Người mẹ cưu mang những sinh viên nghèo

14/08/2013 10:18 GMT+7

Gia cảnh không khá giả nhưng cô La Thị Phước, 59 tuổi (trú tại tổ 11, khu vực 4, P.An Cựu, TP.Huế) được rất nhiều người quý mến, đặc biệt là những sinh viên nghèo đã và đang được bà cưu mang, giúp đỡ.

 Cô La Thị Phước cùng những “người con” đang trọ học ở Huế
Cô La Thị Phước cùng những “người con” đang trọ học ở Huế - Ảnh: Ng.Tiến.Hùng

Mái nhà chung của sinh viên nghèo

Là chủ của một quầy tạp hóa nhỏ trong một con hẻm có nhiều sinh viên trọ học, hằng ngày cô Phước vẫn thường chứng kiến cảnh “bữa no bữa đói” và những chuỗi ngày dài ăn mì tôm thay cơm của sinh viên nghèo lên thành phố trọ học. Nghĩ về quá khứ nghèo khó vất vả của mình xưa kia, cô Phước quyết định phải làm một cái gì đó để giúp đỡ các bạn sinh viên. “Thoạt đầu tui tới từng dãy trọ tìm hiểu về hoàn cảnh các cháu. Cháu nào có hoàn cảnh khó khăn, kết quả học tập tốt thì tui gợi ý các cháu về nhà tui ở hoặc hằng ngày tới nhà tui ăn cơm. Riết rồi thành quen, tính ra chừ cũng mấy khóa đã tốt nghiệp đi làm rồi” - cô Phước mở đầu câu chuyện. Bạn này ra trường thì bạn khác đến. Gần 10 năm qua ngôi nhà nhỏ bà Phước rộn rã tiếng cười và những bữa cơm ấm cúng, đầy nghĩa tình của “mẹ Phước” - cái từ mà nhiều bạn đã dùng để nói đến cô Phước. “Mẹ Phước giống như là người mẹ thứ hai của mình, khi biết tin mình đỗ đại học gia đình nửa mừng nửa lo vì không biết lấy đâu ra tiền để lo cơm áo gạo tiền cho mình vào Huế trọ học. Rất may là mình lại được gặp mẹ, 4 năm nay nhờ có mẹ cưu mang mình mà gia đình đỡ vất vả khi cùng lúc bố mẹ phải lo cho mấy anh chị em ăn học” - Nguyễn Quốc Việt sinh viên năm 4, Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế tâm sự.

Có cùng hoàn cảnh với Việt là Nguyễn Văn Huân, quê ở Nam Đàn, Nghệ An. Huân đang là sinh viên năm 2 Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Huân cũng từng là nghỉ tới chuyện nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng rồi cậu gặp cô Phước và nhận được sự cưu mang của “mẹ Phước” nên Huân vẫn tiếp tục ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ hằng ngày được ăn uống miễn phí mà Huân cũng như nhiều bạn sinh viên khác đồng cảnh ngộ, thi thoảng các bạn còn được bà Phước giúp tiền đóng học phí, tiền tiêu vặt. “Có chi mô, mình có tấm lòng, mấy cháu có cái ý chí, có cái quyết tâm. Mai mốt học xong không thành công cũng thành nhân mà. Xã hội càng có nhiều người được ăn học tử tế thì sẽ tốt thêm lên” - cô Phước nở nụ cười khiêm tốn.

Người ăn xin nhân ái

Cô Phước vốn là một giáo viên dạy cấp 2 ở H.Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Năm 1980, sau khi kết hôn được 3 năm thì chồng cô đột ngột qua đời. Lương thấp, lại phải nuôi 2 đứa con nhỏ, cô xin nghỉ dạy học và đưa 2 người con vào TP.Hồ Chí Minh xin ăn. Đó cũng là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời cô Phước. Ban ngày cô Phước bồng 2 người con nhỏ lang thang khắp các con hẻm đi xin ăn, ban đêm khi các con ngủ bà lại phải đi xin rửa bát, dọn dẹp cho các nhà hàng, quán nhậu. Sau khi dành dụm được ít tiền xe, cô về Huế bán bánh canh ở chợ An Cựu mưu sinh qua ngày. Bây giờ, với tiệm tạp hóa nhỏ cũng chỉ mang lại một khoản thu nhập ít ỏi đủ để chi phí sinh hoạt hàng ngày. Hai người con cô Phước cũng đã có gia đình và công việc ổn định. “Mỗi tháng con trai tui cho 300 ngàn đồng ăn sáng thì tui lấy số tiền đó cộng với số tiền dành dụm hằng ngày để lo cái ăn cho mấy cháu sinh viên. Giờ thì cuộc sống đỡ vất vả hơn trước, nhưng tui vẫn tiếp tục đi... xin. Có điều khác với trước là không phải xin cho tui, mà xin của người này để về cho người khác.” - bà Phước nói vui.

Hằng năm cô Phước đều bỏ ra 1 đến 2 tháng để đi đến các tỉnh, thành phố ở miền Trung vận động và nhận lãnh từng bao áo quần cũ, đến những đồng tiền lẻ từ những người hảo tâm. Có khi người ta thấy bà xuất hiện ở các chợ, hay tìm tới nhà người quen quyên góp tiền của. Bạn bè ở nước ngoài biết việc cũng gửi về giúp bà ít tiền để bà chia sớt cho người nghèo.

Năm nay đã gần 60 tuổi, sức khỏe cũng yếu dần rồi nhưng cô Phước vẫn chưa có ý định từ bỏ công việc của mình, hằng ngày vẫn đều đặn lo cho sinh viên từng bưa ăn, từng viên thuốc mỗi khi đau ốm. Khi sinh viên về nghỉ hè cũng là lúc người  phụ nữ này bắt đầu những chuyến đi xa làm từ thiện. Mỗi khi đọc được trên báo hay nghe người quen kể về gia cảnh khó khăn nào bà đều ghi lại địa chỉ cẩn thận để giúp đỡ.

“Ở đây đứa mô được tui giúp cũng ham học hết. Tui hay khuyên mấy cháu đừng vì cái nghèo mà bỏ dở việc học. Nhiều đứa ra trường rồi bây giờ đã thành đạt thỉnh thoảng quay lại thăm tui, có đứa ở xa quá không về được thì hay gọi điện hỏi thăm. Nghe tiếng cười tụi hắn là tui như khỏe thêm. Tui chỉ lo là sức khỏe và tuổi tác, chỉ cần còn sức thì tui còn muốn giúp nhiều người nữa” - cô Phước nói.

Nguyễn Tiến Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.