cả hệ thống dây điện. Nguyên mẫu 1/20 của hệ thống quang năng nghệ thuật này đang sử dụng hỗn hợp sợi thủy tinh có tên gọi Garolite. Thiết kế hoàn chỉnh của nguyên mẫu sẽ được phóng đi bởi tên lửa Atlas V.

Dự án nghiên cứu bảng quang năng kết hợp nghệ thuật xếp giấy origami không chỉ nhận được sự hỗ trợ bởi NASA mà còn nhận được nhiều tài trợ khác từ quân đội Mỹ, Quỹ khoa học quốc gia, Văn phòng nghiên cứu khoa học không quân…

Tạ Xuân Quan

>> Vệ tinh do thám khổng lồ
>> Nhiều vệ tinh quân sự Nga lên không gian
>> Vệ tinh siêu nhỏ do Việt Nam chế tạo phát tín hiệu đầu tiên
>> Vệ tinh giám sát thảm họa mất rừng
>> Vệ tinh châu u đang đâm xuống trái đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.