Người Việt ở Pháp: Đại tướng là niềm tự hào lớn lao

12/10/2013 21:10 GMT+7

(TNO) Những trang báo Pháp đăng tải bài viết ca ngợi Đại tướng; bài báo nổi tiếng về Đại tướng năm 1952 có tên Núi lửa phủ tuyết được đăng lại trên tờ báo lớn của Pháp; những cuộc điện thoại của bạn bè Pháp hỏi thăm về sự ra đi của Đại tướng…, tất cả đã làm nên sự tự hào đến nghẹn ngào của những người Việt xa Tổ quốc trong những ngày quốc tang.

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 
Đông đảo người dân đến viếng Đại tướng tại Quảng Bình - Ảnh: Độc Lập

Tự hào về sự toả sáng của Đại tướng

“Báo Pháp, truyền hình Pháp đưa tin, đăng bài về Đại tướng rất nhiều. Họ hết lòng ca ngợi Đại tướng với những mỹ từ mà dù mình vốn không thích “đao to búa lớn” cũng không khỏi tự hào, nhưng là sự tự hào đến nghẹn ngào vì Đại tướng đã ra đi”, anh Nguyễn Đỗ Long, tiến sĩ ngành du lịch, hiện sống tại “thành phố đỏ” Toulouse chia sẻ.

Cũng giống như anh Long, vào thời điểm này, những người Việt làm việc, nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu của nước Pháp, nơi có rất đông bạn bè quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới, đều cảm nhận một niềm tự hào đặc biệt về Đại tướng, về dân tộc khi được đồng nghiệp, bạn bè thăm hỏi sau mỗi lần họ đọc báo, xem các chương trình truyền hình nói về vị Đại tướng anh hùng.

“Mỗi lần được hỏi thăm như thế, mình trỗi dậy cảm giác tự hào về một người 'cha vĩ đại', nhưng lại rưng rưng khi nghĩ đến sự ra đi của Đại tướng”, Đỗ Khánh Vân, cán bộ nghiên cứu tại Trường đại học Montpellier kể lại.

Trong những ngày này, tin tức về Đại tướng, về sự ra đi của ông đôi khi đã thay chỗ cho những thăm hỏi thông thường hằng ngày giữa những người Việt với những người bạn Pháp vốn rất yêu mến Việt Nam.

Với anh Lại Ngọc Điệp (Phó giáo sư vật lý Trường đại học Sư phạm Cachan), tự hào và xúc động đã thật sự là những cảm xúc không thể quên khi một giáo sư người Pháp, vốn rất yêu quý và hiểu biết về đất nước Việt Nam, thông báo sẽ thực hiện một buổi triển lãm nhỏ về tướng Giáp trong những ngày tới.

Không có cơ hội hòa vào dòng người kính cẩn, trang nghiêm hướng về số nhà 30 Hoàng Diệu, nhưng ở nơi xa Tổ quốc, được cảm nhận sự toả sáng của Đại tướng trong lòng bạn bè quốc tế, người Việt ở Pháp đều chia sẻ cảm giác tự hào hòa với nỗi tiếc nuối khôn nguôi.

Nhìn lại mình và thấm thêm lịch sử nước mình

Trên trang cá nhân của nhiều người Việt đang sống và học tập tại Pháp, hình đại diện đã đồng loạt chuyển sang hình ảnh cờ rủ hay cờ Tổ quốc gắn tang đen. Trong những ngày trước đó, nhiều dòng tâm trạng được thể hiện.

“Trên facebook của anh em đều cảm thấy rất rõ sự chân thành. Mình cảm nhận rõ sự yêu quý, sự tiếc thương Đại tướng như ẩn sâu trong lòng mỗi người Việt xa nhà. Nhưng điều mình thích nhất là ai cũng nhìn lại mình trước tấm gương của Đại tướng” là cảm nhận của anh Nguyễn Đỗ Long qua những trang cá nhân của bạn bè người Việt ở Pháp.

Các bạn sinh viên như Nguyễn Minh Đức (sinh viên ngành thương mại tại Toulouse), Trần Xuân Quang (nghiên cứu sinh tại Bordeaux) dường như đều muốn thể hiện tâm nguyện nói nhỏ lại, mở lòng ra nhiều hơn giống như bao đồng bào ở đường Hoàng Diệu.

Rời Việt Nam đi học tại Pháp từ năm 18 tuổi, đã 4 năm chưa có dịp trở về, những ngày gần đây Nguyễn Lê Giang (sinh viên Trường đại học Paris 12) dành nhiều thời gian để đọc những bài viết về Đại tướng qua các tờ báo điện tử Việt Nam. Những bài viết về nhân cách, công lao của Đại tướng không chỉ khiến cô sinh viên xúc động khi nghĩ đến sự ra đi của Đại tướng mà còn cảm thấy lớn lên trong sự hiểu biết về dân tộc mình.

“Thật sự là em được học lại lịch sử của đất nước một cách thấm thía nhất. Mỗi bài báo về Đại tướng lại là một câu chuyện hào hùng về thời ấy. Trước đây ở trường em đã được học nhưng thật sự chưa thấy thấm như bây giờ”, Lê Giang tâm sự.

Cũng ở tầm tuổi Giang, Nguyễn Thành Đạt (sinh viên ngành tài chính tại Paris) cũng chia sẻ: Em dành nhiều thời gian trong những ngày này để đọc không chỉ những bài báo bằng tiếng Việt mà cả những bài báo bằng tiếng Pháp viết về Đại tướng.

Đạt cho hay, ngay khi Đại tướng mất, ngày 6 tháng 10, báo Le Monde (một trong những tờ báo lớn nhất tại Pháp) đã đăng lại bài viết của Jean Lacouture có tên Ngọn núi lửa phủ tuyết (“Giap, le volcan sous la neige”). Những phân tích rất sắc sảo của nhà báo này giúp Đạt hiểu nhiều hơn về lịch sử đất nước những năm 1950 và càng thêm thán phục tài ba quân sự của Đại tướng.

Nếu được ở Việt Nam lúc này

“Sẽ có mặt trong lễ tang Đại tướng” là câu trả lời của tất cả những người Việt đang sống tại Pháp mà chúng tôi có dịp gặp khi được hỏi sẽ làm gì nếu đang ở Việt Nam.

Anh Lại Ngọc Điệp ví: “Cảm giác khi nghe tin Đại tướng mất cũng giống nghe tin một người thân mà mình rất kính phục ra đi. Thế nên nếu ở nhà mình cũng không thể làm khác hàng triệu đồng bào đã lặng lẽ xếp hàng vào viếng Đại tướng”.

Những người cha có con lớn chừng 10 tuổi như anh Nguyễn Đỗ Long đều có ước nguyện nếu được ở Việt Nam lúc này, các anh sẽ đưa con mình tới viếng vị anh hùng dân tộc. Theo các anh, đó là cách để thế hệ sau của mình cảm nhận tình đồng bào trong những hàng nối dài vào viếng.

Diệu Anh

>> Dòng người đến viếng Đại tướng dài thêm
>> Anh Văn là Đại tướng nhưng sống rất bình dân
>> Không cầm được nước mắt khi vào viếng Đại tướng
>> Con đến đây để thăm Ông - Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đau đớn chào vĩnh biệt Đại tướng
>> Kiều bào và bạn bè Lào tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Những giọt nước mắt tiếc thương Đại tướng
>> Dân đảo Lý Sơn kính viếng Đại tướng
>> Các vị lãnh đạo chia buồn cùng gia quyến Đại tướng
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn về Trường Sa, biển đảo Tổ quốc
>> Lặn lội từ xa về viếng Đại tướng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.