Cập nhật thời sự để thành công với đề thi mở

16/06/2014 03:00 GMT+7

Đến thời điểm này, tất cả các tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi trên toàn quốc (do Bộ GD-ĐT, Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức) đã đồng loạt có mặt tại các bến xe, nhà ga, các địa điểm nhà trọ để giúp đỡ thí sinh đi thi.

 Cập nhật thời sự để thành công với đề thi mở 2

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa (ảnh), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long (đơn vị 13 năm tài trợ và đồng tổ chức) đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh công tác hỗ trợ và tư vấn thí sinh chuẩn bị tốt kỳ thi ĐH, CĐ.

Tiến sĩ đánh giá gì về những đội hình rất sáng tạo của tình nguyện viên chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay?

Có thể nói rằng các hình thức hoạt động của các tình nguyện viên khi tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi đang ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Hiệu quả của những hình thức hoạt động này là vừa giúp các thí sinh và người nhà thí sinh vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn khi từ những nơi xa đến các tỉnh, thành phố lớn vừa giúp tiết kiệm những khoản chi phí lớn nhưng vẫn đạt hiệu quả công việc. Với việc tổ chức các đội cung cấp thông tin trên Facebook, internet tìm đường…, chúng ta sẽ đưa thông tin đến với mọi người trong thời gian nhanh nhất với chi phí không đáng kể. Chính nhờ vào sự sáng tạo này mà các thí sinh và phụ huynh ngày càng an tâm và tự tin hơn khi được các tình nguyện viên hỗ trợ.

 Cập nhật thời sự để thành công với đề thi mở 1
Các tình nguyện viên của chương trình Tiếp sức mùa thi chở thí sinh miễn phí - Ảnh: Lưu Trung Thuận

Tại thời điểm này, rất nhiều học sinh tập trung vào các lò luyện thi đại học cấp tốc (chỉ luyện 1 tháng), tiến sĩ có đánh giá gì về tính hiệu quả của việc luyện thi theo hình thức nhanh này?

Ông bà ta thường hay nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Với lời dạy này, người đi thi phải kiên trì văn ôn võ luyện và ngay cả những người xuất chúng, muốn làm cá vượt vũ môn thì cũng phải bỏ công khổ học. Nói như vậy để thấy rằng việc luyện thi chớp nhoáng trong khoảng 1 tháng dành cho những thí sinh không thường xuyên trau dồi học tập, thì khả năng thi đậu rất thấp và nếu đậu thì kết quả ấy không được khách quan.

Tuy nhiên, đối với những thí sinh đã có một bề dày học vấn cẩn thận thì chuyện luyện thi 1 tháng được xem như chúng ta uống thêm thuốc bổ ngoài việc tập thể dục hằng ngày. Và chuyện này là điều nên làm vì có những thí sinh học khá, giỏi bị mất điểm một cách đáng tiếc do chưa quen với nhiều loại đề thi khác nhau, nhất là các đề thi mở hiện nay. Các trung tâm luyện thi cấp tốc có thể bổ khuyết kiến thức này cho các thí sinh.

Cũng sẽ có một dạng thí sinh yếu về tâm lý, thiếu tự tin trong việc học tập và muốn tham gia vào các lò luyện thi cấp tốc chỉ để củng cố thêm tinh thần trước khi bước vào cuộc thi chính thức. Đối với trường hợp này, tôi cho rằng xác suất thi đỗ sẽ không cao.

Nói tóm lại, sự chuẩn bị càng kỹ, càng lâu bao nhiêu thì kết quả hy vọng sẽ tốt bấy nhiêu. Nếu sự chuẩn bị được thực hiện một cách vội vã, chắp vá thì e rằng kết quả sẽ không đạt như mong đợi.

Tiến sĩ vừa nhắc đến đề thi mở, vậy theo tiến sĩ thí sinh sẽ gặp rắc rối nào khi tiếp cận với các đề thi theo dạng này?

Theo hiểu biết của tôi, đề thi mở vừa dễ vừa khó đối với thí sinh. Nếu thí sinh là người luôn nâng cao kiến thức, tìm tòi và cập nhật thông tin thời sự cũng như có khả năng phân tích, tổng hợp và đưa ra nhận định thì đề thi mở sẽ là một sân chơi rộng lớn để thí sinh thỏa thích diễn tả ý tưởng của mình. Ngược lại, đề thi mở sẽ là một thách đố lớn, nếu không nói là một khó khăn đối với những thí sinh có kiến thức hạn chế, suy nghĩ hời hợt và thiếu hẳn tư duy phân tích, nhận định.

Có những câu hỏi, tuy được gọi là mở nhưng ít nhiều cũng đã có sẵn một số đáp án trả lời theo mong đợi. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có những ý tưởng “mở” của thí sinh hầu như trái ngược hẳn với ý trả lời mong đợi của đáp án hoặc thậm chí vượt lên hẳn những suy nghĩ ban đầu của người chấm thi.

Tôi rất ủng hộ với cách ra đề thi mở. Theo cách này, cả thí sinh lẫn người chấm thi đều cảm thấy hưng phấn khi làm bài cũng như thích thú khi chấm bài. Và có nên chăng trong thang chấm điểm, chúng ta sẽ dành một điểm đặc biệt nào đó dành cho những ý tưởng thật hay, khác biệt và độc đáo?

Sự kỳ vọng của gia đình, căng thẳng do bài vở, việc học tập không đúng cách có thể khiến các thí sinh làm bài thi không hiệu quả và tạo ra những hệ quả tiêu cực về tâm lý, thể chất. Tiến sĩ có lời khuyên nào để thí sinh vượt qua kỳ thi thành công?

Tôi cho rằng các thí sinh bước vào phòng thi cũng giống như những chiến sĩ ra trận và cần có sự chuẩn bị tốt về tâm lý và vũ khí chiến đấu. Về tâm lý, các thí sinh cần nghĩ nhiều đến tương lai và hoài bão của mình, niềm mong đợi từ người thân, bạn bè… Đây là sức mạnh vô hình sẽ giúp thí sinh rất nhiều khi đứng trước những đề thi khó. Về vũ khí chiến đấu, các thí sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức đã học, kỹ năng làm bài và phân bổ thời gian.

Bên cạnh sự chuẩn bị trên, chắc chắn rằng sự bình tĩnh, tập trung và cẩn thận sẽ là những yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với tất cả các thí sinh khi thực hiện những bài thi dù dễ hay khó. Và một trong những lý do chương trình Tiếp sức mùa thi ra đời cũng chính là để giúp các thí sinh tự tin, bình tĩnh và tập trung nhiều hơn trong kỳ thi. 

Đăng Trình 

>> Gần 1.200 đoàn viên ra quân 'Tiếp sức mùa thi
>> Tiếp sức mùa thi' 2014: Hỗ trợ hơn 700.000 lượt thí sinh và người thân
>> Khởi động Tiếp sức mùa thi 2014
>> Hơn 2.500 sinh viên tình nguyện tập huấn tiếp sức mùa thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.