Hai người bạn

27/10/2013 03:00 GMT+7

Báo chí vừa thông tin mấy nhà ngoại cảm lừa dối trong việc tìm mộ liệt sĩ. Nghe những chuyện ấy, tôi cứ băn khoăn tự hỏi sao điều thiêng liêng như thế mà họ vẫn lợi dụng được nhỉ, không biết sợ trời đất quỷ thần ư.

Bất chợt lại nhớ đến một người bạn, suốt mấy chục năm bỏ bao công sức, lặn lội khắp nơi cùng các đội quy tập đi tìm mộ, tìm hài cốt chiến sĩ đã hy sinh. Và cách tìm kiếm rất khoa học, chả ngoại cảm, thần bí gì. Cứ lặng thầm không nói. Hàng trăm liệt sĩ đã về quê hương, về với gia đình, nhờ phần đóng góp rất lớn của chị.

Chị là thượng tá Nguyễn Thị Tiến, từng làm Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu 4. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhưng chị gắn bó với đời lính cho đến khi hưu. Hằng ngày tiếp xúc với các di vật của liệt sĩ, chị nảy ra suy nghĩ tại sao không căn cứ vào di vật, dù ít ỏi để lần ra manh mối. Cứ như thế, rất chính xác, gần 400 liệt sĩ vô danh hoặc không tin tức đã được xác định tên tuổi, quê quán, người thân, mộ phần. Những người Mỹ cựu binh giữ kỷ vật chiến tranh biết chuyện đã tìm đến chị, tin cậy trao cho chị những hiện vật, tư liệu quý để từ đó bản danh sách liệt sĩ hồi hương càng dày thêm.

Chị kể gần đây nhất là nhóm cựu binh Mỹ có tên Dove (chim hòa bình) chuyển cho chị chiếc mũ bộ đội, bên trong ghi cái tên Bùi Đức Hưng và vẽ con chim hòa bình (từ hình ảnh này mà nhóm cựu binh kia đã đặt tên cho nhóm là Dove, họ bảo họ khâm phục một người lính cầm súng chiến đấu nhưng khát khao hòa bình, họ muốn thực hiện tiếp niềm khát khao ấy). Chị Tiến đã dày công liên hệ với nhiều nơi, nhiều đơn vị và cuối cùng xác định được liệt sĩ Bùi Đức Hưng quê ở huyện Tam Nông, Phú Thọ, đã chiến đấu và hy sinh ngày 25.8.1968 tại Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ, nay là Đắk Nông). Chị cho biết đang chuẩn bị cuộc gặp gỡ của nhóm Dove với gia đình anh Hưng, trao những kỷ vật của liệt sĩ được họ giữ lâu nay, sau đó phối hợp với các cơ quan đơn vị ở Đắk Nông tổ chức tìm kiếm mộ anh. Bao nhiêu việc phải làm, nhưng cứ một mình lặn lội, lặng lẽ, bỏ tiền túi ra mà không đòi hỏi gì. Chị bảo đó là trách nhiệm, đạo lý của người còn sống với người đã khuất.

Người bạn thứ hai, bạn vong niên mà tôi được nhiều dịp tiếp xúc là họa sĩ Đỗ Đức. Anh cũng đã về hưu, nhưng đôi chân, niềm say mê sáng tác không chịu nghỉ. Anh nhiều năm gắn bó với vùng cao phía bắc, nhất là Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc... (Hà Giang), thương những người dân thiểu số còn nhiều nghèo nàn, cơ cực. Anh vẽ và viết về họ, thương cảm, khâm phục họ. Anh tổ chức triển lãm tranh “Cao nguyên đá” với tâm nguyện bán tranh có tiền giúp bà con nghèo. Hồi tháng 9 vừa rồi, anh bán tranh thu được 80 triệu đồng, tặng hết cho huyện Đồng Văn để xây 2 căn nhà cho hộ nghèo. Anh làm nghệ thuật với sự thôi thúc “vị nhân sinh” thật tự nhiên, trong sáng. Và cũng cứ lặng lẽ không đòi hỏi gì cho mình.

Quý biết bao sự thầm lặng yêu con người và đóng góp cho đời.

Giữa bao nhiêu lấn bấn nhiễu loạn của đời thường, những người bạn ấy khiến ta càng thêm tin yêu cuộc sống.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.