Môn tiếng Anh không đánh đố

05/06/2014 03:00 GMT+7

Phần trắc nghiệm vừa sức học sinh, không có ý đánh đố, học sinh cảm thấy thoải mái khi làm. Trong khi đó học sinh bối rối trước thông tin về phần thi viết.


TS tại TP.HCM trao đổi sau giờ thi môn tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

30 câu trắc nghiệm phân hóa đầy đủ các dạng từ phân biệt âm, cách đọc âm “S”; cấu trúc văn phạm (sau avoid, so sánh kép, câu gián tiếp, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, sự phối hợp thì trong mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian...); từ vựng dễ hiểu, không có từ khó, sát với chương trình giảng dạy Anh văn lớp 12 trong sách giáo khoa ngoại trừ một thành ngữ hơi nâng cao (Meet one’s needs), phải từng học qua mới biết được nên câu này học sinh sẽ sai nhiều. Đoạn văn điền từ cũng không có từ khó, học sinh có thể đọc hiểu và chọn dễ dàng dựa vào cấu trúc đã học. Đoạn văn trả lời câu hỏi có một vài từ khó theo sức học của học sinh trung bình nhưng học sinh có thể hiểu và chọn chính xác.

Phần viết nội dung đơn giản, gần gũi với việc học tập và trau dồi hằng ngày nên học sinh có ý để viết.

Tuy nhiên, qua việc đổi mới đề thi môn ngoại ngữ lần này, thiết nghĩ Bộ nên có kế hoạch cụ thể và nội dung thi càng sớm càng tốt về các trường phổ thông để thầy trò có kế hoạch học tập ôn thi, tránh sự hoang mang cho phụ huynh và học sinh.

Trước khi diễn ra kỳ thi, nay đọc trên báo này nói rằng có thi viết luận, mai trên tờ báo khác lại nói thi tự luận. Có nhiều học sinh khi chọn Anh văn nhưng đổi lại môn khác vì nghe tin có viết luận, rồi chọn lại Anh văn vì không có viết luận mà chỉ là... viết. Học sinh thật sự đã ở trong một tâm trạng lo lắng. Trong khi đó, chúng tôi không thấy một công văn chính thức nào gửi đến trường về điều này.

Trước ngày thi, học sinh hỏi thầy cô với tâm trạng lo lắng. Ngay bản thân giáo viên cũng không biết trả lời sao, chỉ khuyên học sinh bình tĩnh nếu có viết luận, nên đọc kỹ đề, viết từng câu đơn, chú ý đừng sai văn phạm, chú ý sử dụng những thành ngữ đã học, không suy ra hay dịch từ tiếng Việt...

Các em càng lo sợ hơn khi thấy đề môn văn, sử, địa hỏi về tình hình biển Đông và chủ quyển biển đảo. “Nếu viết luận về tình hình biển Đông, làm sao em có ý và từ viết, cô ơi!”, trước ngày thi môn tiếng Anh, học sinh than thở.

Đến sáng 4.6, trước khi đi thi môn Anh văn, nghe trên báo đài biết đề thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ sẽ có hai phần trắc nghiệm và viết luận. Không biết bao nhiêu học sinh và phụ huynh nghe được tin đó, và học sinh cảm thấy thế nào khi nghe được tin chính thức đó?

Lúng túng phần viết

Đề này phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT dành cho học sinh thành phố lớn, học sinh nông thôn không dễ đạt điểm cao. Tuy nhiên, ngay cả TS thành phố lớn cũng chỉ có thể làm nhanh phần trắc nghiệm, còn phần viết sẽ hơi lúng túng. Bởi lẽ, trước nay trong học và thi học sinh thường chỉ quen cách viết dạng câu đơn. Nên dù chủ đề gần gũi, việc ráp nhiều câu trong một đoạn văn cũng khó hơn nhiều. Khi đó, học sinh cần phải có sự sắp xếp câu chữ vừa đủ ý, vừa đảm bảo tính logic trong một đoạn văn. Vì vậy, dù các câu hỏi của đề đều nằm trong chương trình học, không có câu hỏi nâng cao nhưng đa số học sinh chỉ có thể đạt điểm trung bình. Chỉ những TS từng ôn luyện thi lấy chứng chỉ Anh ngữ quốc tế mới có thể đạt điểm 10.

Lê Lâm Thảo Uyên
(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi TP.HCM)

Hà Ánh (ghi)

Trần Thị Huyền Thanh
(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)

>> Học sinh miền núi 'né' ngoại ngữ
>> Khó khăn trong chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ
>> Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh Quảng Bình ít chọn môn ngoại ngữ
>> Ngân sách bị lãng phí trong Đề án ngoại ngữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.