Sự thật đằng sau vụ tiêm kích Trung Quốc áp sát máy bay Nhật ở biển Hoa Đông

11/06/2014 20:15 GMT+7

(TNO) Một số chuyên gia cho rằng những vụ chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay quân đội Nhật ở biển Hoa Đông xảy ra gần đây xuất phát từ việc Bắc Kinh muốn khiêu khích Tokyo, nhưng các quan chức Nhật cho biết nguyên nhân không đơn giản như vậy.


Ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp cho thấy một chiến đấu cơ SU-27 có mang theo tên lửa của Trung Quốc bay qua biển Hoa Đông hôm 24.5 - Ảnh: Reuters

Một máy bay chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát một cách bất thường gần hai máy bay quân đội Nhật tại không phận quốc tế vào ngày 11.6, đài NHK (Nhật) dẫn thông báo của bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết.

Chiếc Su-27 của Trung Quốc đã bay cách hai máy bay trinh sát của Lực lượng Phòng vệ Trên Không Nhật Bản (JSDF) khoảng 30 m.

Đây không phải là lần đầu tiên tiêm kích Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm gần máy bay Nhật.

Khoảng 11 giờ trưa ngày 24.5 (giờ địa phương), hai chiếc Su-27 Trung Quốc cũng đã bay rất gần một chiếc máy bay trinh sát OP-3C của JSDF, và một trong số hai chiếc đã bay cách máy bay Nhật vỏn vẹn có 50 m, trên biển Hoa Đông.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, hai chiếc máy bay cùng loại của Trung Quốc lại tiếp tục áp sát một máy bay trinh sát điện tử YS-11EB  của Nhật, và lần này khoảng cách giữa một trong hai chiếc máy bay Trung Quốc và máy bay của Nhật là khoảng 30 m.

Nikkei, một trong những hãng tin hàng đầu của Nhật, cho biết việc máy bay siêu thanh bay cách máy bay khác trong khoảng cách 30 m và 50 m là hành động cực kỳ nguy hiểm vì khi đó các máy bay rất dễ va vào nhau.

Theo thông tin từ chính phủ Nhật, máy bay Su-27 Trung Quốc bay sát máy bay Nhật ở khoảng cách 50 m và 30 m đều cùng là một chiếc và do cùng một phi công lái, Nikkei tiết lộ.

Nguồn tin từ chính phủ Nhật xác nhận thông tin này thông qua số đăng ký trên thân máy bay Trung Quốc.

Bình luận về vụ việc kể trên, nhiều quan chức chính phủ Nhật cho rằng phi công máy bay Trung Quốc áp sát máy bay Nhật đã tự ý hành động.

“Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy người này đã hành động theo ý của riêng mình chứ không phải từ chỉ thị của cấp trên”, một quan chức Nhật giấu tên nói với Nikkei.

Khó có chuyện nhận lệnh từ cấp trên

Hãng tin Nhật cho biết, trên thực tế, vẫn có khả năng tướng lĩnh quân đội Trung Quốc đã ra lệnh cho viên phi công máy bay Su-27 bay sát máy bay Nhật bất chấp nguy hiểm.

Nhưng nhiều quan chức Nhật Bản không tin vào giả thuyết này.

“Quân đội Trung Quốc không dám ra lệnh cho phi công của họ bay sát máy bay của nước khác ở tốc độ cao như vậy, trừ phi họ quá tự tin vào năng lực của phi công”, một quan chức an ninh quốc gia Nhật nhận định.

“Theo đánh giá kỹ năng của viên phi công Trung Quốc, thì khó có thể tưởng tượng được rằng bộ chỉ huy đã đưa ra một mệnh lệnh như vậy cho anh này”.

Khi đang áp sát máy bay của JSDF, chiếc máy bay Su-27 Trung Quốc đã bay không vững, lên xuống một cách bất thường, nguồn tin của Nikkei cho biết.

Công tác huấn luyện yếu kém


Lính không quân Trung Quốc trong một buổi tập trận ở thành phố Tế Nam - Ảnh: Reuters

Quân đội Trung Quốc đã gia tăng số lượng máy bay chiến đấu lên gấp 6 lần trong vòng 15 năm qua, theo hãng tin Nhật.

“Do gấp rút tuyển phi công, nên họ đã không huấn luyện đủ về luật lệ quốc tế cho các phi công”, một quan chức cấp cao của JSDF cho biết.

Giới quan sát cho rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy các hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với quân đội Nhật trong những năm gần đây xuất phát từ việc binh sĩ tại hiện trường tự ý hành động.

Căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc leo thang hồi tháng 11.2004, khi một chiếc tàu ngầm Trung Quốc vi phạm hải phận Nhật ở biển Hoa Đông.

“Vụ việc lần đó nhiều khả năng cũng là do người tại hiện trường cố ý làm”, ông Bonji Ohara, một chuyên gia tại Quỹ Tokyo, nơi phân tích các vấn đề trong và ngoài nước có ảnh hưởng đến Nhật Bản, cho biết.

“Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tôi có gặp một quan chức cấp cao tại trụ sở hải quân Trung Quốc”, ông Ohara nói. “Ông này thừa nhận rằng ông đã không hiểu được chuyện gì đã xảy ra”.

Khoảng 8 tháng sau, “một quan chức hải quân Trung Quốc nói với tôi rằng: ‘Việc như vậy sẽ không bao giờ tái diễn vì chúng tôi đã giảng giải về luật quốc tế cho thủy thủ”, chuyên gia Nhật này cho biết thêm.

Nikkei nhận định rằng cũng có khả năng giới lãnh đạo Trung Quốc đã dùng các chiến dịch tuyên truyền chống Nhật, khiến các quân nhân nước này dễ tự ý thực hiện những hành động khiêu khích.

Hoàng Uy

>> Chiến đấu cơ Trung Quốc khiêu khích máy bay quân sự Nhật ở biển Hoa Đông
>> Chiến đấu cơ Trung Quốc đã có thể cất cánh ngay từ đường cao tốc
>> Chiến đấu cơ Trung Quốc đến Hoa Đông
>> Chiến đấu cơ Trung Quốc đâm xuống nhà dân  

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.