Sức mạnh tàu tuần tra Nhật Bản

20/12/2013 09:00 GMT+7

Với năng lực vượt trội, các tàu tuần tra do Nhật Bản cung cấp được kỳ vọng sẽ giúp các nước ASEAN tăng cường khả năng bảo vệ biển.

 Sức mạnh tàu tuần tra Nhật Bản
Tàu tuần tra Nhật (gần) phun vòi rồng vào tàu Đài Loan hồi tháng 9.2012 - Ảnh: AFP

Trong mấy ngày qua, 2 cường quốc Nhật Bản và Mỹ liên tục công bố nhiều khoản hỗ trợ để giúp các thành viên ASEAN củng cố năng lực tuần tra, chấp pháp trên biển trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang có nhiều biến động. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tổng số tiền mà Mỹ viện trợ cho an ninh hàng hải của khu vực sẽ vượt qua con số 156 triệu USD trong 2 năm tới, với nhiều hạng mục như đào tạo, mua tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển nhằm giúp các quốc gia Đông Nam Á thực hiện các hoạt động nhân đạo và kiểm soát, bảo vệ lãnh hải. Trong đó, thông tin từ Bộ Ngoại Mỹ cho biết Việt Nam sẽ nhận 18 triệu USD, còn số tiền dành cho Philippines là 40 triệu USD…

Nếu Mỹ chủ yếu giúp “hiện kim” thì Nhật tập trung cung cấp “hiện vật”. Tờ PhilStar đưa tin Nhật đã ký thỏa thuận chuyển giao cho Philippines 10 tàu tuần tra hiện đại trị giá 184 triệu USD theo hình thức ODA, với lô đầu tiên dự kiến được giao vào năm 2015. Bên cạnh đó, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Tokyo ngày 15.12, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông báo hai bên nhất trí tiến hành đàm phán chi tiết về việc Nhật cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Tờ Asahi Shimbun dẫn một số nguồn tin cấp cao từ Tokyo tiết lộ các tàu được chuyển tới Đông Nam Á là tàu đa nhiệm dài 40 m, độ choán nước 180 tấn, có thể chở thủy thủ đoàn với 25 thành viên, được trang bị pháo tự động 20-30 mm, súng máy và súng trường.

Trang bị “khủng”

Thường xuyên phải ứng phó các tàu công vụ của Trung Quốc đại lục và Đài Loan xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nên Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) đã xây dựng một đội tàu tuần tra biển vô cùng hiện đại. Tháng trước, JCG đã nhận chiếc tàu tuần tra lớp Shikishima thứ hai mang tên Akitsushima. Đây là tàu tuần tra lớn nhất thế giới, dài 150 m và có độ choán nước 6.500 tấn, theo trang Homelandsecurity-technology.com. Với vận tốc 46 km/giờ, tầm hoạt động 20.000 hải lý (hơn 37.000 km), tàu có thể chạy từ Nhật sang châu Âu không cần tiếp nhiên liệu.

 

Tăng cường hợp tác với ASEAN

Đó là một trong những nội dung chính của chiến lược an ninh quốc gia mới được chính phủ Nhật Bản phê duyệt ngày 17.12. Theo đó, Nhật sẽ tăng cường hỗ trợ nhằm duy trì và củng cố sự đoàn kết của ASEAN, cũng như hỗ trợ nỗ lực của các bên đang tham gia tranh chấp ở biển Đông đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC). Theo website của chính phủ Nhật Kantei.go.jp, chiến lược an ninh mới sẽ định hướng cho các chính sách an ninh quốc gia trong thập niên tới với trọng tâm là ứng phó các mối đe dọa đến từ vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã lên tiếng chỉ trích chiến lược mới của Nhật, theo Yonhap.

Tàu lớp Shikishima trang bị 2 súng 20 mm JM61 Gatling, 2 súng đôi chống máy bay 35 mm Oerlikon, nhiều pháo 35 mm và có thể mang thêm 2 súng máy 12,7 mm. Trên tàu có gắn nhiều loại radar tân tiến phục vụ cho các nhiệm vụ khác nhau từ dò tìm trên biển đến theo dõi máy bay. Nhờ kích cỡ “khủng”, tàu lớp Shikishima còn chở được 2 máy bay trực thăng EC225 Super Puma do châu Âu sản xuất. Vì thế, đây là sự bổ sung hiệu quả cho đội tàu tuần tra cỡ lớn chở trực thăng (PLH) của JCG, vốn đã có các tàu lớp Mizuho, lớp Soya và lớp Tsugaru.

Hiện nay, JCG được cho là sở hữu hơn 350 tàu tuần tra các loại, gồm PLH, tàu tuần tra lớn từ 1.000 tấn đến 3.500 tấn, tàu tuần tra cỡ trung (PM) từ 350 đến 500 tấn, tàu tuần tra cỡ nhỏ (PS) 130 đến 220 tấn và tàu tuần tra cao tốc (PC). Phần lớn trong số đó được trang bị radar và hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến. Chẳng hạn, tàu lớp Hateruma dài 89 m, độ choán nước 1.300 tấn và vận tốc hơn 55 km/giờ, được trang bị pháo tự động 30 mm Mk44 Bushmaster II, với hệ thống kiểm soát hỏa lực được hỗ trợ quang học, định tầm laser. Đây là loại pháo hoàn toàn mới, giúp tăng hỏa lực so với các tàu tuần tra 1.000 tấn bình thường của JCG.

Thiện chiến

Hiệu quả của tàu tuần tra Nhật đã được chứng minh qua những lần chạm mặt với tàu Trung Quốc đại lục và Đài Loan tại vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư. Cụ thể, ngày 7.9.2010, một tàu PS đã rượt đuổi, bắt một tàu cá Trung Quốc trên vùng biển mà Tokyo tuyên bố chủ quyền gần Senkaku/Điếu Ngư. Theo JCG, mặc dù được cảnh cáo rút khỏi vùng biển nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn phớt lờ, thậm chí tông thẳng vào tàu Nhật khi bị truy đuổi, nhưng cuối cùng vẫn phải khuất phục.

Chưa hết, theo Đài NHK, vào ngày 25.9.2012, các tàu tuần tra Nhật đã có cuộc đấu vòi rồng quyết liệt với 12 tàu tuần tra Đài Loan đang hộ tống 40 tàu cá kéo đến gần Senkaku/Điếu Ngư. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, nhóm tàu Đài Loan không chịu nổi và đành rút lui. Đến ngày 24.1.2013, lực lượng Nhật tiếp tục dùng vòi rồng đẩy lùi tàu tuần duyên Đài Loan khỏi khu vực Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy nhiên, JCG hiện chỉ có 9 tàu tuần tra dành cho cả vùng biển xung quanh tỉnh Okinawa, bao gồm Senkaku/Điếu Ngư, trong khi tàu công vụ Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp ngày càng nhiều. Để ứng phó tình trạng này, Tokyo đang xúc tiến kế hoạch lập một đội tàu gồm 12 chiếc chuyên tuần tra nhóm đảo tranh chấp, bao gồm 10 tàu 1.000 tấn trở lên và 2 tàu PLH, theo tờ Yomiuri Shimbun.

Văn Khoa

>> Trung Quốc tiếp tục điều tàu đi ngang quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
>> Mỹ khẳng định hậu thuẫn Nhật tại Senkaku/Điếu Ngư
>> Tàu tuần duyên Trung Quốc lại 'lảng vảng' gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Tàu tuần duyên Trung Quốc lại lượn lờ gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Mỹ - Nhật tăng cường giám sát Senkaku/Điếu Ngư 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.