'Đua nhau' nuôi tôm trên cát

21/10/2013 10:15 GMT+7

Giá tôm thẻ chân trắng tăng cao chưa từng thấy, người dân vì thấy nguồn lãi quá lớn đã không ngần ngại chặt bỏ nhiều diện tích rừng ven biển để làm hồ nuôi tôm.


Việc phát triển hồ tôm trên cát “quá nóng” đang đe dọa môi trường sinh thái - Ảnh: Hoàng Sơn

Đổ xô chặt hạ rừng dương

Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều địa phương thuộc H.Núi Thành (Quảng Nam). Sau vụ thu hoạch vừa qua, thông tin nhiều chủ hồ “trúng đậm” với lãi ròng hàng trăm triệu đồng đã tạo nên “cơn sốt” nghề nuôi tôm trên cát. Các hộ dân thi nhau phá bỏ vườn tược, chặt nhiều rừng dương ven biển để trải bạt nuôi tôm. Nhiều người chưa có kinh nghiệm cũng vay mượn, hùn hạp để đầu tư vào nghề này.

Theo nhiều hộ dân tại thôn 2, vụ tôm vừa qua, người nuôi tôm thẻ chân trắng hầu hết đều lãi lớn. Với giá xuất bán từ 160.000 - 170.000 ngàn đồng/kg, trên diện tích 500 m2, mỗi chủ hồ tôm có thể lãi ròng 80 - 100 triệu đồng. Mặc dù vẫn còn thiếu kinh nghiệm nhưng ông Tính vẫn phá vườn trồng dương rồi vay tiền để đắp hồ nuôi tôm. Ông Nguyễn Ngọc Phụng (41 tuổi, trú tại thôn 2) cũng phá bỏ diện tích gần 500m2 rừng dương để trải bạt để thả tôm giống. Dọc đường thanh niên ven biển qua địa bàn xã Tam Tiến, Tam Hòa… đâu đâu cũng thấy cảnh người dân đang trục từng gốc dương, thuê xe cơ giới san ủi làm hồ tôm.

Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, thực trạng rừng phòng hộ ven biển bị phá huỷ do người dân “thi nhau” làm hồ nuôi tôm là có. “Tôi cũng đã làm việc với lực lượng kiểm lâm và được biết đa phần những rừng dương ven biển không phải thuộc rừng nhà nước quản lý nên không thể xử phạt”, ông Giúp nói. Ngoài ra, theo ông Giúp, do giá tôm tăng cao đã xảy ra tình trạng người dân tranh giành quyền sử dụng đất ven biển để làm hồ nuôi.

Nhiều lo ngại

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tôm sau khi được các tư thương tại địa phương mua sẽ được đưa ra cửa khẩu Lạng Sơn nhập về Trung Quốc. Vì được giá, nhiều người nuôi tôm tại địa phương này đã bỏ “bạn hàng” quen thuộc để chuyển sang bán tôm cho những lái buôn Trung Quốc. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Nam, việc thương lái Trung Quốc nâng giá thu mua tôm sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước không mua được tôm nguyên liệu. Bà Tâm bày tỏ lo ngại: “Đến khi Trung Quốc phá giá, không thu mua nữa thì sẽ không có người mua tôm nội địa, người nông dân sẽ gặp khó”.

Việc phát triển “quá nóng” nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã thuộc H.Núi Thành đã dẫn đến tình trạng người dân làm hồ nuôi trái phép. “Vì nguồn lợi quá lớn nên người đã dân bất chấp sự quản lý của địa phương. Khi lực lượng đến kiểm tra thì người ta bỏ trốn, đến khi lực lượng chức năng đi thì họ lại tiếp tục làm”, ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho hay. Hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND H.Núi Thành tiếp tục cưỡng chế các hồ tôm trái phép.

Không những vậy, việc người dân ồ ạt làm hồ nuôi tôm cũng đang đe dọa, ô nhiễm môi trường nguồn nước sông, biển.

UBND H.Núi Thành đã yêu cầu UBND các xã Tam Hải, Tam Tiến, Tam Hoà kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích; có biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép tại vùng quy hoạch du dịch và vùng đông đường thanh niên của xã Tam Tiến, vùng nam của xã Tam Hải; kiên quyết không cấp điện cho các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch và có hình thức xử lý nghiêm các hộ sử dụng điện không đúng mục đích.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.