Tự đả thương để… chia buồn

22/11/2013 11:16 GMT+7

Người Bana ở xã Sơ Pai, huyện K’Bang (Gia Lai) có một tập tục rất “độc” và không kém phần nguy hiểm, đó là tự đâm dao vào đùi và đập đầu vào tường để thương tiếc người vừa về với Yàng.

Tự đả thương để… chia buồn

Già A Nghik kể tập tục của làng mình - Ảnh: Lê Xuân Thọ

“Đẫm máu” ở đám tang

Làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai hầu như vắng bóng người lớn bởi vụ rẫy đang vào mùa. Khó khăn lắm tôi mới gặp được già A Nghik, 60 tuổi, tại bể nước sạch của làng. Do không có cán bộ xã đi cùng nên già một mực không chịu “tiết lộ” về tập tục đâm dao vào đùi, đập đầu vào tường tại tang gia để bày tỏ sự tiếc thương. Tỉ tê mãi, cuối cùng già mới chịu nói chuyện.

Già bảo, hai làng bên cạnh là Tờ Nơr và Kung cũng có tập tục này nhưng người làng không ai biết tập tục này có từ khi nào. Chỉ biết, nếu nhà nào có người chết thì bạn bè, thân hữu sẽ đến chia buồn. Tại tang gia, trước khi tiễn đưa linh cữu người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng, mọi người có mặt ở đó phải trải qua một “thủ tục” không thể thoái thác. Nếu là đàn ông, sẽ tự đâm dao hoặc cắt một đường vào đùi của mình. Còn đàn bà thì sẽ đập đầu vào tường. Việc làm này được người làng cho là bày tỏ sự thương tiếc đối với người chết. Do đó, nếu ai càng đâm (hay cắt) mạnh vào đùi, đập đầu mạnh vào tường thì càng có nhiều tình cảm với người chết và được tang gia quý mến.

“Vậy nên, hễ nhà nào có đám tang, là coi như nhà đó có máu đổ, nhiều khi thấy cảnh tượng người sứt đùi, kẻ mẻ trán mà ớn lạnh. Nhưng mà càng ớn lạnh bao nhiêu thì tang gia lại… vui mừng bấy nhiêu bởi người thân của mình được nhiều người yêu quý”, già A Nghik cho biết thêm. Cũng vì có tập tục này mà hễ nhà có người chết, là gia chủ phải chuẩn bị vải rồi vào rừng hái “thuốc dấu” về để buộc vào vết thương cho những người vừa “hành xác”. Và tất nhiên, cũng với quan niệm thương nhớ như thế, nên vải buộc và “thuốc dấu” dùng càng nhiều thì gia chủ càng vui. “Không thiếu những trường hợp vì quá thương tiếc mà vết thương khá sâu, đến nỗi phải ngất đi và đưa lên trạm y tế”, già A Nghik cho hay.

Đập đầu để “níu” tập tục

Thấy người lạ nên chị Y Khiết, 32 tuổi, cũng không chịu nói cho tôi biết về tập tục kỳ lạ của làng. Đến khi nghe già A Nghik nói một tràng, thì chị mới yên tâm kể chuyện. Vừa tước măng tươi để chuẩn bị bữa cơm, chị vừa nói: “Thằng chồng mình nó cũng đã đâm mấy lần rồi, nhiều lúc thấy mà thương nó lắm. Mình cũng vài lần đập đầu vào tường nhưng như thế chẳng ăn thua gì. Chỉ thương thằng chồng và lũ đàn ông cứ đâm dao, rạch đùi miết thôi.”

Bỗng giọng Y Khiết chùng xuống: “Mà thương nó thì tội mình”. Hỏi ra mới biết, cứ sau mỗi lần đi đám tang về là cánh đàn ông trong làng đều… không thể lên rẫy được vì vết thương hành hạ. Thế là, dù sứt trán, nhưng phụ nữ trong làng phải gánh luôn việc của đàn ông, thậm chí nhiều bà vợ phải làm điều đó cả tháng trời bởi vết thương của chồng khá nặng.

Trao đổi với chúng tôi về tập tục này, ông Nguyễn Mạnh Tuyển, Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, cho biết: “Buôn Lưới là làng cổ nhất của cộng đồng người Bana ở đây, cách đây khoảng 10 năm thì tập tục này vẫn diễn ra. Sau thấy tác hại của nó nên chính quyền đã tuyên truyền, giải thích cho họ thấy. Dần dần họ nhận ra, tiếc thương người chết không cần thiết phải như vậy. Nhưng vì muốn níu giữ tập tục lâu đời của mình nên họ đã “cải cách” đi. Bây giờ, khi có người chết, cả đàn ông và phụ nữ chỉ đập đầu nhẹ vào vách nhà mấy cái, rồi khóc vài ba tiếng là xong.”

Lê Xuân Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.