Ăn đọt cây rừng

01/01/2014 11:10 GMT+7

Đọt nhiều loại cây rừng khi đã lên chảo, vào soong của người C’Tu (Quảng Nam) bỗng trở thành những món ăn đặc biệt, nếm một lần thì không thể quên.

 Hái rau rừng
Hái rau rừng để cải thiện bữa ăn - Ảnh: Hoàng Sơn

Lạ miệng với a dương

Nhiều món ăn của người C’Tu giờ đây đã trở thành đặc sản của núi rừng Trường Sơn mà họ thường đem ra đãi khách mỗi dịp lễ. Trong đó, sản vật trứ danh, trở thành món “độc” phải kể đến đầu tiên là đọt cây mây (a dương). Chị Alăng Thưa (35 tuổi, trú tại thôn Aréc, xã A Vương, H.Tây Giang) nói rằng, do cây mây ngày càng tiến sâu vào rừng nên để làm các món ăn từ loại đọt cây này phải đặt từ trước. Để ăn món này, chị đã trèo đèo lội suối vào những nơi hiểm trở. Có khi, chồng vào rừng bứt mây về bán, chị không quên dặn hái đọt mây mang về thưởng thức. “Có khó kiếm thế nào thì ngày tết, đám cưới, dân làng mình đều phải cố kiếm cho ra ít đọt để làm các món ăn đãi khách. Tất nhiên phải là khách quý nhé vì món này hiếm mà…”, Thưa cười.

Đọt cây mây có thể nấu được nhiều món ngon, thường thì người C’Tu đem xào với dầu, rắc thêm ít tiêu rừng (a mất). Đơn giản hơn có người đem “lụi” đọt mây vào bếp than hồng để nướng như khoai. Thế nhưng, theo chị Thưa, món ngon và được nhiều người ưa chuộng nhất là đọt mây nấu cháo với bột sắn hoặc bột gạo. Món này chế biến đơn giản theo kiểu nấu cháo bình thường. Tuy nhiên, để giảm bớt vị chát và đắng của đọt mây, trước khi nấu, các đầu bếp người C’Tu thường “khử” bằng cách cho đọt mây vào ngâm nước muối ít phút. Sau khi vớt ra để ráo, người nấu tiếp tục cho vào nồi nấu chung với ít gạo, bỏ chung thêm ít cá suối, thịt rừng… để bổ sung chất đạm cho thức ăn. Để tăng thêm hương vị có thể bỏ thêm ít rau rừng như a pắt (lá ngò). “Khi cháo chín tới, nhấp một thìa thấy trong miệng bùi ngầy ngậy, hơi thanh mà lại đăng đắng, lạ lắm. Nhiều người lần đầu thấy món này cũng ngại thử nhưng thử rồi ai cũng bảo ngon, khó tả”, chị Thưa tiếp lời.

Thương nhớ rau dớn

Trong các chuyến công tác vùng cao ở Quảng Nam, người viết nhiều lần được đồng bào C’Tu cũng như các chiến sĩ bộ đội biên phòng đãi món rau dớn mọc dại giữa rừng. Rau dớn thường mọc dày nhất trên những bãi cát dọc các con sông, con suối sau mỗi cơn lũ. Trong hành trình vào vùng Pêtapooc (xã Đăk Pring, H.Nam Giang), người viết đã từng cùng các chiến sĩ biên phòng đi dọc bờ sông để hái rau dớn. Hái tới đâu cứ có cảm giác cây dớn sau lũ chẳng khác gì cây nấm mọc sau mưa. Xanh, non và đem chế biến món gì cũng thấy ngon.

Một cán bộ Huyện ủy H.Tây Giang cho biết, món này sau đó thành “thương hiệu” của núi rừng mà hễ cứ nhắc đến rau dớn là người ta nhớ ngay đến món xào. Cách chế biến trông rất giống món rau muống xào tỏi. “Mời anh em, chúng ta vừa ăn vừa nhấp tí tà vạt nhé. Trời rét, thế này là đúng điệu lắm đấy”, anh cán bộ nói. Quả thật, người viết đã ăn nhiều món làm từ rau dớn như luộc, nấu canh nhưng chỉ có dớn xào là tuyệt hảo.

Chỉ đạm bạc là thế nhưng mỗi lần được thưởng thức món này nhiều người già thuộc các dân tộc tại Quảng Nam không khỏi bùi ngùi nhớ về một thời khốn khó đã qua. Già Y Kông (86 tuổi, trú tại xã Ba, H.Đông Giang) - một người am hiểu văn hóa C’Tu bảo rằng, mỗi lần được ăn những món từ đọt mây, đọt đoác hay rau dớn, ông đều cảm thấy nhớ về thời trai trẻ - thời kỳ mà để mua hạt muối còn rất khó. Gắp cọng rau rừng mà lòng thấy nhớ ngày xưa…

Hoàng Sơn

>> Nghề “săn” rau rừng
>> Cá chua nấu đọt rau rừng
>> Món rau rừng trộn cả nhớ thương
>> Canh cua rau rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.