Thảm họa hồ chứa

02/10/2013 03:05 GMT+7

Hôm nay, ngày 2.10 cả nước mới biết số phận của hàng ngàn gia đình ở thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An ra sao sau động thái 'quen thuộc' của chủ dự án các hồ thủy lợi ở thượng nguồn các con sông: xả lũ cấp tập khi thấy hồ đập của mình có nguy cơ bị vỡ.

Hôm nay, ngày 2.10 cả nước mới biết số phận của hàng ngàn gia đình ở thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An ra sao sau động thái 'quen thuộc' của chủ dự án các hồ thủy lợi ở thượng nguồn các con sông: xả lũ cấp tập khi thấy hồ đập của mình có nguy cơ bị vỡ.

>> Hai hồ đập thủy lợi vỡ, hơn 1.000 hộ dân ngập trong lũ

Cả 500 gia đình ở thị xã Hoàng Mai bị lũ từ hồ chứa nước Vực Mấu nhấn chìm suốt đêm 1.10, toàn bộ tuyến quốc lộ 1A ngang qua vùng này bị tê liệt do lũ đã băng qua đường. Hàng ngàn xe ô tô xếp hàng dài đợi nước rút.

Lâu nay, người dân không lạ gì với việc các chủ hồ đập xả lũ cấp tập mà không cần biết số phận của hàng chục vạn người ở hạ du ra sao, chỉ “lạ” ở chỗ, sự việc cứ lặp đi lặp lại mãi, cứ mãi xem mạng người không bằng con đập mà sao không thấy ông chủ hồ đập nào bị kỷ luật cả. Cùng lắm các ông chủ ấy chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm là cùng. Động thái xả lũ cấp tập này khác gì dìm dân xuống nước mà trách nhiệm luôn thuộc về... ông trời!

Việc 500 gia đình ở thị xã Hoàng Mai bị dìm trong biển lũ do xả nước ở hồ Vực Mấu ngày 1.10 như là sự lặp lại quen thuộc lâu nay của các chủ hồ đập mỗi khi có lũ lớn. Còn nhớ trận lũ kinh hoàng năm 2009, thủy điện A Vương cũng đã dìm hàng trăm ngàn gia đình vùng hạ du thuộc 2 huyện Đại Lộc và Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam trong biển nước do xả lũ “thiếu kiềm chế” vì sợ vỡ đập. Mới đây, vào tháng 6.2012, hàng loạt hồ chứa của các công trình thủy điện thượng nguồn sông Ba đã đồng loạt xả lũ khiến người dân vùng hạ du tỉnh Phú Yên trở tay không kịp.

Sau khi phải trả giá bằng chính mạng sống của người dân địa phương mình do việc xả lũ không kiểm soát, các tỉnh đã kiến nghị với Bộ Công thương sớm ban hành quy chế xả lũ, bắt đầu từ năm 2012. Theo đó, các hồ đập khi xả lũ phải báo cho dân vùng hạ du biết trước từ 4-6 giờ thay vì 2 giờ như trước đây. Quy định là vậy, song chả mấy ai thực hiện cả. Bằng chứng là 500 gia đình ở thị xã Hoàng Mai vô cùng sửng sốt khi thấy nước lũ từ thượng nguồn ùn ùn đổ về dù Nghệ An chưa phải là tâm bão số 10, lượng mưa vùng này cũng chưa phải là đỉnh điểm. Các nhà quản lý hồ thủy lợi Vực Mấu đã cố tình “quên” rằng, cả 5 cửa thoát lũ của hồ khi mở hết công suất là đồng nghĩa với việc dìm hàng ngàn gia đình trong biển nước. Nhìn những ngôi nhà ở đây bị nước ngập tới nóc mới thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân bị lũ nhấn chìm không phải do trời mà là do con người gây ra.

Điệp khúc quen thuộc của các hồ thủy lợi và thủy điện lâu nay là: mùa khô thì quyết giữ nước đến giọt cuối cùng, bất chấp hạn hán; mùa mưa lũ thì cố tích nước đến khi đối mặt với nguy cơ vỡ đập thì bắt đầu xả nước cấp tập, không cần biết số phận của người dân sống chết ra sao.

Bộ Công thương đã ra quy chế xả lũ thì cũng nên ban hành chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các chủ hồ đập luôn dìm dân xuống nước mỗi mùa mưa lũ về.

Trần Đăng

>> Tiềm ẩn rủi ro vỡ đập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.